Đây là chương trình Diễn đàn kết nối cung cầu, giới thiệu thị trường và cơ chế cho doanh nghiệp Việt tham gia “Gian hàng nông sản Việt Nam” trên các nền tảng thương mại Trung Quốc, nhằm hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam có nhu cầu tiếp cận tại thị trường Trung Quốc vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.
Chương trình do Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp và Tập đoàn Sunwah (Hồng Kông, Trung Quốc) phối hợp tổ chức thực hiện, dựa trên cơ sở Ý định thư hợp tác đã ký kết theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với mục đích thúc đẩy gia tăng giá trị nông sản Việt Nam và xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc thông qua thành lập “Gian hàng nông sản Việt Nam” trên các nền tảng thương mại Trung Quốc.
Nói về điều này, ông Jesse Choi – Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunwah tại Việt Nam cho biết: “Được sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Tập đoàn Sunwah và Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp đã đạt được thống nhất về việc hợp tác thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Dựa vào hơn 60 năm kinh nghiệm phát triển của chúng tôi ở Trung Quốc và một mạng lưới quan hệ đối tác kinh doanh rộng lớn, tập đoàn Sunwah sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập các tỉnh thành khác nhau ở Trung Quốc. Đồng thời, thông qua việc phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp xây dựng gian hàng nông sản Việt Nam trên các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc để giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa và nông nghiệp nông sản của Việt Nam…Tôi tin rằng, việc hợp tác này có thể thúc đẩy hai bên chia sẻ nguồn lực và bổ sung cho nhau, đồng thời có thể cùng nhau mở rộng thị trường”.
“Chúng tôi hy vọng hai bên có thể tăng cường hơn nữa trao đổi và hợp tác, nâng cao trình độ kỹ thuật và đạt được những kết quả đôi bên cùng có lợi. Tập đoàn Sunwah sẵn sàng nỗ lực để thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Trung Quốc – Việt Nam lên tầm cao hơn, đóng góp sức lực của mình vào sự nghiệp xây dựng kinh tế và thịnh vượng của Trung Quốc và Việt Nam”, ông Jesse Choi nhấn mạnh.
Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) là một mô hình hoạt động kinh doanh mà tại đó người tiêu dùng sử dụng Internet để thực hiện hoạt động mua sắm trực tuyến, các thương nhân tiến hành giao dịch trực tuyến, và là nơi diễn ra các hoạt động thanh toán điện tử trực tuyến. Thương mại điện tử có thể cung cấp các dịch vụ toàn diện như giao dịch và quản lý trực tuyến, do đó, TMĐT có thể thực hiện nhiều chức năng khác nhau như quảng cáo, tuyên truyền, tư vấn, đàm phán, đặt hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tài khoản điện tử và quản lý giao dịch …
Tổng mức giao dịch thương mại điện tử của Trung Quốc hiện đã tăng từ 4.000 tỷ USD năm 2015 lên gần 6.000 tỷ USD vào năm 2020. Doanh số bán lẻ trực tuyến quốc gia đạt 2.000 tỷ USD vào năm 2020, trở thành thị trường bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới trong 8 năm liên tiếp. Vào năm 2020, tổng mức bán lẻ trực tuyến chiếm gần 1/4 tổng mức bán lẻ hàng tiêu dùng trong xã hội, thương mại điện tử trở thành một trong những kênh tiêu dùng chính của người dân.
Thương mại điện tử xuyên biên giới là hình thức thương mại mới, trong đó, người mua và người bán từ các quốc gia hoặc khu vực khác nhau sử dụng Internet để số hóa các sản phẩm, quy trình đàm phán và giao dịch trong thương mại truyền thống, nhằm hoàn tất quy trình nhập khẩu sản phẩm đó. Các hình thức chủ yếu bao gồm B2B, B2C, C2C. Trong đó, hình thức B2C, tức là các công ty bán hàng tiêu dùng trực tiếp cho người tiêu dùng cuối tại nước ngoài. Với hình thức này, doanh nghiệp không chỉ bán được sản phẩm mà còn xây dựng được thương hiệu của chính mình.
Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đạt gần 3 nghìn tỷ USD, chiếm 37,32% tổng giá trị xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa.
Được biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của nước ta. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 7.7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Trong đó, sản phẩm rau quả đạt 2,75 tỷ USD, sản phẩm gạo đạt 390.6 triệu USD, hạt điều 259 triệu USD, cafe đạt 71.4 triệu USD…
Theo các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới khó khăn và lạm phát toàn cầu năm 2023, Trung Quốc sẽ là điểm đến lớn nhất của nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu bùng nổ. Vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn. Thị trường Trung Quốc được kỳ vọng là nhân tố bứt phá giúp ngành nông nghiệp hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 54 – 55 tỷ USD trong năm nay.
Ngoài ra, tại chương trình, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp cũng đã giới thiệu đến các doanh nghiệp về việc sẽ tổ chức Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ Thương mại và Đầu tư quốc tế Hà Nam (CHIITF) lần thứ 14 tại tỉnh Hà Nam – Trung Quốc từ ngày 26 -28/9/2023.
Hiện nay, gần 100% nông sản của Việt Nam chỉ tiếp cận được thị trường của 3 tỉnh phía Nam Trung Quốc gồm Quảng Tây, Vân Nam và Quảng Đông. Trong khi đó, hơn 50% dân số của Trung Quốc khoảng 765 triệu người, tập trung ở các tỉnh miền Trung của Trung Quốc (nằm xung quanh tỉnh Hà Nam), là khu vực mà nông sản Việt Nam hầu như chưa thâm nhập. Việc tham gia Hội chợ lần này cũng sẽ mở ra cơ hội hợp tác, đầu tư cho các doanh nghiệp Việt trong ngành hàng sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng…
Về phía Trung Quốc, bà Wang Yanli – Phó Giám đốc Trung Tâm Dịch vụ công Khu ngoại quan Lạc Dương cũng đã giới thiệu những chính sách đặc biệt và các lĩnh vực hợp tác của Khu Ngoại quan tổng hợp Lạc Dương. Đây là một Khu được Quốc vụ viện Trung Quốc chính thức phê duyệt thành lập vào ngày 24/5/2020 và vượt qua đợt nghiệm thu liên ngành vào ngày 02/12/2021 do Tổng cục Hải quan Trung Quốc chủ trì. Khu ngoại quan nằm ở phía Tây Nam TP. Lạc Dương, xung quanh là các cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, nhà máy sản xuất trình độ cao, khu công nghiệp sinh thái hiếm có trong một khu đô thị hiện đại với các dịch vụ hiện đại, thương mại quốc tế… Bên cạnh đó, Khu ngoại quan tổng hợp là khu vực giám sát hải quan đặc biệt được thành lập trong khu vực nội địa Trung Quốc với chức năng là Khu vực cảng ngoại quan. Dựa trên các quy định có liên quan, Hải quan tiến hành quản lý và thực hành các chính sách thương mại, thuế và ngoại hối đặc biệt, với phương thức hoạt động là “xuất nhập khẩu ngay trong nội địa Trung Quốc”, phù hợp với các hoạt động kinh doanh ngoại quan như: Thương mại chuyển khẩu quốc tế; mua sắm phân phối và vận chuyển quốc tế; Giao dịch và trưng bày hàng hóa nhập khẩu; Nghiên cứu phát triển và gia công sản xuất…
Uyển Nhi