10/04/2024 2:52:46

Học nghề Kế toán thời 4.0: Dễ dàng tiếp cận, sẵn cơ hội việc làm

“Không phải vất vả đầu óc tính toán như trước đây, sinh viên học nghề Kế toán thời 4.0 có các nền tảng công nghệ, công cụ hỗ trợ giúp công việc nhẹ nhàng hơn. Đây cũng là ngành học có nhiều tiềm năng và triển vọng, được nhiều bạn trẻ mơ ước khi cơ hội việc làm không giới hạn, công việc ổn định. Sinh viên mới tốt nghiệp đi làm có mức lương khởi điểm 6-7 triệu đồng/ tháng và từ 12- 14 triệu đồng/ tháng khi có kinh nghiệm làm việc” – Cô Doãn Phương Nhung, Trưởng khoa Kinh tế, trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh (BCEC)  khẳng định.

Giờ học của sinh viên nghề Kế toán tại CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh.

Ngành học đa dạng, nhu cầu thị trường lớn

Nhu cầu nhân lực ngành Kế toán hiện ngày càng tăng, bởi đây là nghề không thể thiếu trong bất cứ một tổ chức hay doanh nghiệp nào, đặc biệt đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiện nay, Việt Nam có tới hơn 500 nghìn doanh nghiệp, tỷ lệ việc làm của ngành Kế toán tăng trưởng khoảng 22% mỗi năm, mỗi doanh nghiệp cần từ 2 – 6 kế toán viên ở các vị trí việc quan trọng, có vai trò đặc biệt đối với sự vận hành, phát triển của một doanh nghiệp. Đồng nghĩa với cơ hội việc làm rộng mở cho sinh viên theo học ngành Kế toán.

Tại trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, trung bình mỗi năm nhà trường có chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo khoảng 30 sinh viên trình độ Cao đẳng và trên 60 sinh viên trình độ Trung cấp.

Với phương châm “Thực học, thực hành, thực nghiệp”, ngay trong quá trình đào tạo nhà trường đã có sự gắn kết, liên hệ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm điều kiện cho học sinh, sinh viên có môi trường thực hành, phát triển tư duy nghề Kế toán và ứng dụng các kỹ năng làm việc trong môi trường thực tế.

Bởi vậy, hầu hết học sinh, sinh viên đều hình thành và phát triển kỹ năng chuyên nghiệp và không khó để có một công việc đúng với chuyên môn khi tốt nghiệp ra trường.

Cô Doãn Phương Nhung – Trưởng khoa Kinh tế (áo xanh) cho biết Nghề Kế toán không khó, nhưng cần sự cẩn thận, chỉn chu và linh hoạt.

Ngành học Kế toán ở trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh đa dạng, đào tạo sinh viên trở thành chuyên viên phụ trách kế toán, kiểm toán, giao dịch ngân hàng, thuế, kiểm soát viên, thủ quỹ, tư vấn tài chính, nhân viên quản lý dự án, nhân viên phòng giao dịch và ngân quỹ, quản lý tài chính… cho các doanh nghiệp.

Không quá vất vả phải tính toán với hàng loạt sổ ghi chép số liệu thủ công như trước đây, học nghề Kế toán hiện nay tại trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh được cập nhật những nền tảng công nghệ 4.0, với những công cụ tính toán thông minh, chính xác giúp người thực hiện các công việc tính toán trở nên dễ dàng.

Cẩn thận, kiên trì sẽ thành công

Cựu sinh viên Trần Thị Huyền (CĐ K41), chuyên ngành Kế toán trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, hiện đang làm Kế toán cho một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, với mức lương dao động từ 12- 14 triệu đồng/ tháng. Huyền cho biết: “Em chưa từng yêu thích nghề Kế toán, đơn giản khi chọn nghề xuất phát từ nhu cầu thiết thực của thị trường đang cần”.

Trải qua quá trình học tập tại trường được các thầy cô giáo nhiệt tình chỉ bảo từng bước, dần khám phá từng môn học chuyên ngành kế toán, Huyền thấy thú vị và càng chăm chỉ học tập, luyện tập để các kỹ năng làm nghề ngày càng tiến bộ.

Quãng thời gian 3 năm học tập tại trường, Huyền lĩnh hội được các kiến thức cơ bản trong các lĩnh vực như: Kế toán thuế, thủ quỹ, công nợ…

Mỗi lĩnh vực đều có những đặc thù, khó khăn riêng, nhất là khi bước vào thực hành và vô số những phát sinh trong môi trường làm việc thực tế đòi hỏi sự linh hoạt, thích ứng, kiên trì để hoàn thành các số liệu, chứng từ, hóa đơn sao cho khớp với kế hoạch thu chi tài chính của doanh nghiệp.

Thời gian học tập tại trường, Huyền có 2 tháng được thực tập tại một doanh nghiệp nhỏ, khi ra trường làm việc tại một doanh nghiệp quy mô hơn và đòi hỏi rất nhiều kỹ năng chuyên môn, đồng thời cả kỹ năng giao tiếp khi tiếp xúc với khách hàng.

Phạm Thị Ngọc (trái) và Trần Thị Huyền – cựu sinh viên CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh  kháthành công với nghề đã chọn

Hay như sinh viên Phạm Thị Ngọc (1981) vừa tốt nghiệp Trung cấp chuyên ngành Kế toán của trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Ngọc là sinh viên hy hữu của nhà trường, ở độ tuổi ngoài 40 đang duy trì một công việc quản lý nhân công- chị gần như là giám đốc một công ty nhỏ với hơn 10 công nhân vận chuyển, giao nhận hàng hóa mỗi ngày.

Tuy nhiên, thấy bản thân thiếu kiến thức quản lý, vận hành, chị Ngọc quyết định đăng ký học Trung cấp ngành Kế toán. Quá trình học tập tại trường đã giúp chị vỡ vạc ra nhiều điều bổ ích, chị Ngọc cho biết: “ Nhờ sự nhiệt tình của các thầy cô giáo, các kiến thức và ứng dụng công nghệ tính toán đã giúp tôi dễ dàng hơn nhiều trong quản lý, hạch toán thu chi, lương, thưởng cho công nhân. Nhờ sự chăm chỉ, quyết tâm, tôi cũng đã có kỹ năng nghề Kế toán để chủ động hơn trong công việc của mình”.

Cô Doãn Phương Nhung – Trưởng khoa Kinh tế cho biết: Những kiến thức ở trường làm nền cơ bản, giống như phải học thuộc bảng cửu chương, rồi từ đó ứng dụng trong các phép tính.

Bởi vậy, việc ứng dụng kiến thức trong kỹ năng nghề đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực của bản thân, thực hành nhiều lần, từ những công việc đơn giản đến phức tạp, với nhiều dạng khác nhau. Từ đó sẽ cho ra kinh nghiệm, sự trau dồi và hình thành tư duy kỹ năng vững vàng khi làm nghề.

Sinh viên nghề Kế toán CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cùng trao đổi học tập

Cẩn thận, kiên trì và cả sự thích ứng cập nhật những thay đổi từ văn bản, chính sách của nhà nước là những yếu tố hàng đầu của người làm nghề Kế toán viên. Các quy trình trong mỗi công việc như: Thu thập số liệu, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua nghiệp vụ kế toán như tính phí, làm dự toán, phân bổ ngân sách, quản lý doanh thu theo sát kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp…, đều phải rất cẩn thận và đảm bảo chính xác.

Nhờ quy trình đào tạo bài bản, sinh viên lại được thực tập song hành tại các doanh nghiệp, nên khi ra trường các em đều tự tin ứng tuyển vị trí việc làm tại các doanh nghiệp. Các em đều trưởng thành và có mức thu nhập ổn định được cuộc sống.

Nhận xét về các thế hệ học sinh, sinh viên, cô Nhung luôn tự hào: “Nhiều em tự khởi nghiệp kinh doanh sẵn kiến thức ứng dụng rất tốt và thành công, mua được nhà, mua được xe ô tô. Các thế hệ học sinh, sinh viên của nhà trường tốt nghiệp ra trường, có việc làm đúng với chuyên môn đã học thường xuyên liên lạc, trao đổi cùng các thầy cô giáo của khoa Kinh tế, vừa để có thêm kinh nghiệm truyền thụ từ các thầy; vừa giúp các thầy cô chuyên khoa kinh tế cập nhật các chính sách, văn bản hiện hành đối với doanh nghiệp. Vậy nên, nhà trường và học sinh, sinh viên giờ trở thành đồng nghiệp”.

Bảo Linh