Mô hình đào tạo hệ 9+ (học kiến thức văn hóa THPT kết hợp học nghề) tại trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Công thương – CCI tại TP Bắc Ninh khá thành công nhưng không phải ai cũng hiểu hết sự vất vả của thầy cô và nhà trường khi học lực của nhiều học sinh còn yếu, chưa kể đến chính tư duy của các bậc phụ huynh chỉ cho con đi học với tâm lý “học cho xong”.
Xóa bỏ tư duy “học sinh yếu mới học nghề”
Cô Đào Thị Lê – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trung bình mỗi năm nhà trường có khoảng 500 em học sinh tốt nghiệp cấp THCS trên địa bản tỉnh Bắc Ninh đăng ký vào trường theo học hệ 9+. Con số này không nhiều so với quy mô của một trường THPT, nhưng để đảm bảo cho các em được học hành nề nếp, đảm bảo kiến thức các môn văn hóa, đủ điều kiện tham dự thi tốt nghiệp THPT và có bằng tốt nghiệp, đồng thời cũng đảm bảo cho các em học sinh đăng ký học nghề đạt chuẩn kỹ năng theo yêu cầu là điều không dễ dàng đối với các em học sinh và cả với mỗi thầy cô giáo.
Không riêng gì CCI, thực tế chất lượng đầu vào của học sinh hệ 9+ nói chung đều chưa cao, học sinh học lực yếu, trung binh là phổ biến, số ít học sinh có học lực văn hóa khá. Không ít các bậc phụ huynh đưa con em tới trường đăng ký cho con học hệ 9+ bày tỏ thẳng thắn, thậm chí định kiến với quan điểm: “Con tôi hư hỏng, học dốt mới đi học nghề, trăm sự nhờ nhà trường giúp đỡ”.
Định kiến xã hội, mà trực tiếp là các bậc phụ huynh với con em mình, như thế vô hình chung khiến các em trở nên tự ti, không tin vào bản thân mình có những năng lực khác ngoài các môn văn hóa để phát triển.
Hiệu trưởng Đào Thị Lê cho biết: “Quả thực, tôi rất ái ngại khi những em học sinh bị cho là học kém mới đi học trường nghề. Sẽ không có học sinh nào kém, nếu như các em chăm chỉ học tập theo sự chỉ bảo của thầy cô giáo. Mỗi học sinh khi chọn trường, chọn nghề đều rất cần sự phối hợp định hướng của các bậc phụ huỵnh và nhà trường, khơi dậy năng lực của các em với tinh thần tích cực”.
“Trải qua nhiều năm với công tác đào tạo học sinh hệ 9+, các thầy cô giáo của CCI không chỉ đảm nhiệm phụ trách dạy các môn văn hóa, định hướng học nghề phù hợp với năng lực của mỗi học sinh, mà còn kiêm luôn bảo mẫu vừa dạy, vừa dỗ” – cô Lê nói thêm.
Ở lứa tuổi vị thành niên, với tâm sinh lý thay đổi, nhiều học sinh trong hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, bố mẹ ly hôn, thiếu thốn sự sẻ chia từ cha mẹ, chỉ cần những tác động bằng lời nói tiêu cực, dễ dẫn đến các em bỏ rơi bản thân, không tập trung học hành, thậm chí bỏ nhà, bỏ học. Bởi vậy, sự quan tâm và dạy dỗ, thấu hiểu tâm lý cũng như sự động viên của nhà trường, gia đình có vai trò quan trọng trong việc định hướng cho các em đến những điều tích cực.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý thời gian học sinh đến trường cũng như giờ tan trường, hay đốc thúc việc học văn hóa, làm bài tập về nhà các môn văn hóa để các em ngày càng tiến bộ được nhà trường đưa vào quy định, xử phạt nghiêm túc với các trường hợp đi học muộn, không làm bài tập…
“Trong năm học đầu tiên, các thầy cô rất vất vả với những học sinh mất gốc văn hóa, thậm chí bị coi là hư hỏng, ăn chơi, đua đòi, không có quần áo đẹp, điện thoại đẹp là không đi học. Nhiều phụ huynh học sinh bất lực, nhưng nhà trường, mỗi thầy cô giáo chủ nhiệm với nỗ lực ‘chèo lái’ tư duy, ‘mưa dầm thấm lâu’ hướng cho các em sự nhận thức đúng đắn về cuộc sống, lòng biết ơn, từ đó thay đổi các em lối sống tích cực, có ý thức tự giác, kỷ luật với bản thân trong học tập. Nhiều em tiến bộ hơn hẳn sau một học kỳ tại trường” – cô Lê chia sẻ.
Khi tiếp cận học nghề, hầu hết các em đều tiếp thu rất tốt, khéo léo, đạt chuẩn kỹ năng nghề chuyên môn khi tốt nghiệp ra trường. Hoàn thành chương trình 9+, các em có bằng tốt nghiệp THPT Quốc gia và bằng trung cấp nghề. Học sinh của nhà trường khi tốt nghiệp đều có kỹ năng thuần thục, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Nhiều học sinh cũng mạnh dạn khởi nghiệp, không ngừng nỗ lực học liên thông lên trình độ cao đẳng, đại học.
Bó tay với tâm lý “Học cho xong” của phụ huynh
Bên cạnh sự ủng hộ của nhiều phụ huynh cùng phối hợp với nhà trường đồng hành quản lý, dạy dỗ học sinh, cũng có những phụ huynh chưa thực sự nhận thức sâu sắc và có trách nhiệm với chính con em mình.
Rất nhiều bậc phụ huynh cho con đến trường nhưng lại có tâm lý “học cho xong chuyện”, “học vì thể diện bố mẹ”, cốt lấy bằng tốt nghiệp THPT, xong tính tính tiếp…Thậm chí, không ít phụ huynh không muốn định hướng cho con học học nghề song song với học văn hóa, bởi cho rằng các con vẫn độ tuổi ăn chơi, nên không muốn con vất vả khi học nghề sớm.
Bởi vậy, học sinh đi học thường với tâm lý đáp ứng sự thỏa mãn thể diện cho bố mẹ là chính chứ không phải học vì sự phát triển và tương lai của bản thân. Chưa kể học sinh ý thức kém, thái độ ứng xử thiếu văn hóa khi bị phê bình, kiểm điểm, nhưng phụ huynh thì lại tỏ ra thờ ơ, thiếu quan tâm và thiếu tôn trọng các thầy cô giáo nhà trường.
Đây là một trong những khó khăn, rào cản đối với những người làm công tác giáo dục, dù rất muốn hướng đến cho các em học sinh học yếu văn hóa có thể bù đắp bằng sự định hướng học nghề phù hợp, để các em không bị lãng phí thời gian, lãng phí tuổi trẻ và không đảm bảo hành trang bước vào cuộc sống.
Cô Lê chia sẻ: “Hơn ai hết, các bậc phụ huynh cần hiểu rõ năng lực con em mình, các em học sinh cần sự động viên, khuyến khích rất lớn từ các bậc cha mẹ, để mỗi ngày các em đến trường hứng thú và cảm thấy ý nghĩa. Chúng ta thương con là cho con tương lai và kỹ năng làm việc. Khi các em học sinh được định hướng đúng năng lực, rèn luyện kỹ năng nghề chuyên môn tốt, chắc chắn các em sẽ có được sự tự tin để tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội sau này. Đó mới thực sự là điều gia đình, nhà trường và xã hội mong muốn”.
Vất vả đào tạo nhưng trầy trật thu học phí
Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Công thương – CCI là trường tư thục, nhưng học sinh hệ 9+ được miễn 100% học phí học nghề theo Nghị định 81/2021/NĐ- CP của Chính phủ. Còn với học phí chương trình văn hóa được áp dụng theo quy định của HĐND tỉnh Bắc Ninh với mức học phí 300.000 đồng/ học sinh/ tháng trong năm học 2023 – 2024. Ngoài phần thu học phí, đồng phục, nhà trường không lạm thu bất cứ các khoản thu nào khác.
So với mặt bằng chung của hệ thống các trường tư, mức học phí trên không thấm tháp gì so với mức học phí của một trường THPT tư thục. Xong, với tâm lý cho con đi học “cho xong”, nên không ít phụ huynh phàn nàn học phí cao, nên việc thu học phí trở nên vất vả không kém quá trình dạy dỗ học sinh.
Bảo Linh