15/11/2022 2:08:05

Giải pháp trọng yếu để giảm thiểu tai nạn lao động

Đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, bản thân người lao động có thể coi là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng, tái thiết và phát triển đất nước. Qua đó, vị thế của người lao động ngày càng được nâng cao trong xã hội, được thể hiện rõ trong chính sách và pháp luật của Nhà nước về việc nâng cao các điều kiện bảo hộ lao động, môi trường làm việc và các chế độ phúc lợi.

Mỗi năm, doanh nghiệp đều phải định kỳ báo cáo tình hình lao động cho các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hai lần vào giữa năm và cuối năm. Tuy nhiên để thực hiện Luật an toàn, vệ sinh lao động trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt hơn thì việc đối thoại định kỳ về chính sách nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu hiết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý Nhà nước ngày càng trở nên cần thiết hơn cả, qua đó góp phần xây dựng cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện hơn.

Cụ thể, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành 7 thông tư quy định về tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động; chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đào tạo chuyên gia đánh giá việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động làm cơ sở đánh giá giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Tai nạn lao động ở Đồng Nai

Các nguyên nhân chính để xảy ra tai nạn lao động tại Việt Nam trong năm 2022

Căn cứ nội dung tại thông báo vào tháng 10/2022 của của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) về tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) 6 tháng đầu năm đã nêu các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người bao gồm:

Nguyên nhân do người sử dụng lao động (chiếm 37,85% tổng số vụ và 38,56% tổng số người chết), cụ thể là: Do tổ chức lao động và điều kiện lao động – chiếm 16,8% tổng số vụ và 15,64% tổng số người chết; Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn – chiếm 12,09% tổng số vụ và 12,98% tổng số người chết; Người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân không đảm bảo – chiếm 5,54% tổng số vụ và 6,67% tổng số người chết; Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động – chiếm 3,42% tổng số vụ và 3,27% tổng số người chết.

Nguyên nhân do người lao động (chiếm 27,73% tổng số số vụ TNLĐ và 27,66% tổng số người chết), cụ thể là: Người lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động chiếm 14,08% tổng số số vụ và 14,1% tổng số người chết; Người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân và thiết bị an toàn được trang bị chiếm 13,65% tổng số số vụ và 13,56% tổng số người chết.

Còn lại 34,42% tổng số vụ TNLĐ với 33,78% tổng số người chết, xảy ra do các nguyên nhân tai nạn giao thông, nguyên nhân tai nạn lao động do người khác gây ra, khách quan khó tránh.

Tai nạn lao động ở Hà Nội

Giải pháp khắc phục những nguyên nhân tai nạn lao động vào năm 2023

Chia sẻ về các giải pháp khắc phục, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định cần được triển khai nhanh và nhiều hơn để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động như:

1/ Tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động. Các UBND tỉnh/ thành phố phối hợp với Bộ LĐ – TBXH tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: Xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, khoáng sản đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại. Thiết bị nâng, thang máy, các công trình vui chơi công cộng có sử dụng các trò chơi tàu lượn cao tốc, đu quay, máng trượt, cáp treo,….

Song song đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

2/ Tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề thông qua các lớp tập huấn từ cơ bản đến nâng cao. Đặc biệt ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

UBND tỉnh/ thành phố cần tăng cường tổ chức điều tra tai nạn đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Tăng cường triển khai công tác phòng ngừa với sự hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội, bệnh nghề nghiệp, báo cáo về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tổ chức hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã trong việc thống kê, báo cáo; lập biên bản ghi nhận các vụ tai nạn lao động không có hợp đồng lao động.

3/ Đối với các doanh nghiệp phải đẩy mạnh triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, độc hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa TNLĐ do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập; tổ chức hoặc đăng ký tham gia các lớp huấn luyện, tập huấn an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.

Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tuyên truyền việc chú ý việc xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo an toàn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các hội nghề nghiệp tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động, hội viên chấp hành tốt các nội quy làm việc an toàn; sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động.

Quang Trung