Bộ Công thương xác định 4 giải pháp gồm: nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN; sắp xếp các cơ sở GDNN theo hướng tin gọn, hiệu lực, hiệu quả; chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu tiến bộ của công nghệ; gắn kết các cơ sở GDNN với thị trường lao động.
- Tổng quan
Bộ Công Thương hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trực thuộc được phân bổ tại 5/8 vùng lãnh thổ Việt Nam, cụ thể: Đông bắc Bộ có 11 trường; Đồng bằng sông Hồng có 07 trường; Bắc Trung bộ có 02 trường; Nam Trung Bộ có 02 trường; và Đông Nam bộ có 03 trường.
Các cơ sở GDNN và các trường đại học có hoạt động GDNN đang đào tạo tổng số 78 ngành nghề trình độ cao đẳng, 68 nghề trình độ trung cấp và tương ứng đào tạo hàng trăm nghề trình độ sơ cấp; ngành nghề đào tạo chủ yếu là kỹ thuật công nghệ, một số trường có đào tạo về kinh tế, quản lý, dịch vụ, tuy nhiên quy mô đào tạo nhóm ngành này nhỏ. Quy mô đào tạo GDNN hiện khoảng120.000 học sinh, sinh viên (trong đó cao đẳng chiếm khoảng 60%).
Về cơ sở vật chất và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo:
– Tổng diện tích đất của 25 cơ sở GDNN: 1.895.312 m2, trung bình đạt 75.812 m2 /cơ sở GDNN;
– Tổng diện tích phòng học lý thuyết và thực hành: 450.396 m2, trung bình đạt 4,1 m2 /học sinh, sinh viên;
– Tổng số cán bộ, giáo viên và cán bộ quản lý: 3.967 người; trong đó cán bộ quản lý là 782 người, chiếm 19,7%; có 2.347 giáo viên có trình độ sau đại học, chiếm 73,7%;
– Công tác đầu tư từ nguồn ngân sách Bộ Công Thương cho GDNN trung bình khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm; đầu tư từ nguồn ngân sách thuộc dự án đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN đến nay là 188,6 tỷ đồng; có 118 lượt nghề các cấp độ (quốc tế, ASEAN, quốc gia) đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt; có 10 cơ sở GDNN được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xét duyệt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lựa chọn đầu tư trọng điểm để trở thành trường chất lượng cao đến năm 2020 tầm nhìn 2025;
Xác định GDNN có vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực trực tiếp trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Trong những năm qua, hệ thống các cơ sở GDNN thuộc Bộ Công Thương đã có những bước phát triển cả về quy mô, chất lượng đào tạo, người học sau tốt nghiệp từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức đặt ra, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động năng động và thay đổi nhanh chóng, trình độ công nghệ và tổ chức sản xuất liên tục phát triển và xu thế của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0).
- Nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng 4.0
- Nhiệm vụ
– Đến năm 2025 có 10 cơ sở GDNN đạt chuẩn trường chất lượng cao;
– Nâng quy mô mô đào tạo GDNN lên 140.000 học sinh, sinh viên vào năm 2021;
– Triển khai mô hình đào tạo KOSEN đến 100% các cơ sở GDNN trực thuộc vào năm 2020;
– Năm 2020, phấn đấu có 90% học sinh, sinh viên GDNN tốt nghiệp có việc làm và tự tạo được việc làm theo đúng ngành, nghề đào tạo;
– Năm 2025 có 10 cơ sở GDNN thực hiện tự chủ.
- Giải pháp
Để đạt được mục tiêu số lượng, chất lượng nguồn nhân lực GDNN phục vụ cho ngành, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Công Thương xác định đồng bộ các giải pháp sau:
2.1. Nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN
Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cơ sở GDNN trực thuộc Bộ trong trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động; quyết định thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ và tự đảm bảo các điều kiện để thực hiện và cung cấp các dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng; tự chủ về tổ chức, nhân sự, tài chính,…
2.2. Sắp xếp các cơ sở GDNN theo hướng tin gọn, hiệu lực, hiệu quả
Chủ động triển khai sắp xếp các cơ sở GDNN tại các vùng, địa phương theo hướng giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đảm bảo sau sắp xếp, các cơ sở GDNN phát triển bền vững, ổn định về tổ chức, tuyển sinh, việc làm cho người lao động, việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp,…được xã hội đánh giá cao.
2.3. Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu tiến bộ của công nghệ của Công nghiệp 4.0
- a) Chương trình đào tạo
Chỉ đạo các cơ sở GDNN xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia có sự tham gia của người sử dụng lao động; triển khai nhân rộng thí điểm đào tạo theo mô hình KOSEN (Nhật Bản) đến toàn hệ thống cơ sở GDNN trực thuộc. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% chương trình đào tạo đạt chuẩn quy định, trong đó mỗi trường có từ 3-5 chương trình đào tạo chất lượng cao;
Tập trung chỉ đạo các cơ sở GDNN được phê duyệt đào tạo thí điểm chương trình quốc tế (Cộng hòa Liên bang Đức) đạt mục tiêu chất lượng đề ra.
- b) Tổ chức đào tạo
Các cơ sở GDNN tăng cường áp dụng công nghệ đào tạo tiên tiến của các nước phát triển, ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong dạy-học, quản lý đào tạo;
Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học;
Triển khai các chương trình đào tạo mở, phù hợp với từng đối tượng người học nghề nhằm tăng quy mô đào tạo nghề hàng năm.
- c) Hình thức và phương pháp thi, kiểm tra đánh giá
Tăng cường áp dụng các hình thức thi, kiểm tra đánh giá khách quan, tách khâu kiểm tra đánh giá ra khỏi khâu giảng dạy, tạo điều kiện tốt nhất cho người học;
Thí điểm lựa chọn một số ngành, nghề để tổ chức đánh giá kết quả đào tạo của cơ sở GDNN theo hướng nhà trường – doanh nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp.
- d) Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở GDNN
– Triển khai có hiệu quả mô hình kết nối Nhà trường – Doanh nghiệp để doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho nhà giáo nhằmcập nhật, nâng cao kỹ năng thực hành nghề, tiếp cận công nghệ mới…;
– Khuyến khích các cơ sở GDNN xây dựng cơ chế đặc thù cho nhà giáo có trình độ cao, tay nghề cao để thu hút nhân lực chất lượng cao tham gia hoạt động trong lĩnh vực GDNN;
– Xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở GDNN để hình thành đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở GDNN chuyên nghiệp.
- e) Chuẩn hóa, tăng cường thiết bị phục vụ đào tạo
Tập trung đầu tư mua sắm bổ sung thiết bị theo chuẩn đối với các ngành nghề, theo hướng ưu tiên các ngành, nghề trọng điểm các cấp độ;
Khuyến khích các cơ sở GDNN đầu tư xây dựng thư viện điện tử; trung tâm học liệu số mở phục vụ dạy và học.
- f) Ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong GDNN hướng tới đáp ứng yêu cầu của Công nghiệp 4.0
Các cơ sở GDNN tiếp tục thực hiện hiện đại hóa hạ tầng CNTT, áp dụng các phần mềm quản lý nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả quản lý;
Khai thác hiệu quả phần mềm quản lý các cơ sở GDNN trực thuộc Bộ, đến năm 2020 liên kết và đồng bộ 100% phần mềm quản lý các cơ sở GDNN trực thuộc;
Nâng cấp website phát triển nguồn nhân lực của Bộ Công Thương, trở thành địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động và triển khai công tác tuyển sinh cho các cơ sở GDNN;
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý, hoạt động dạy-học và kiểm tra đánh giá trong các cơ sở GDNN; Áp dụng CNTT để xây dựng hệ thống kết nối cung và cầu đào tạo trong toàn hệ thống GDNN thuộc Bộ.
2.4. Gắn kết các cơ sở GDNN với thị trường lao động
– Tăng cường truyền thông mô hình đào tạo 9+ tại Việt Nam dựa theo mô hình KOSEN của Nhật Bản đến các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và người lao động;
– Tăng cường áp dụng các mô hình khởi nghiệp; xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm của các địa phương nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp;
– Chú trọng gắn kết đào tạo với xuất khẩu lao động, coi đây là bước đột phá để nâng cao chất lượng GDNN./.
Bộ Công thương