Có thể gỡ được gì thì gỡ ngay, để doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội kinh doanh. Đây là điểm chung trong những kiến nghị mà các doanh nghiệp gửi tới Chính phủ.
Khó khăn vì… mới mẻ
Trong cuộc làm việc của doanh nghiệp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các khó khăn hiện hữu, bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Misa đã buộc phải xin phép phát biểu 2 lần, để làm rõ vấn đề về đề xuất liên quan đến việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa.
“Chúng tôi cũng đang làm hồ sơ xin cấp phép dịch vụ này theo yêu cầu mới, nhưng chưa được. Trong lúc dịch bệnh, giao thương đứt đoạn, ký số từ xa đang là nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp, cũng là cơ hội kinh doanh của những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như chúng tôi, nên chỉ mong các cơ quan quản lý thúc đẩy nhanh việc cấp phép càng sớm càng tốt”, bà Thúy nói.
Phải nói rõ, giữa năm 2020, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã yêu cầu Công ty cổ phần Misa dừng cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng (Misa-CA) theo mô hình ký số từ xa.
Lý do là, Thông tư số 16/2019/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa đã có những thay đổi so với quy định tương ứng trước đó.
Như vậy, mặc dù Công ty cổ phần Misa đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng và đã cung cấp 2.583 chứng thư số theo mô hình này, song sẽ phải dừng lại dịch vụ cho đến khi hệ thống kỹ thuật của doanh nghiệp này đáp ứng các quy định của Thông tư số 16/2019/TT-BTTTT.
Vấn đề là, theo bà Thúy, quy định mới của Thông tư số 16/2019/TT-BTTT chặt chẽ đến mức, cho đến thời điểm này, không chỉ Misa, mà chưa một doanh nghiệp nào được cấp phép.
“Chúng tôi chỉ nghĩ rằng, một quy định mà không doanh nghiệp nào đáp ứng thì nên xem xét lại, có thể áp dụng cơ chế thử nghiệm (sandbox) với thời gian nhất định, chứ không thể để trống cơ hội, trong khi doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn”, bà Thúy khuyến nghị.
Thực tế, những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ mới xuất hiện trong nền kinh tế đang đối mặt với khá nhiều thách thức không chỉ từ thị trường, mà là từ cơ chế, chính sách.
Ngay cả ví điện tử MoMo dù đạt được mức tăng trưởng đáng mơ ước trong năm 2020, tới 2,5 – 3 lần cả về doanh thu và người dùng so với năm 2019, nhưng ông Đoàn Tử Tích Phước, Trưởng đại diện Văn phòng phía Bắc của Công ty cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến (ví điện tử MoMo) phải thẳng thắn cho rằng, đó là nhờ Covid-19 khiến người dùng thay đổi thói quen không dùng tiền mặt, chứ chưa phải từ cơ chế, chính sách.
“Với các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, cú hích từ Covid-19 là vô cùng lớn, nhưng không thể bền vững nếu không có sự hỗ trợ của cơ chế, chính sách. Trong nhiều quy định hiện hành về thanh toán không dùng tiền mặt, chủ yếu được ban hành cách đây 5 – 7 năm, khái niệm này được hiểu là chuyển khoản qua ngân hàng. Các doanh nghiệp không thể nộp thuế bằng ví điện tử, hay các doanh nghiệp khi thực hiện các khoản thanh toán trên 20 triệu đồng cũng buộc phải chọn chuyển khoản qua ngân hàng, vì các quy định chưa cập nhật hình thức thanh toán của ví điện tử. Hiện tại, nhiều dự án của chúng tôi buộc phải chờ các văn bản được sửa đổi. Mong mọi việc được xử lý sớm nhất có thể”, ông Phước chia sẻ thực tế.
Và khó vì những lới hứa chậm được xem xét
Theo kế hoạch mà Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cuối tháng 3/2021, hai bên sẽ có cuộc họp để bàn về việc xem xét lại quy định về ngưỡng chỉ tiêu phospho trong nước thải chế biến thủy sản.
Một quy định mà không doanh nghiệp nào đáp ứng thì nên xem xét lại, có thể áp dụng cơ chế thử nghiệm (sandbox) với thời gian nhất định, chứ không thể để trống cơ hội, trong khi doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn.
– Bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Misa
“Chúng tôi đã làm việc suốt 3 năm nay, đã cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát thực tế các doanh nghiệp, xem xét công nghệ xử lý nước thải hiện tại. Mục đích là để các cơ quan hoạch định chính sách thấy rõ thực tế hoạt động của doanh nghiệp và thực tế trình độ công nghệ không thể đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu phospho mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo, ở mức 4 – 6 ppm. Ngay với mức hiện tại là 20 ppm, thì 80% số nhà máy bị thanh tra hàng năm đã không đạt được”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP trao đổi với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Vấn đề của các doanh nghiệp chế biến thủy sản là phospho tạo ra khi rửa sản phẩm dưới vòi nước là phospho hữu cơ, không phải phospho vô cơ như trong sản xuất công nghiệp sắt, thép… Ngay từ năm 2017, VASEP và các doanh nghiệp đã đề xuất loại bỏ chỉ tiêu này ra khỏi quy định về nước thải với chế biến thủy sản, vì các nước xuất khẩu thủy sản (như Indonesia, Malaysia…) cũng không có quy định này, hoặc đưa lên mức phù hợp với công nghệ xử lý hiện tại, khoảng 50 ppm như nhiều nước ASEAN.
“Nếu quy định này được ban hành, doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ đối mặt với rủi ro lớn, có thể bị phạt do vi phạm quy định về môi trường bất cứ lúc nào. Nhưng vấn đề là khi đó, doanh nghiệp sẽ bị mất đơn hàng, vì nguyên tắc đầu tiên của các đơn hàng xuất khẩu là doanh nghiệp phải tuân thủ mọi quy định pháp luật của nước mình. Nếu vậy thì các quy định hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó còn có nghĩa lý gì?”, ông Nam đặt câu hỏi.
Vấn đề được ông Nam đưa ra cũng là tâm tư của hầu hết doanh nghiệp. Đáng nói là, các quy định không thực tiễn luôn kéo theo nỗi lo bị thanh tra, kiểm tra trong hoạt động của doanh nghiệp.
Chia sẻ tâm tư này, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho rằng, bộ máy thực thi ở các cấp hiện tại không đủ quyết liệt, trách nhiệm với hoạt động của doanh nghiệp như ở Chính phủ, khiến doanh nghiệp khó khăn nhiều hơn.
Quan điểm của ông Thăng và nhiều doanh nghiệp khác khá thống nhất, đó là trong hoạt động kinh doanh, khó khăn là tất yếu.
“Chúng tôi đã gọi Tết Tân Sửu vừa qua là Tết thất bát, vì dịch bệnh xuất hiện đúng mùa kinh doanh cuối năm. Nhưng khó khăn đó doanh nghiệp phải đối mặt, phải tìm cách vượt qua. Còn khó khăn do sự chậm chạp, thậm chí lạnh nhạt ở các cấp thực thi thì doanh nghiệp không xử lý được”, ông Thăng thẳng thắn.
Đây là lý do Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện rà soát, đánh giá thực tế triển khai các chính sách liên quan đến doanh nghiệp, thấy trì trệ ở đâu thì tháo gỡ ngay, không để doanh nghiệp bị các cơ chế, chính sách không phù hợp, thiếu thực tiễn kìm hãm thêm…
Theo Baodautu