02/07/2024 8:55:40

Doanh nghiệp “ đỏ mắt” tuyển dụng lao động phổ thông

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đang đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông trầm trọng.

Dù có nhu cầu lớn tuyển dụng lớn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tuyển đủ lao động phổ thông.

Đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu vì phần lớn doanh nghiệp tìm kiếm lao động có tay nghề cao và đã có kinh nghiệm. Song đa số lao động phổ thông không có nhiều kỹ năng chuyên môn và cơ hội để tiếp xúc với công việc thực tế. Vì vậy, khi làm việc ở các doanh nghiệp lớn đòi hỏi chất lượng nguồn lực cao, môi trường sản xuất hiện đại họ sẽ cảm thấy áp lực và sớm bị đuối sức.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, thị trường lao động những tháng đầu năm tập trung tuyển dụng ở phân khúc lao động phổ thông, chiếm gần một nửa tổng số. Trong đó, nhu cầu tuyển lao động đại học, trên đại học chỉ chiếm khoảng 19%.

Cũng theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, qua tổng hợp nhu cầu tuyển dụng phân theo mức thu nhập: Các chỉ tiêu có mức thu nhập cao từ 15 triệu đồng/tháng trở lên có 185/1.125 chỉ tiêu, chiếm 16,4% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của các chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao, người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.

Nhưng mặt khác, các chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp với lao động phổ thông chưa được thỏa đáng, lương khởi điểm thấp chỉ ở mức 2 triệu – 3 triệu đồng/tháng, yêu cầu công việc giờ giấc lại quá cao. Có nơi người lao động phải làm việc xuyên suốt 8 – 10 tiếng/ngày nhưng tiền thêm giờ lại không bù đắp được sức lao động

Lao động cực nhọc, quyền lợi không được quan tâm đúng mức khiến người lao động không mấy mặn mà. Họ có thể chọn bỏ làm công nhân để ra ngoài bán hàng online; chạy grab… miễn là có thu nhập cao. Vì thế, sẽ rất khó để các doanh nghiệp tuyển dụng lao động nếu không có mức tiền lương và chế độ làm việc hấp dẫn để thu hút người lao động.

Ngoài ra, gần đây không ít các doanh nghiệp muốn tuyển dụng và dốc sức đào tạo nguồn nhân lực trẻ. Song đa số lực lượng lao động trẻ thế hệ Gen Z (lứa tuổi từ 17– 28) lại thích “nhảy việc”. Dựa trên một cuộc khảo sát gần đây, 62% lao động trẻ dưới 25 tuổi cho biết, họ đã nhảy việc ngay trong năm đầu đi làm, thậm chí, nhảy việc nhiều lần trong cùng một năm.

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định nhảy việc của Gen Z như: chế độ đãi ngộ của các doanh nghiệp chưa hợp lý, nhiều em chưa định hướng rõ nghề nghiệp và luôn mang trong người tâm lý sẵn sàng bỏ việc khi công việc không phù hợp.

Hà My – 22 tuổi (Quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Sau một tuần thử việc ở công ty, em cảm thấy môi trường làm việc và mức lương đãi ngộ không thỏa đáng nên em đã xin nghỉ việc. Sau nhiều lần không tìm kiếm được công việc phù hợp, em đã chuyển sang hướng tự kinh doanh, bán hàng online tại nhà, em thấy công việc này không gò bó về thời gian mà mức thu nhập cũng khá ổn”.

Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng

Hiện nay, tăng cường mô hình đào tạo tại chỗ cho các doanh nghiệp là một hoạt động quan trọng góp phần đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mỗi tổ chức. Vừa qua Bộ Lao động -Thương binh -Xã hội đã có các chương trình phối hợp, hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI để đào tạo, đào tạo nâng cao cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của ứng dụng các công nghệ mớ. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo này giúp cho các doanh nghiệp có được nguồn nhân lực hiệu quả, đáp ứng được những nhu cầu và mục tiêu chiến lược riêng của từng doanh nghiệp.

Cùng với đó, Nhà nước cũng nên đẩy mạnh công tác đào tạo nghề với việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn; chủ động liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh tạo việc làm cho người lao động. Từ đó, thực hiện tốt việc điều phối, thu hút nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Một phiên giao dịch, tư vấn việc làm tại trường Đại học Đại Nam, Hà Nội.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn sự đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, các doanh nghiệp nên đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao đời sống cho người lao động như việc đưa ra các chính sách hỗ trỡ tiền thuê trọ cho người lao động ở xa, đảm bảo chế độ bảo hiểm, trợ cấp đầy đủ cho người lao động. Không chỉ điều chỉnh mức lương thưởng để đảm bảo cho họ ổn định cuộc sống, các doanh nghiệp cũng nên đưa ra những chế độ chăm sóc và đãi ngộ hấp dẫn hơn, để người lao động an tâm làm việc. Điển hình như một số doanh nghiệp trên địa bàn thủ đô đã đài thọ toàn bộ 100%n chi phí học tập nâng cao tay nghề cho người lao động.

Diệu Linh