24/05/2024 11:32:30

Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, đào tạo giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đại học

Hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp đã trở thành xu hướng phổ biến trên thế giới. Liên kết này còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, tác động tích cực tới hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phát triển trong đại học và khai thác tối ưu nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn xã hội.

Coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới, chuyển giao công nghệ

Tại lễ khai mạc diễn đàn thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa doanh nghiệp FDI với các cơ sở giáo dục đại học diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.

“Các cơ sở giáo dục đại học dần trở thành các trung tâm nghiên cứu KH&CN, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống, tích cực thực hiện liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ‘’ – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại diễn đàn.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, hiện tại có 243 cơ sở giáo dục đại học với 2.252.697 sinh viên (theo số liệu thống kê năm học 2023-2024) đã đáp ứng phần nào nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp FDI nói riêng.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học cũng tích cực thực hiện đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, sử dụng lao động để phát triển nguồn nhân lực tối ưu theo nhu cầu của xã hội từng bước phát triển xã hội cách mạng công nghiệp 4.0 hiện đại hơn.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong nghiên cứu và đào tạo để có thể đáp ứng kịp thời và đầy đủ các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

‘’Vẫn tồn tại sự mất cân đối nghiêm trọng về cung – cầu nhân lực chất lượng cao trong thị trường lao động. Tính đến 31/3/2022, trong hơn 51,2 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, tỷ lệ dân số có chuyên môn kỹ thuật chỉ đạt 26,1% và tỷ lệ dân số có trình độ đại học là 11,1%.’ – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa một số cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh các dự án FDI hiện đang hoạt động, 3.188 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2023 sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn trong việc sử dụng lao động.

5 giải pháp kết nối doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, để kết nối hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI với các cơ sở giáo dục đại học, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp FDI nói riêng cần đẩy mạnh 5 giải pháp: Về phía cơ quan nhà nước cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp để thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên;

Các cơ sở giáo dục đại học hợp tác với các doanh nghiệp, bổ sung những học phần gắn kết, xây dụng nội dung đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Tăng cường phối hợp với doanh nghiệp giúp nhà trường cải tiến tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo góp phần tăng cường năng lực, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, cũng như cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và nghiên cứu viên thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, phối hợp cùng doanh nghiệp tổ chức cho sinh viên tham quan, thực tập, tìm hiểu quy trình sản xuất, những công nghệ hiện có nhằm giúp sinh viên định hướng được ngành nghề mình đang học và xác định mục tiêu học tập của sinh viên.

Về phía doanh nghiệp cần thông tin cho các cơ sở đại học về nhu cầu tuyển dụng, lựa chọn nhân sự phù hợp và góp phần quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp mình. Có kế hoạch dài hạn về việc công tác trong trao đổi chuyên môn, hướng dẫn sinh viên, hoặc đào tạo tại chỗ cho nhân sự nội bộ. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc cùng tham gia đào tạo bằng cách đóng góp ý kiến về xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tế. Tạo điều kiện hỗ trợ tài chính cũng như cơ sở vật chất thông qua các hình thức hỗ trợ học bổng cho sinh viên.

Hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp giúp sinh viên có cơ hội được lựa chọn địa điểm thực tập phù hợp, tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận với hệ thống kiến thức mới nhất, được củng cố về kỹ năng làm việc qua đó xác định được tầm quan trọng của ngành nghề mà mình theo học, có mục tiêu, lý tưởng rõ ràng trong quá trình học tập.

Cuối cùng, về phía xã hội, hợp tác đại học – doanh nghiệp giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm cho vùng, giảm tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường.

Hợp tác giữa cơ sở đại học và doanh nghiệp là xu thế tất yếu trong bối cảnh tự chủ đại học, hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0, hợp tác này được triển khai trên nguyên tắc đồng thuận và đồng lợi ích chung như việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp và xã hội, nâng cao tiềm lực về khoa học công nghệ và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho trường đại học, chuyển giao kết quả nghiên cứu và ý tưởng sáng tạo cho doanh nghiệp qua đó giúp thúc đẩy hợp tác cơ sở đại học và doanh nghiệp trong bối cảnh đại học hiện nay ở Việt Nam.

Diệu Linh