12/03/2023 11:29:25

Đẩy mạnh giao thông xanh: Yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đô thị

Tình trạng ô nhiễm và quá tải hạ tầng giao thông được xem là một trong những tác nhân gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế – xã hội, chất lượng môi trường sống của người dân. Giải pháp tối ưu được đưa ra đó là giao thông xanh – một hệ thống giao thông không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Lĩnh vực giao thông xanh đã mở rộng rất nhiều trong vài năm qua do giá xăng dầu trên thế giới tăng cao. Nó không chỉ quan trọng trong thời điểm hiện tại, mà còn cho cả tương lai và cần được phát triển nhiều hơn nữa.

Giao thông xanh là vô cùng quan trọng

Theo Bảng xếp hạng chất lượng cuộc sống do Hãng tư vấn và nghiên cứu thị trường Mercer (Anh)công bố, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lần lượt xếp thứ 152 và 158 trên tổng số 230 thành phố được khảo sát. Kết quả này chịu nhiều tác động của các vấn đề tồn đọng tại các đô thị, trong đó tình trạng quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là những nguyên nhân chính.

Mặc dù phát triển giao thông xanh là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở các đô thị, tuy nhiên, mục tiêu về phát triển giao thông xanh hiện nay đang vấp phải không ít khó khăn, thách thức. Điển hình là các vấn đề về: Quy hoạch phát triển đô thị; phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng và vượt kiểm soát; kết cấu hạ tầng tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu…

Dễ dành nhận thấy, Giao thông xanh là vô cùng quan trọng vì nó giúp giảm bớt gánh nặng từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất về nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí tự nhiên và dầu mỏ. Những nhiên liệu này mất hàng triệu năm để bổ sung và chúng đang sắp cạn kiệt. Được biết, trong tổng lượng phát thải khí nhà kính, giao thông đường bộ chiếm tỷ trọng lớn, chính xác là 75% và xu hướng này được dự báo sẽ tăng trong tương lai nếu nó tiếp tục không suy giảm.

Theo các chuyên gia, giao thông xanh có thể hiểu là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén… Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là góp phần tham gia giao thông xanh.

Tuy nhiên, Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đến năm 2030, trong đó đề cập đến những nội dung về phát triển đô thị xanh, đô thị bền vững tuy có nhắc đến vấn đề giao thông đô thị nhưng lại chưa đề cập đến phát triển giao thông xanh và chưa coi giao thông xanh là một bộ phận quan trọng của phát triển đô thị xanh. Do đó, Việt Nam cần có các giải pháp, hành động cụ thể hơn nữa trong tương lai.

Cuộc thi Tranh biện Giao thông Xanh năm 2023

Điển hình mới đây là Cuộc thi Tranh biện Giao thông Xanh – do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) & Nghề công tác xã hội (CTXH) Việt Nam tổ chức với 28 đội từ 21 trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trên toàn quốc vào các vòng khu vực của Cuộc thi.

Cuộc thi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp thêm kiến thức cho sinh viên về giao thông xanh phát thải các-bon thấp, hướng đi bền vững nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Đây là một trong nhiều hoạt động của dự án “Thúc đẩy chuyển dịch bền vững giao thông bằng điện ở Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, nhằm mục đích giảm phát thải khí nhà kính thông qua cải thiện chính sách, môi trường cho phát triển giao thông điện ở cấp quốc gia, và thực hiện các hoạt động thí điểm về thúc đẩy giao thông điện tại Việt Nam.

Tại cuộc thi, ông Lâm Văn Quản – Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN & Nghề CTXH Việt Nam cho biết, các đô thị và đô thị lớn đã phát triển mạnh mẽ và nâng lên tầm cao mới từ những năm đầu Thế kỷ 21. Tuy nhiên, các đô thị này cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và quá tải hạ tầng giao thông. Ô nhiễm từ giao thông đô thị còn là tác nhân gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế – xã hội, chất lượng môi trường sống…, đặc biệt là tới sức khỏe con người.

Chính vì vậy, phát triển giao thông xanh là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở các đô thị.

“Nhìn chung, có rất nhiều lợi ích khác liên quan đến giao thông xanh sẽ nâng cao lối sống lành mạnh và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Việc thuyết phục mọi người chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông xanh là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng với những bước tiến quan trọng đang được thực hiện, đặc biệt là hướng đến các thế hệ tương lai của đất nước, về lâu dài việc phát triển giao thông xanh không có gì là không tươi sáng” – Nhà giáo Ưu tú Lâm Văn Quản nhận định.

Hãy bảo vệ môi trường từ việc thay đổi nhận thức

Ngoài ra, có những doanh nghiệp bất động sản phát triển các đô thị và giao thông xanh đã triển khai một vài hoạt động bền vững để “che mắt”, trong khi vẫn duy trì những hoạt động gây hại cho môi trường. Hành vi “tẩy xanh” (greenwashing) này đang bị phát hiện với quy mô và tần suất ngày càng tăng.

“ESG” đã trở thành thuật ngữ thông dụng trên toàn cầu trong lĩnh vực đầu tư, ESG là chữ viết tắt của Môi trường, Xã hội, Quản trị trong tiếng Anh (Environmental, Social and Governance) và là một thước đo kết hợp cả ba khía cạnh đồ sộ này.

Về cơ bản, “tẩy xanh” là khi doanh nghiệp công bố thông tin sai lệch để thể hiện rằng mình hành động có trách nhiệm với môi trường. Như đã đề cập, tác động môi trường là một trong ba trụ cột của ESG và thường là trụ cột được chú trọng hoặc nhắc tới công khai nhiều nhất. Hành vi “tẩy xanh” có thể bao gồm việc phóng đại các chứng nhận về môi trường của một sản phẩm hoặc dự án, hay thậm chí đánh lừa công chúng về hoạt động của doanh nghiệp.

Những hành vi “tẩy xanh” này cũng có thể sử dụng hình ảnh “xanh” để thể hiện rằng doanh nghiệp quan tâm tới môi trường, hoặc che giấu các hành vi gây tổn hại đến sinh thái thông qua các tuyên bố mang tính chất lừa dối.

Bên cạnh đó, dù có nhiều lợi ích và được quy hoạch triển khai từ khá sớm, nhưng tới nay các dự án giao thông xanh ở TP HCM vì nhiều lý do khác nhau đều không đạt được kỳ vọng. Ngoài việc chậm triển khai, sự chưa đồng bộ giữa hạ tầng đô thị cũng là nguyên nhân khiến các dự án này gặp khó.

Phát triển đô thị xanh, giao thông xanh là định hướng mang tính chiến lược cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng. Đặc biệt, thay đổi nhận thức cần cả một quá trình, chúng ta cần phải song song tích cực giáo dục và truyền thông, để người dân tiếp cận được với vấn đề giao thông xanh, hiểu về những lợi ích của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường…

Quang Trung