22/11/2023 2:51:23

Đắk Nông: Thách thức nhiệm vụ đào tạo nhân lực ngành du lịch

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo Quốc tế với chủ đề “ Phát triển kinh tế du lịch gắn với yêu cầu chuyển đổi số – Cơ hội và thách thức đối với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực tại tỉnh Đắk Nông” vừa được tổ chức tại trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông (tỉnh Đăk Nông).

Hội thảo do 3 đơn vị đồng tổ chức là: Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông, Viện Khoa học Giáo dục Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cùng tham vấn, “hiến kế” để Đắk Nông tạo bước đột phá trong lĩnh vực phát triển kinh tế du lịch.

Chuẩn bị đủ nguồn nhân lực chất lượng khi xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn là một thách thức đối với Đắk Nông

Đánh thức tiềm năng du lịch

Cao nguyên Đắk Nông là tỉnh miền núi với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, kết hợp khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ nên có nhiều điều kiện để thuận lợi để phát triển kinh tế xanh, bền vững theo hướng đẩy mạnh ngành du lịch trong thời gian tới.

Được thiên nhiên ưu đãi, Đắk Nông có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng với những thác nước đẹp nằm ẩn mình trong những cánh rừng nguyên sinh như thác Đắk G’lun, thác Đray Sáp – Gia Long, thác Trinh Nữ, hồ Tây, hồ Ea Snô, hang động núi lửa Krông Nô trải dài… Công viên địa chất Đắk Nông là một trong 3 công viên địa chất ở Việt Nam được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu trên thế giới, xứng với di sản địa chất tầm quốc tế… Ở cao nguyên M’nông còn có các khu bảo tồn thiên nhiên như: Nâm Nung, vườn Quốc gia Tà Đùng với gần 40 đảo lớn, nhỏ được ví như vịnh Hạ Long của Tây Nguyên.

Vùng đất sử thi với bề dày lịch sử giàu bản sắc văn hóa truyền thống, với gần 40 dân tộc sinh sống. Những dân tộc thiểu số bản địa là người M’Nông, Ê đê, Mạ và các dân tộc miền núi phía Bắc di cư đến đây như Tày, Nùng, Thái, Mông, Dao… đã tạo nên những nét đặc trưng văn hóa riêng biệt. Đặc biệt, không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Con người- Văn hóa – Thiên nhiên thuần khiết, bình dị cùng giao hòa có sức hấp dẫn lạ kỳ với những ai yêu thiên nhiên, trân trọng từng nét đẹp văn hóa dân gian, bản địa của vùng đất Tây Nguyên màu mỡ. Đánh thức tiềm năng đó, phát huy những lợi thế về tài nguyên du lịch, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII đã xác định du lịch là mục tiêu phát triển trong ba trụ cột kinh tế trọng điểm của địa phương. Thông qua các kế hoạch, đề án phát triển cụ thể, tỉnh Đắk Nông đã có những quyết sách và hướng đi hiệu quả, bước đầu có những kết quả khả quan.

Sau đại dịch Covid- 19, lượng khách du lịch đến Đắk Nông tăng 306,4% so với năm 2021, doanh thu tăng 240,3% so với năm 2021. Năm 2023, với hướng phục hồi kinh tế, du lịch Đắk Nông cũng phát triển ổn định, gia tăng lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Theo TS Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng trường CĐ Cộng đồng Đắk Nông: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ đến năm 2030, phát triển du lịch trở thành trung tâm của du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan. Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa – đặc trưng sinh thái bản địa Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Cùng đó, UBND tỉnh xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế động lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội của tỉnh Đắk Nông.

Theo đó, phát triển du lịch theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiệu quả. Đa dạng hóa các loại hình du lịch, trong đó chú trọng phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp công nghệ cao và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông.

TS Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, chủ tịch HĐ trường CĐ Cộng đồng Đắk Nông

Phó chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh: “Thông qua Hội thảo lần này, tỉnh Đắk Nông hy vọng sẽ nhận được nhiều kiến nghị, giải pháp hay, thiết thực, hiệu quả từ các bài tham luận của các diễn giả là chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước của lĩnh vực này để định hướng phát triển kinh tế du lịch, đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới”.

Cơ hội và thách thức trong đào tạo nhân lực du lịch

Để phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch ở Đắk Nông đang có rất nhiều cơ hội, nhưng cũng nhiều thách thức, đòi hỏi sự chỉ đạo, quyết tâm của những nhà hoạch định phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn đạt chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Tuy vậy, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường này chắc chắn sẽ có những khó khăn, thách thức.

TS Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết: “Lĩnh vực du lịch được xác định là một trong 3 trụ cột về kinh tế của tỉnh Đắk Nông, nhưng nguồn lực đầu tư, nhân lực về du lịch các cấp còn hạn chế, nên hiệu quả phát triển về du lịch chưa đạt được như kỳ vọng, định hướng của tỉnh. Hơn nữa, chưa thu hút được nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính, chuyên sâu về du lịch để đầu tư vào các dự án du lịch trọng điểm, mang tính chiến lược. Các dự án đang triển khai chủ yếu có quy mô nhỏ, chưa có sản phẩm đồng bộ, nổi bật nên sức hút thị trường, khả năng cạnh tranh với các thị trường du lịch khác rất hạn chế”.

TS Nguyễn Hữu Lành – Hiệu trưởng Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông

Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của một địa phương. Với mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong ba trụ cột của nền kinh tế, tỉnh Đắk Nông đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó đề ra nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới.

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, nghiên cứu khoa học và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và là nhiệm vụ trong tâm của các ngành, các cấp và từng cơ quan, đơn vị. Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông xác định thực hiện nhiệm vụ này hàng năm, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các ngành, nghề nói chung; đặc biệt là các nhóm ngành, nghề du lịch.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Hữu Lành – Hiệu trưởng trường CĐ Cộng đồng Đắk Nông cho biết: “Để giải bài toán về tuyển sinh, hấp dẫn nguồn nhân lực đến với ngành này, đội ngũ giảng viên đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ…cần có giải pháp, nhằm thúc ẩy nguồn nhân lực cũng như đảm bảo công tác đào tạo trong thời gian tới”.

Thu Thủy