Hệ thống giúp “người thực vật” giao tiếp bằng mắt là sản phẩm mất 2 năm ròng rã nghiên cứu, đồng hành trong bệnh viện cùng những bệnh nhân “người thực vật” và các y bác sỹ, không chỉ là minh chứng cho tài năng, mà còn là câu chuyện đầy nhân văn về Đại sứ nghề 2022 Trần Văn Phúc.
Với bằng cử nhân loại Giỏi chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, Trần Văn Phúc tự hào về quãng thời gian được học tập, trưởng thành dưới sự dìu dắt của các giảng viên Đại học Công nghiệp TP.HCM.
Ngay từ khi còn là học sinh THPT, Phúc đã có đam mê với ngành Công nghệ thông tin. Anh luôn thắc mắc và tò mò về các cách hoạt động của phần mềm, máy móc, đồ công nghệ. Phúc luôn tự đặt câu hỏi về tất cả những máy móc hoạt động theo chu kỳ hoặc được điều khiển điện tử tại sao nó có thể lặp lại mà không bao giờ bị lỗi và mày mò, tự tìm câu trả lời.
Nuôi dưỡng niềm đam mê ấy, Trần Văn Phúc đã chọn theo học Khoa Kỹ thuật phần mềm Đại học Công nghiệp TP.HCM để theo đuổi. Năm thứ 3 đại học,
Trần Văn Phúc thử sức tham gia kỳ thi tay nghề cấp trường và giành thắng lợi. Từ đó, Phúc được lựa chọn vào đội tuyển của trường để tranh tài ở các kỳ thi tay nghề cấp thành phố, cấp quốc gia và tiếp tục thành công với đội tuyển quốc gia khi tham dự các kỳ thi quốc tế.
Thành tích nổi bất nhất của Phúc là tấm Huy chương Đồng nghề Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin Kỳ thi Tay nghề ASEAN năm 2018 và Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc nghề Giải pháp mềm công nghệ thông tin Kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2019.
Chia sẻ với Nghề nghiệp & Cuộc sống về định hướng nghề nghiệp, Trần Văn Phúc cho rằng: “Học trường nào không quan trọng, cố gắng hết sức mình để thi vào trường tốt nhất phù hợp với khả năng của mình mới quan trọng. Học đại học hay học nghề đều có những cơ hội riêng, vấn đề là bạn phải lựa chọn hướng đi đúng theo ước mơ của mình”.
Được biết, sau khi tham gia và thành công ở những cuộc thi Kỹ năng nghề các cấp, Trần Văn Phúc và một người bạn còn đồng hành nghiên cứu ra hệ thống giúp những bệnh nhân mắc hội chứng khóa trong, hay còn gọi là “người thực vật” giao tiếp bằng mắt.
Khóa trong là hội chứng khiến những người mắc phải vẫn có ý thức nhưng không thể cử động cơ thể hoặc giao tiếp bằng hành động hay lời nói do hệ thần kinh bị tê liệt, chỉ ngoại trừ đôi mắt.
“Sự bất lực trong ánh mắt của những bệnh nhân ‘người thực vật’ trong suốt 2 năm vào viện tiếp cận với bệnh nhân và các y bác sỹ để tìm hiểu thông tin, cập nhật kiến thức đã khiến tôi và bạn đồng hành quyết tâm phải làm bằng được hệ thống giúp họ giao tiếp, dù gặp không ít khó khăn khi ấy”, Phúc nhớ lại.
Khi mới bắt tay vào thực hiện ý tưởng này, Phúc và bạn đồng hành đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các phần mềm, kiến thức về y khoa hay cấu tạo của cơ thể con người. Vì vậy, trong suốt 2 năm Phúc phải thường xuyên đến rất nhiều các bệnh viện để tham khảo ý kiến từ các bác sỹ chuyên môn và sau này là thử nghiệm hệ thống. Vận dụng toàn bộ kiến thức đã học và sự dày công nghiên cứu, hiện tại hệ thống giúp người thực vật giao tiếp bằng mắt đã hoàn thành và hứa hẹn sẽ sớm được đưa vào vận hành trong thực tế.
Ngoài công việc là hàng ngày là kỹ sư cho một doanh nghiệp, Trần Văn Phúc cũng dành nhiều thời gian nghỉ cuối tuần để tham gia các buổi hoạt động tình nguyện giúp đỡ các mảnh đời thiếu may mắn trong cuộc sống. “Hãy thử và thử thật nhiều, hãy dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân cho dù có thất bại cũng đừng nản chí. Công sức bỏ ra sẽ được đáp trả xứng đáng”, đó là kinh nghiệm mà Trần Văn Phúc đã đúc rút từ hành trình của bản thân và muốn chia sẻ với các bạn trẻ.
Với những thành tích đã đạt được trong các kỳ thi tay nghề trong nước và quốc tế cũng như đóng góp trong nghiên cứu khoa học, đóng góp cho xã hội, tháng 7 vừa qua, Trần Văn Phúc đã vinh dự được Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) bầu chọn là 1 trong 8 tân Đại sứ nghề năm 2022, vinh danh như một tấm gương để lan tỏa tinh thần học nghề – lập nghiệp cho các bạn trẻ.
Thúy Hồng