16/12/2023 2:37:58

Công cuộc số hóa bằng không nếu vẫn áp dụng “tư duy giấy”

“Việc áp dụng ‘tư duy giấy’ mà không áp dụng tư duy số thì công cuộc số hóa cũng bằng không. Bởi xu hướng công nghệ số trên thế giới hiện nay trong giáo dục là nhằm để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân có đầy đủ năng lực số – nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục để phục vụ cho chương trình chuyển đổi số quốc gia”. 

(Ảnh minh họa) Phòng học công nghệ 4.0 của Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội Cơ sở 1, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.

Đây là quan điểm được TS. Lê Trung Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu, đào tạo và phát triển tài nguyên giáo dục mở (Hiệp Hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) nhấn mạnh tại Tọa đàm “Chuyển đổi số trong nhà trường và các giải pháp xây dựng công cụ đánh giá năng lực số” hôm 14/12 tại Đồng Nai.

Tọa đàm do Văn phòng Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu đào tạo và phát triển tài nguyên giáo dục mở; trường Đại học Đồng Nai và đại diện Google tại VN tổ chức.

Tọa đàm nhằm mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận và giới thiệu những hướng đi, cách thức thúc đẩy sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp tại các trường dạy nghề trong bối cảnh cuộc cách mạng số hóa còn non trẻ. Buổi tọa đàm có sự tham gia của các sở, ngành địa phương, giảng viên, thầy cô giáo và lãnh đạo các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp nghề khu vực Miền Đông Nam bộ.  

Phát biểu khai mạc, ông Tô Xuân Giao – Phó Chủ tịch Hiệp Hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam nhấn mạnh, giáo dục đào tạo nghề nghiệp cần phải thích nghi với cuộc cách mạng số hóa đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực.

Trong vài năm gần đây Đảng, Nhà nước rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, sống còn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã được cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, chính sách, nhằm chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Sự phát triển của công nghiệp 4.0 đã và đang thúc đẩy sự thay đổi trong hầu hết các lĩnh vực công việc và đòi hỏi nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng số hóa cao. Trong đó các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề có nhiệm vụ đảm bảo rằng chúng ta đào tạo ra những nhân tài có khả năng thích nghi và phát triển trong môi trường công nghiệp mới này.

Việc xây dựng số hóa trong các trường nghề tạo cơ hội cho mọi người tiếp cận giáo dục cao cấp, giúp loại bỏ rào cản địa lý và tài chính, giúp mọi người có cơ hội tham gia học tập và phát triển cá nhân.

Một khi có nhu cầu về kiến thức và kỹ năng số hóa dựa vào dữ liệu và công nghệ nó sẽ trở thành yếu tố quyết định sự thành công trong nghề nghiệp. Từ đó, việc số hóa các trường nghề là cách để đáp ứng nhu cầu này và đảm bảo rằng người học nghề ra trường có khả năng đáp ứng mọi thách thức công việc, ông Giao chia sẻ thêm.  

Trình bày chuyên đề về năng lực số và bộ công cụ đánh giá năng lực số, TS Lê Trung Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu, đào tạo và phát triển tài nguyên giáo dục mở (Hiệp Hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho rằng, năng lực số, văn hóa số và tính mở là các điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số trong trong bối cảnh của nền giáo dục hiện nay. Trong đó, văn hóa số là rào cản lớn nhất đối với chuyển đổi số.

Tuy vậy, muốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thành công thì nhà nước đóng vai trò xúc tác cho 4 trụ cột văn hóa số: cộng tác, dữ liệu dẫn dắt, lấy khách hàng làm trung tâm và đổi mới sáng tạo thì quá trình chuyển đổi số mới mang lại hiệu quả cao. 

Cũng theo TS Nghĩa, nếu vẫn áp dụng “tư duy giấy” mà không áp dụng tư duy số thì công cuộc số hóa cũng bằng không. Bởi xu hướng công nghệ số trên thế giới hiện nay trong giáo dục là nhằm để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân có đầy đủ năng lực số – nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục để phục vụ cho chương trình chuyển đổi số quốc gia.

TS Nghĩa cho rằng, năng lực số đã được thế giới thừa nhận như là một trong các năng lực chính cho việc học tập suốt đời, được xác định như là sự kết hợp của kiến thức, các kỹ năng và thái độ làm việc. Việc có năng lực số liên quan tới sử dụng tin cậy, có phản biện và có trách nhiệp của, và tham gia với các công nghệ số để học tập, làm việc và tham gia vào xã hội. 

Tại buổi tọa đàm ông còn gợi ra cách xây dựng các khung năng lực số (khung năng lực số được hiểu là năng lực quan trọng nhất trong một lĩnh vực nhất định ở mức thông thạo) phù hợp với một số nhóm đối tượng trong xã hội cũng như các công cụ đánh giá các năng lực số trong các khung đó.

Và, khung năng lực tài nguyên giáo dục mở – một thành phần không thể thiếu của khung năng lực số cho các cơ sở giáo dục vì thế cũng là thành phần không thể thiếu của bất kỳ cơ sở giáo dục nào. 

Chừng nào còn chưa có chính sách cấp phép mở ở cấp quốc gia hoặc cơ sở thì chừng đó Việt Nam còn lạc hậu và đi ngược với xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay về khoa học mở, tài nguyên giáo dục mở và là rào cản lớn cho việc triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia. 

Cũng tại buổi tọa đàm ông Trần Bung – Giảng viên toàn cầu của Google giáo dục, giới thiệu bộ công cụ số của Google và các công cụ số khác trong việc học tập và quản lý công việc.

Một khi nhà trường trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng mạng Internet đến từng phòng, việc triển khai dạy học, kết hợp đến từng lớp cùng với hệ quản lý của Google đến từng thiết bị, từng phòng học sẽ tận dụng và phát huy tối đa giá trị đầu tư. Không chỉ biến trường học thành trường học Google mà còn giúp thúc đẩy việc dạy học trực tuyến, dạy học kết hợp phát triển.

Cao Phương