26/05/2021 10:52:30

Chuyển hệ thống trường CĐ về Bộ GD&ĐT quản lý: Tại sao phải đưa về chỗ làm không tốt?!

Trao đổi với Nghề nghiệp và Cuộc sống xung quanh kiến nghị của Hiệp hội các trường CĐ-ĐH chuyển các trường CĐ khối giáo dục nghề nghiệp từ Bộ LĐ-TB&XH về Bộ GD&ĐT quản lý, lãnh đạo các trường CĐ đều bức xúc cho rằng, đây là đề xuất không xuất phát từ thực tiễn và có thể làm xáo trộn công tác giáo dục nghề nghiệp đang ổn định trên đà phát triển. 

TS Đồng Văn Ngọc: Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội: Kiến nghị không xuất phát từ thực tiễn

Trong lịch sử dạy nghề (nay là GDNN), việc quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng đều đã lần lượt được giao cho Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH. Công bằng đánh giá thì đến thời kỳ Bộ LĐ-TB&XH quản lý, GDNN mới có nhiều bước tiến và đạt được những thành tựu đáng tự hào. Thành tích của Việt Nam tại các kỳ thi tay nghề ASEAN, thi tay nghề thế giới những năm gần đây cho thấy, chúng ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, mạnh mẽ. Kỹ năng nghề Việt Nam đã có thể sánh ngang với các nước trong khu vực ASEAN và ngày càng tiệm cận với thế giới.

Doanh nghiệp ngày càng ưa chuộng đón nhận nhân lực từ các cơ sở GDNN, đặc biệt là từ các trường cao đẳng chất lượng cao. Họ cũng rất chú trọng hợp tác với các cơ sở GDNN trong đào tạo nghề…

Tôi cho rằng, những quan điểm xung quanh câu chuyện Bộ nào quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng suy cho cùng đều với mong muốn hoàn thiện hệ thống giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, đề xuất phải trên cơ sở phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành cũng như đánh giá hiệu quả từ thực tiễn. Lấy thực tiễn để chứng minh.

Dạy nghề gắn với việc làm, trước kia nó đã từng ở Bộ GD&ĐT rồi, nhưng do làm không tốt nên Chính phủ phải tái lập lại ở Bộ LĐ-TB&XH. Vậy nay sao phải đưa về chỗ làm không tốt?

Quyết định số 1982/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam đã quy định Khung trình độ quốc gia bao gồm 8 bậc. Trong đó, Bậc 1: Chứng chỉ 1, Bậc 2: Chứng chỉ 2, Bậc 3: Chứng chỉ 3 (sơ cấp), Bậc 4: Trung cấp, Bậc 5: Cao đẳng, Bậc 6: Đại học, Bậc 7: Thạc sĩ, Bậc 8: Tiến sĩ.

Quyết định cũng nêu rõ: Bộ LĐ-TB&XH chủ trì quản lý, thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc GDNN. Bộ GD&ĐT chủ trì quản lý, thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc giáo dục đại học.

Như vậy, mỗi Bộ được phân công quản lý nhà nước về các lĩnh vực khác nhau dưới sự quản lý, chỉ đạo điều hành thống nhất chung của Chính phủ. Các Bộ cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước Chính phủ giao. Đặt vấn đề chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng từ Bộ LĐ-TB&XH về Bộ GD&ĐT theo tôi là không phù hợp và cũng không cần thiết. Trong bối cảnh, hệ thống GDNN đang vận hành tốt và ngày càng có những bước phát triển mới thì tốt nhất nên giữ ổn định.


NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy – Hiệu trưởng CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh: Cần ổn định hệ thống GDNN để không ảnh hưởng đến người học, người dạy

Hiện nay hệ thống GDNN đang hoạt động rất tốt. Công tác tuyển sinh những năm gần đây đều đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra. Nhận thức về GDNN từ Trung ương tới địa phương, cơ sở GDNN và doanh nghiệp, từ cán bộ tới người dân thay đổi căn bản. Ngày càng nhiều gia đình chọn trường nghề cho con em theo học, dù đủ điểm học đại học. Vai trò, vị trí của GDNN không chỉ đơn thuần là trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp cho người học, mà còn là lực lượng quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới…

Với riêng Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, chất lượng đào tạo trong những năm qua cũng đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Trường đã tạo điều kiện tốt nhất để mỗi học sinh, sinh viên phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mình. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo được đầu tư, xây dựng đáp ứng nhu cầu dạy và học trong nền kinh tế hội nhập và cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư…Trong công tác tổ chức, quản lý cũng chưa có vấn đề gì bất cập.

Trong bối cảnh GDNN đang hoạt động tốt, tôi cho rằng, cần giữ ổn định hệ thống để không ảnh hưởng đến người học, người dạy và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.


TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai: Mọi thứ đang rất ổn, sao phải xáo trộn?

Đại học hay cao đẳng, bộ nào quản lý thì theo tôi đều phải trả lời câu hỏi học để làm gì?

Câu hỏi này hiện nay giáo dục nghề nghiệp đang “giải”rất tốt. Phải khẳng định, Chính phủ giao chức năng quản lý nhà nước giáo dục nghề nghiệp cho Bộ LĐ-TB&XH là  sáng suốt, “đúng người, đúng việc”.

Giáo dục nghề nghiệp là hệ thống giáo dục thực tế gắn với việc làm, gắn với các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động, gắn với các tiêu chuẩn kỹ năng và tiêu chuẩn an sinh xã hội. Đây hoàn toàn là lĩnh vực chuyên môn đặc thù của Bộ LĐ-TB&XH.

Phải thừa nhận là từ khi tái lập Tổng cục GDNN về Bộ LĐ-TB&XH quản lý, lĩnh vực GDNN nói chung và các trường trung cấp, cao đẳng như chúng tôi nói riêng hoạt động đi vào qui củ, được quan tâm đầu tư rất tốt, phát triển thật sự về chất lượng, được xã hội và nhân dân công nhận, tin tưởng.

Vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa phần các em HSSV đã nắm chắc tương lai việc làm của mình. Giáo dục nghề nghiệp là lĩnh vực hội nhập và tiếp cận các phương pháp đào tạo nghề tiên tiến rất sớm nên đã tiếp thu đưa vào chương trình đào tạo kiến thức gắn với các kỹ năng thực hànhkhông chỉ ở trường mà còn ở doanh nghiệp với vị trí làm việc cụ thể. Nên hiện nay các cơ sở GDNN, nhất là các trường cao đẳng chất lượng cao, đào tạo không kịp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. HSSV học nghề hiện nay đang học, doanh nghiệp đã đến tận trường chào mời đến thực tập có lương, cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp với mức lương 10 – 20 triệu đồng/tháng.

Doanh nghiệp đang chờ đợi nguồn nhân lực chất lượng để phục hồi sản xuất, người dân đang kỳ vọng con cái họ sẽ có việc làm. Chúng tôi đang rất nỗ lực. Mọi thứ đang rất tốt. Sao phải đảo lộn!?

Phương Minh