29/07/2020 1:41:52

Chuyển đổi số: Cơ hội phát triển cho giáo dục nghề nghiệp

Chuyển đổi số là cơ hội cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển. Tuy nhiên, thiếu nguồn ngân sách và sự chậm chễ trong tư duy chuyển đổi của các trường và ngay cả người học đang là một rào cản.

 

PGS,TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

Ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu

Phát biểu tại Hội thảo quan điểm, mục tiêu và các đột phá Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, PGS,TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, phát biểu ở buổi tham luận,cho rằng: “Với tính năng linh hoạt cao, tính đa dạng và toàn cầu trong tương tác hợp tác mà các lớp học số mang lại cho cả người dạy và người học, cho thấy mục tiêu giáo dục số là đáp ứng sự đa dạng về nhu cầu học tập của người học, tăng hiệu quả đào tạo và quốc tế hóa hoạt động giáo dục”.

Theo đó, nhiều ngành nghề dự báo sẽ được thay thế bởi các thiết bị tự động hóa, song cũng sẽ xuất hiện nhiều những ngành nghề mới. Đặc biệt, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và robot thông minh, máy móc tự động sẽ dần thay thế con người trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp.

Trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã thích ứng trong việc triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020” bằng các dự án thành phần.

Nội dung dự án tập trung vào việc xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến và triển khai đến các cơ sở GDNN; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong hoạt động kiểm định, đảm bảo chất lượng GDNN và đánh giá kỹ năng nghề và đầu tư, nâng cấp hạ tầng, thiết bị CNTT cho hệ thống.

Tuy nhiên, các cơ sở GDNN còn bị động trong công tác chuyển đổi số. Hầu hết các cơ sở GDNN chưa trang bị cơ sở hạ tầng mạng internet và nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý học tập phục vụ dạy học trực tuyến. Khả năng số hóa và thích ứng với dạy học trực tuyến của hệ thống GDNN còn thấp.

 GDNN phải chủ động thay đổi

Đề cập đến kỹ năng lao động, TS.Đào Quang Vinh – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động cho biết, cách mạng CN 4.0 đòi hỏi ở người lao động những kỹ năng như làm việc được với các hệ thống tự động và robot, nắm được các thuật toán để xử lý số lớn (big data), cơ điện tử, công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp.

Do đó, để đảm bảo vị trí việc làm, người lao động phải chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn phù hợp với yêu cầu của công việc trong tình hình mới. Đồng thời cần chú trọng việc tập trung các yếu tố, như: kiến thức tạo ra công nghệ (STEM); các kỹ năng bổ sung cho công nghệ như tư duy nhận thức bậc cao, kỹ năng cảm xúc xã hội và kỹ năng tương tác với công nghệ (kỹ thuật số); các kỹ năng mềm…

Phương Thu (T/h)