14/04/2020 3:34:59

Chùa Bổ Đà – nơi gìn giữ bảo vật quốc gia

Chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) tọa lạc dưới chân núi Bổ Đà là ngôi cổ tự linh thiêng có từ thế kỷ XII dưới thời nhà Lý. Vẻ đẹp sơn thủy giao hòa và không gian trầm mặc, cổ kính của ngôi chùa đã trở thành địa điểm lý tưởng cho du khách trong dịp hành hương cuối năm.

Ngôi chùa giữ 2 kỷ lục của Phật giáo

Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, chùa Bổ Đà ngày càng thu hút đông đảo tăng ni phật tử và du khách bốn phương vào dịp đầu năm và cuối năm. Năm 2017, Chùa Bổ Đà đã được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.

Quần thể chùa Bổ Đà gồm nhiều di tích: Chùa cổ Bổ Đà Sơn, chùa chính Tứ Ân Tự, Am Tam Đức (xây dựng sau, vào thời Hậu Lê). Ngoài ra, trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Đức Thánh Hóa (tức Thạch Tướng Đại Vương – có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm).

Đây là một trung tâm Phật giáo lớn của huyện tỉnh Bắc Giang, một chốn tổ của Thiền phái Lâm Tế ở thời Lê Trung Hưng. Ngôi chùa với tổng số gần 100 gian lớn nhỏ với quy mô rộng lớn này còn là nơi đào tạo các vị sư tăng của dòng Thiền Lâm Tế có lịch sử lâu đời của Phật giáo Việt Nam và được truyền thừa qua nhiều thế hệ. Đặc biệt, đây còn là nơi khắc in và lưu trữ nguồn thư tịch cổ Việt Nam khá phong phú qua các triều đại phong kiến.

Trải qua nhiều thế kỷ đến nay, chùa Bổ Đà vẫn là nơi tàng lưu một kho tàng di sản văn hoá quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam bao gồm: hệ thống tượng thờ theo quy chuẩn hệ thống tượng chùa miền Bắc, hệ thống văn bia (5 bia), hệ thống chuông đồng (3 chuông) cơ bản được soạn khắc ở giai đoạn thời Nguyễn ghi lại lịch sử phát triển của trung tâm Phật giáo Bổ Đà, hệ thống hoành phi – câu đối, đồ thờ

Một nét độc đáo trong kiến trúc Chùa Bổ Đà là những bức tường được làm theo phương pháp trình tường (nguyên liệu chính làm bằng đất). Trải qua hàng trăm năm, vẻ đẹp đã nhuốm màu rêu phong của những bức tường cổ xưa càng tô điểm cho không gian đầy huyền bí và linh thiêng chốn cổ tự.

Chùa Bổ Đà hiện giữ 2 kỷ lục của Phật giáo: Chùa có vườn tháp lớn nhất Việt Nam và Bộ mộc bản ván in Kinh Phật cổ nhất Việt Nam. Vườn tháp chùa Bổ Đà có hơn 100 ngôi bảo tháp lớn nhỏ, lưu giữ xá lợi, tro của hơn 1.200 nhà sư tu hành qua nhiều thời kỳ. Tại chùa Bổ Đà cũng lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý hiếm, ngoài hệ thống Phật theo thiền phái Trúc Lâm còn có văn khắc, thư tịch cổ, đại tự, câu đối, hương án… Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ bộ Kinh Phật cổ nhất Việt Nam (khoảng 300 năm) được khắc trên 2.000 tấm gỗ thị vẫn còn nguyên vẹn.

Gắn với ngôi chùa cổ kính này là Lễ hội chùa Bổ Đà diễn ra từ ngày 15 – 18 tháng 2 âm lịch hàng năm. Hoạt động đặc sắc diễn ra trong lễ hội chùa Bổ Đà là chương trình hát quan họ giao duyên giữa liền anh, liền chị đến từ các thôn làng trong vùng.

Lần đầu tiên trưng bày bảo vật quốc gia chùa Bổ Đà

Sáng ngày 29/1/2020, hàng nghìn người nô nức trẩy hội chùa Bồ Đà và chiêm ngưỡng bộ mộc bản khắc Kinh Phật của ngôi chùa này. Bộ mộc bản này được công nhận là bảo vật quốc gia và là bộ mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị cổ nhất thế giới. Tại lễ hội chùa Bổ Đà năm nay, các cơ quan chức năng của huyện tổ chức trưng bày gần 20 tấm ván kinh tiêu biểu nhất, trong đó có một số bản gốc và các bản sao. Đây là lần đầu tiên, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang và huyện Việt Yên tổ chức trưng bày mộc bản này rộng rãi ra công chúng.

Kho mộc bản Kinh Phật ở đây được khắc từ năm 1740 đời vua Lê Cảnh Hưng (số năm được khắc trên ván kinh), còn bản sách kinh cuối cùng được khắc năm nào thì chưa rõ. Trải qua gần ba thế kỷ, kho mộc bản Kinh Phật này vẫn còn khá nguyên vẹn cả về số lượng và hình hài.

Hơn 2000 ván kinh ở chùa Bổ Đà đều được khắc, chạm trên chất liệu gỗ thị. Các ván kinh hiện nay được xếp trên 10 giá gỗ (mỗi giá xếp gần 200 ván kinh, chia làm ba hàng), một số ván kinh lớn được xếp bên ngoài để khách tham quan dễ xem. Hầu hết ván kinh trong kho mộc bản chùa Bổ Đà có kích thước 45 x 22 x 2,5cm (dài, rộng, dày) hoặc 60 x 25 x 2,5cm. Nhưng cũng có cả những ván kinh khổ rất lớn 150 x 30 x 2,5cm hoặc 110 x 40 x 2,5cm. Các ván kinh được khắc bằng cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ Phạn với nhiều loại văn bản như: kinh, sớ, điệp, ván lục thù, bùa chú…

Tiêu biểu có các bộ kinh Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy… Những ván kinh khổ lớn ở đây còn in, khắc các sớ, điệp dùng vào việc tiến hành các nghi lễ trong nhà chùa hoặc để in áo cho các vị thiền sư.

Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng, nổi bật trong số đó là hình khắc Đức Phật Tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán…Các họa tiết này mang lại giá trị thẩm mỹ cao, nét đẹp hài hòa giữa chữ và tranh, nó góp phần làm tăng thêm ý nghĩa Phật giáo và có tác động trực diện đến việc truyền thụ và tiếp nhận Phật giáo.

Trải qua gần ba thế kỷ, những hoa văn, chữ nổi trên ván kinh bằng gỗ thị vẫn còn rất sắc nét, không hề bị mối mọt. Vì thế, mỗi mộc bản còn được coi như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ hoàn chỉnh. Mỗi bản in trong kho mộc bản còn xứng đáng là tác phẩm đồ hoạ đẹp.

Việc trưng bày bộ mộc bản khắc Kinh Phật chùa Bổ Đà lần này có ý nghĩa quảng bá rộng rãi đến nhân dân về giá trị văn hóa nổi bật của ngôi chùa này. Đồng thời, hoạt động này nhằm giáo dục cho người dân, nhất là giới trẻ về sự hướng thiện, truyền thống lịch sử cha ông để cùng chung tay, góp sức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ông cha truyền lại.

Ngọc Lan