Lần lượt thâu tóm các tên tuổi đình đám tại Việt Nam, các “ông lớn” Nhật Bản không giấu tham vọng độc chiếm thị trường dịch vụ nhân sự đầy tiềm năng, đón đầu làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.
Bước đi “xuyên bão”
“Sau cơn sốc virus Corona sẽ là sự phục hồi mạnh mẽ của việc kinh doanh ở khắp các cửa hàng cũng như trên mặt trận online. Dù nhiều dự án bị hủy bỏ trong mùa dịch này, nhưng chúng tôi vẫn quyết định tiếp tục tiến bước đi xuyên qua cơn bão”, ông Shinsuke Kafuku, CEO, kiêm Chủ tịch Tập đoàn World Mode Holdings Group (WMH) tự tin nói.
Với hơn 6.000 nhân sự khắp thế giới, WMH là “ông lớn” ở thị trường Nhật Bản, chuyên cung cấp giải pháp tổng thể cho ngành thời trang và mỹ phẩm.
Thời trang là sự thay đổi liên tục, WMH đang tìm mọi cách để hóa giải những thách thức đó bằng cách cung cấp cho thị trường giải pháp nhân sự, từ tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực tiếp thị và tư vấn…
Động thái chốt xong thương vụ M&A với Công ty cổ phần People Link Việt Nam (chuyên đào tạo nhân sự) của WMH mới đây minh chứng cho điều đó. People Link sở hữu mạng lưới hơn 5.000 nhân viên ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, đang nhắm tới việc trở thành một công ty nhân lực dẫn đầu khu vực trong ngành thời trang, bán lẻ và tiêu dùng.
Có thể nói, thương vụ này mang tính chiến lược dài hạn cho cả đôi bên. Bà Thu Sơn, CEO People Link đặt nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi trong thời gian tới. Theo bà Sơn, trong số nhiều đối tác tìm đến mấy năm qua, WMH là công ty “hợp ý” nhất với People Link về văn hóa làm việc, nhiệt huyết và sự chăm lo cho nhân viên, khách hàng. WMH rất mạnh về thời trang và mỹ phẩm – lĩnh vực đang lên ở Việt Nam. Theo đó, khách hàng của People Link, kể cả các công ty trong lĩnh vực tiêu dùng và bán lẻ, cũng sẽ được hưởng lợi từ sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm của WMH.
Ngược lại, sự am hiểu thị trường và công nghệ thông tin của People Link sẽ là đòn bẩy để WMH mở rộng kinh doanh ra các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia… Sau thương vụ này, People Link đã trở thành cơ sở tại nước ngoài thứ tư của WMH, sau các văn phòng tại Singapore, Australia và Đài Loan. Lãnh đạo của WMH cũng sẽ tham gia vào việc điều hành People Link.
Hiện diện tại Việt Nam, WMH có thể cung cấp giải pháp dịch vụ tổng thể cho hơn 1.000 doanh nghiệp khách hàng của mình. Đó là các thương hiệu thời trang khắp thế giới, trong đó, rất nhiều hãng đã có mặt tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Cần phải nói thêm rằng, động thái thâm nhập thị trường tiềm năng như Việt Nam của WMH đã được hàng loạt “ông lớn” trong ngành thời trang Nhật Bản đi trước dọn đường.
Theo thống kê, hiện trên thị trường Việt Nam có đến 1.879 công ty Nhật Bản đang hoạt động; hơn 200 công ty thời trang nước ngoài đã vào Việt Nam và riêng trong năm 2019, họ đã đạt doanh số tới 661 triệu USD. Các nhãn hiệu nổi tiếng trong ngành công nghiệp thời trang Nhật Bản như Uniqlo, Muji và Stripe International… đã thể hiện tốt vai trò dẫn lối trên thị trường để kéo theo mạng lưới “ông lớn” trong lĩnh vực dịch vụ nhân sự.
Cuối năm 2019, sau gần 2 năm “nhòm ngó”, Uniqlo – thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản đã chính thức công bố địa điểm cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM. Không lâu sau đó, cửa hàng tiếp theo được mở tại trung tâm mua sắm ở Hà Nội. Với diện tích lên tới vài ngàn mét vuông, đây là những cửa hàng có quy lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á của Uniqlo.
Trong khi đó, Công ty Ryohin Keikaku (sở hữu thương hiệu đồ gia dụng Muji) cũng tuyên bố sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào mùa xuân năm nay. Muji bán nhiều mặt hàng, từ đồ nội thất, gia dụng, quần áo, đến sản phẩm chăm sóc da, sức khỏe… Trong quá trình mở rộng tại châu Á, Ryohin Keikaku có kế hoạch tái cấu trúc các chiến lược về sản phẩm và giá. Hãng sẽ chọn 50 mặt hàng chiến lược để đưa vào thị trường này năm 2020 và thêm 50 mặt hàng chiến lược khác vào năm 2030. Điều đáng chú ý là, tất cả những sản phẩm đó đều có giá tương đương nhau trên toàn thế giới.
Trước Ryohin Keikaku, công ty bán lẻ thời trang Nhật Bản – Stripe International cũng liên tục thực hiện các thương vụ M&A để tiến vào thị trường Việt Nam, thông qua việc mua lại Công ty Thời trang NEM (năm 2017) và Công ty TNHH MTV Global Fashion (GF) với thương hiệu Vascara (năm 2019). Sau khi về tay Stripe International, số lượng cửa hàng NEM hiện đã tăng gấp đôi (87 cửa hàng), mở rộng hoạt động ra nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước.
Một công ty khác của Nhật Bản là Asia Fund (thuộc Advantage Partners) cũng mua lại thương hiệu thời trang Elise. Chiến lược trong 5 năm tới, Elise vẫn tập trung vào phân khúc thị trường thời trang nữ, độ tuổi từ 20 – 45.
Kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Cùng với làn sóng đầu tư vào hàng tiêu dùng, sản phẩm nông nghiệp hay thực phẩm chế biến, mảng dịch vụ hỗ trợ như nghiên cứu thị trường, quản trị nguồn nhân lực cũng được các nhà đầu tư Nhật Bản rót vốn mạnh. Họ đang tìm kiếm cơ hội M&A ở mảng dịch vụ nhằm phục vụ cộng đồng doanh nghiệp nước này tại Việt Nam.
Trong một thập kỷ qua, hàng loạt “ông lớn” trong lĩnh vực nhân sự Nhật Bản đã tham gia vào thị trường Việt Nam. Tập đoàn En-Japan thâu tóm chi phối Navigos Group (sở hữu dịch vụ Vietnamworks và Navigos Search) 7 năm trước được cho là thương vụ mở màn cho lĩnh vực này của nhà đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam.
Khi đó, ông Craig Saphin, Chủ tịch En World (thuộc En-Japan) cho rằng, ngoài tiềm năng của thị trường lao động trẻ, việc các công ty Nhật Bản đang và chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam sẽ khiến nhu cầu nhân sự cấp cao tại thị trường này gia tăng mạnh. Việc tìm kiếm những nhân sự cao cấp để quản lý hoạt động kinh doanh tại thị trường mới nổi sẽ góp phần giúp các công ty Nhật Bản mở rộng và phát triển hơn tại Việt Nam.
Hơn nữa, động thái của các “ông lớn” trên thị trường nhân sự Nhật Bản cũng góp phần biến giấc mơ nghề nghiệp của nhiều người Việt thành hiện thực, khi có cơ hội đảm nhận những vị trí lãnh đạo cao cấp trong các công ty lớn như giám đốc điều hành (CEO), giám đốc tài chính (CFO), giám đốc thông tin (CIO), giám đốc marketing (CMO), giám đốc điều hành (CCO), giám đốc nhân sự (CPO)…
Sau thương vụ của En-Japan, thương vụ Tập đoàn Giải pháp nhân sự Recruit Holdings thông qua công ty con của mình là Recruit Global Incubator Partners (RGIP) đầu tư vào Anphabe cũng rất đáng chú ý. Theo ông Akihiko Okamoto, Chủ tịch RGIP, bên cạnh tiềm năng của thị trường nhân sự Việt Nam, sự khác biệt trong định hướng kinh doanh của Anphabe chính là lý do khiến họ quyết định đầu tư vào công ty này.
Anphabe sở hữu mạng cộng đồng doanh nhân lớn và là đơn vị cung cấp nhóm dịch vụ xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng duy nhất tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Việt Thanh, sáng lập, kiêm CEO Anphabe cũng đồng ý với tư tưởng dài hạn của người Nhật. Suntory PepsiCo (Nhật Bản), công ty đã mua lại toàn bộ mảng kinh doanh nước giải khát của PepsiCo Việt Nam hiện là khách hàng lớn thứ hai (sau Unilever Việt Nam) sử dụng dịch vụ xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng của Anphabe.
Những năm qua, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế, Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của các tập đoàn lớn nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản.
Mới đây, Nhật Bản đã chi 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế để giúp các công ty của quốc gia này chuyển nhà máy và hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Một phần trong số ngân sách này sẽ được dùng để giúp các công ty chuyển nhà máy sản xuất sang nước khác.
Một cuộc khảo sát hồi tháng 2 của Tokyo Shoko Research cho thấy, 37% trong số hơn 2.600 công ty tham gia khảo sát đang đa dạng hóa các thương vụ M&A đến những nơi ngoài Trung Quốc trong bối cảnh khủng hoảng do Covid-19.
Làn sóng này sẽ tạo lực đẩy mạnh mẽ cho nhu cầu nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao. Nếu một thập kỷ trước, thị trường nhân sự cao cấp ở Việt Nam được ví như một vũng ao tù, thì giờ đây, đã có những tín hiệu lạc quan về tiềm năng phát triển. Điều này lý giải vì sao các “ông lớn” trên thị trường nhân sự Nhật Bản đang lần lượt thâu tóm các tên tuổi ở Việt Nam để từng bước thống lĩnh thị trường.
Anh Hoa/baodautu.vn