12/01/2024 7:00:20

CĐ Phát thanh – Truyền hình II giới thiệu chương trình đào tạo ngành PR năm học 2024 – 2025

Sáng ngày 10/01/2024, Trường Cao đẳng phát thanh – Truyền hình II đã tổ chức buổi giới thiệu chương trình đào tạo mới ngành Quan hệ Công chúng – Public Relations (PR) áp dụng cho năm học 2024 – 2025 và giao lưu với các diễn giả để nhằm giúp sinh viên hiểu rõ hơn về ngành.

Hiện nay việc xây dựng chương trình đào tạo mới ngành Quan hệ Công chúng đang dựa trên Triết lý giáo dục trọng điểm của nhà trường.

Tham dự buổi giới thiệu có Nhà báo TS. Kim Ngọc Anh, Hiệu trưởng Nhà trường; Nhà Báo, ThS. Nguyễn Xuân Đức –  Trưởng văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại Đông Nam Bộ và bà Trần Kim Ngân – Trưởng phòng Truyền thông, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cùng các cán bộ, giảng viên và gần 200 sinh viên.

Phát biểu tại sự kiện, Nhà báo TS. Kim Ngọc Anh nhấn mạnh có 3 trụ cột quan trọng trong một cơ sở giáo dục, thứ nhất đó là lực lượng đội ngũ nhà giáo, thứ hai là cơ sở vật chất và thứ ba là chương trình đào tạo.

Với tư cách là một trụ cột, chương trình đào tạo đôi khi có thể làm thay đổi chất của hai trụ cột còn lại. Khi chương trình đào tạo mới được cập nhật, Nhà trường sẽ phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn thêm cho giảng viên. Bên cạnh đó, Trường phải tiến hành nâng cấp trang bị học tập sao cho phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo. Nói như thế để chúng ta thấy rằng chương trình đào tạo đóng vai trò rất quan trọng trong một cơ sở giáo dục.

Với vị thế là một đơn vị đào tạo nguồn nhân lực Phát thanh – Truyền hình có uy tín trong cả nước, trường luôn bám sát và nêu cao triết lý giáo dục 3 “TH” của nhà trường – Thực học, Thực hành, Thích ứng và Cam kết 3 “C” – Chuyên nghiệp, Chuyên ngành, Chuyên nghề. Theo đó, Nhà báo TS. Kim Ngọc Anh, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: Việc cập nhật, bổ sung, thay đổi chương trình đào tạo là một việc làm hết sức cần thiết.

Nhà báo TS. Kim Ngọc Anh, Hiệu trưởng Nhà trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 2

Cũng tại sự kiện, ThS. Phan Thị Thu Hiền – Trưởng khoa Kinh tế Truyền thông đã khái quát một số nét chính về chương trình đào tạo ngành Quan hệ Công chúng mới thay đổi.

Bà cho biết, Quan hệ Công chúng là một ngành học thuộc lĩnh vực truyền thông và cũng là một nghề giúp xây dựng, phát triển, quảng bá hình ảnh, thương hiệu công ty, tổ chức, cá nhân. Chính vì lẽ đó, đã từ lâu, Quan hệ công chúng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các công ty, tập đoàn… trong nước và trên thế giới.

Chương trình mới này được ban hành theo Quyết định số 152/QĐCĐPTTHII ngày 08/8/2023 của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II và đưa vào áp dụng từ năm học 2024 – 2025, bao gồm 35 môn học với 90 tín chỉ đào tạo. Trong đó có 7 môn học đại cương, 7 môn học cơ sở và 21 môn học chuyên ngành.

ThS. Phan Thị Thu Hiền chia sẻ những điểm thay đổi của chương trình đào tạo ngành PR mới so với chương trình đào tạo cũ

Tham dự sự kiện, các bạn sinh viên còn được giao lưu với 2 vị diễn giả là các chuyên gia đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và quan hệ công chúng: Nhà Báo, ThS. Nguyễn Xuân Đức –  Trưởng văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại Đông Nam Bộ và bà Trần Kim Ngân – Trưởng phòng Truyền thông, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Hai diễn giả khách mời giải đáp nhiều thắc mắc của sinh viên trong buổi giao lưu

Các bạn sinh viên được nghe diễn giả chia sẻ những vấn đề rất hấp dẫn như PR đóng vai trò như thế nào trong hoạt động báo chí hiện nay, vai trò của PR trong việc xây dựng và bảo vệ hình ảnh của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Cạnh đó, các bạn sinh viên còn được tiếp thu kiến thức về phương pháp quản lý thông tin và tương tác với cộng đồng qua các nền tảng truyền thông xã hội, kỹ năng cơ bản xây dựng thương hiệu và thách thức của ngành PR trong tương lai.

Toàn thể CB-GV tham dự sự kiện chụp hình giao lưu cùng khách mời

Được biết, theo kế hoạch tuyển sinh cho năm học 2024 – 2025, ngành Quan hệ Công chúng và các ngành học khác của Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II sẽ xét tuyển theo 3 cách với tổng chỉ tiêu là 550 em:

Cách thứ nhất: xét tuyển học bạ THPT, dựa vào điểm học kỳ 1 năm lớp 12.

Cách thứ hai: xét tuyển học bạ THPT, dựa vào tổng điểm trung bình năm lớp 12.

Cách thứ ba: xét tuyển kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023.

Trần Quyền