“Ông cha ta có câu “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”. Muốn có công ăn việc làm, muốn phát triển bền vững thì phải có nghề. Vì vậy thời gian tới Cà Mau cần tập trung cao cho công tác phân luồng học sinh, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động qua đó thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bao trùm mọi đối tượng…”
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với đoàn công tác của UBND tỉnh Cà Mau về việc triển khai, thực hiện công tác quản lý lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh. Đoàn công tác UBND tỉnh Cà Mau do Chủ tịch Lê Quân dẫn đầu.
Điểm sáng chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Báo cáo về việc triển khai, thực hiện công tác quản lý lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh cho biết: Mỗi năm tỉnh tạo việc làm cho trên 39 ngàn người; cuối năm 2020 qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, toàn tỉnh có 5.367 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,75% (trừ số hộ nghèo thuộc chính sách BTXH thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm 1,57 %), có 5.546 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,81% (trừ số hộ cận nghèo thuộc chính sách BTXH thì tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 1,74%), tỉnh không còn hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện người có công.
Hiện nay, Cà Mau có 110.673 người có công, trong đó số đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 18.195 người với tổng kinh phí chi trả hàng tháng khoảng 30 tỷ đồng; Tổng số đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng là 49.047 người; Tổng số trẻ em trên địa bàn tỉnh là 237.130 trẻ, trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 3.439 em (số liệu cuối năm 2021), trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa) 10.986 trẻ; Trẻ em có hoàn cảnh khác (bị tai nạn thương tích): 71 trẻ; có 122.348 người cao tuổi.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Cà Mau làm rất tốt công tác an sinh xã hội. Hoạt động thăm viếng, tặng quà các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh đúng, đủ, kịp thời với tổng kinh phí thực hiện các hoạt động thăm viếng, tặng quà cho các đối tượng chính sách, thăm viếng các đơn vị trong và ngoài tỉnh trên 61,711 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 7,259 tỷ đồng, ngân sách tỉnh: 29,450 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện: 4,564 tỷ đồng, xã hội hóa 20,438 tỷ đồng.
Các chính sách hỗ trợ nhà ở cũng được triển khai kịp thời. Một trong những điểm sáng của Cà Mau là triển khai chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Số người tham gia BHXHTN tăng trưởng, phát triển rất tốt và được coi là điểm sáng của bảo hiểm xã hội. Số người tham gia bảo hiểm y tế cũng đạt 92% .
Năm 2021, Cà Mau đề ra chỉ tiêu: Giải quyết việc làm cho 39.300 lao động, trong đó đưa lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng là 600 lao động; Tỷ lệ lao động qua đào tạo 52%, trong đó có văn bằng chứng chỉ 25,3% (tương đương đào tạo nghề cho khoảng 35.000 lao động); Giảm tối thiểu 0,3% hộ nghèo; Vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa 9,5 tỷ đồng.
Đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bao trùm
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao kết quả chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau đã đạt được trong việc triển khai thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội trên địa bàn thời gian qua. Bộ trưởng khẳng định: Mặc dù là một tỉnh miền Tây còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua tỉnh đã có nhiều quan tâm vấn đề chính sách xã hội quản lý xã hội, an sinh xã hội. Vấn đề lao động việc làm có những bước chuyển đổi tương đối tốt. Đặc biệt là qua báo cáo cho thấy, riêng năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp nhưng Cà Mau đã giải quyết việc làm cho gần 41.000 lao động và đào tạo nghề cho 35.000 người. Là một trong những tỉnh nền kinh tế chủ yếu thuần nông thôn nhưng tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn chiếm 1,57 % như vậy là rất thấp so với bình quân của cả nước. “Trong đó đặc biệt không còn hộ gia đình người có công là hộ nghèo. Tỷ lệ lao động của Cà Mau là trên 53 % là điều đáng mừng, tình hình quản lý lao động việc làm đời sống xã hội, không xảy ra những di biến động có tính chất phức tạp….”, Bộ trưởng ghi nhận.
Trong đợt dịch Covid 19 vừa qua, Cà Mau là một trong những tỉnh triển khai rất tốt Nghị quyết 42 và quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Chính sách triển khai công khai, minh bạch chủ yếu đến với người lao động. “Đối tượng được nhận hỗ trợ ra tấm ra miếng, cấp đến nơi đến chốn và công khai minh bạch” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đối với việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng Cà Mau là một trong những tỉnh làm tương đối tốt đặc biệt công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng. “Có lẽ khó nhất cả miền Tây là trường họp liệt sĩ Lữ Anh Dồi ở Cà Mau. Đó là một bài học kinh nghiệm của ngành LĐ-TB&XH về giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng” – Bộ trưởng nói.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị, vấn đề ưu tiên số 1 của tỉnh Cà Mau hiện nay cần tập trung phân luồng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động để qua đó thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bao trùm đến mọi đối tượng mọi khía cạnh và mọi nơi. “Nghèo ở đây không chỉ là miếng ăn mà còn văn hóa, y tế, giáo dục.., mọi đối tượng kể cả trẻ em bởi từ đói nghèo sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Mà đặc biệt tình trạng trẻ em bị xâm hại, bỏ học sớm đang diễn ra ở Cà Mau” – Bộ trưởng lưu ý.
Là địa phương có kinh tế hộ gia đình tương đối phát triển vì vậy, Cà Mau cần phấn đấu để trở thành địa phương đi đầu cả nước về Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN). “Nếu biết tuyên truyền biết vận động chủ trương, chính sách, giao nhiệm vụ cụ thể giao chỉ tiêu cho từng xã từng huyện, Cà Mau có thể trở thành điểm sáng về thực hiện BHXHTN’ – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng giao Tổng cục GDNN, Cục việc làm, Cục QLLĐNN phối phối hợp với tỉnh Cà Mau, Bộ NN& PTNT, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức một hội nghị để bàn riêng về vấn đề lao động, việc làm, nâng cao chất lượng GDNN, tạo việc làm bền vững của tỉnh Cà Mau. Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh Cà Mau cần quan tâm đến vấn đề sinh kế người dân, lấy nâng cao thu nhập, kinh tế người dân làm gốc đi liền với đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đối với kiến nghị của tỉnh Cà Mau về những vấn đề liên quan, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cơ bản nhất trí với những nội dung mà tỉnh đề xuất như: Đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; Xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội theo hướng đa chức năng; Nâng cấp, mở rộng Cở sở cai nghiện ma túy; Nâng câp nghĩa trang liệt sĩ; Xây dựng Trung tâm điều dưỡng người có công.
Bộ trưởng cũng lưu ý, Cà Mau cần phải tập trung rất cao trong công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em. Về công tác giáo dục nghề nghiệp, Cà Mau thực hiện rà soát lại hệ thống trường nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Các trường không có hiệu quả chuyển đổi sang cho hợp tác với doanh nghiệp.
Theo Baodansinh.vn