28/02/2020 4:16:37

Ai là người đầu tiên bị lây nhiễm virus corona?

Hiện toàn thế giới đang vào cuộc truy tìm bệnh nhân số 0 – bệnh nhân đầu tiên lây nhiễm virus và phát tán dịch bệnh.

Hiện toàn thế giới đang vào cuộc truy tìm bệnh nhân số 0 – bệnh nhân đầu tiên lây nhiễm virus và phát tán dịch bệnh. Giới chuyên gia cho rằng việc tìm kiếm người này là tối quan trọng để xác định, khoanh vùng tất cả những người có khả năng nhiễm bệnh và ngăn chặn dịch lan rộng. Mẫu máu của người này cũng có thể được dùng để xác định sức mạnh và độ lây nhiễm của virus nhằm điều chế vaccine.

Khi các trường hợp nhiễm virus corona gia tăng ở Trung Quốc và trên thế giới, cuộc truy tìm “bệnh nhân số không”, người đầu tiên nhiễm bệnh, càng trở nên gấp rút hơn.

Trong tuyên bố hôm 16/2, Viện Virus học Vũ Hán bác tin đồn một trong những nhân viên ở đây là “bệnh nhân số 0” tại tâm dịch. Viện này cho biết: “Gần đây có thông tin giả về Huang Yanling, một sinh viên tốt nghiệp từ học viện của chúng tôi là bệnh nhân số 0 nhiễm COVID-19”. Trên thực tế, Huang là sinh viên tốt nghiệp năm 2015 rồi rời tỉnh và kể từ đó không quay lại. Sức khỏe của Huang tốt và không bị chẩn đoán nhiễm bệnh, theo hãng tin AFP.

Chính quyền và các chuyên gia Trung Quốc đang tranh cãi về nguồn gốc của sự bùng phát virus corona. Cụ thể hơn, ai là “bệnh nhân số không” của ổ dịch.

Còn được gọi là trường hợp đầu tiên, bệnh nhân số không là thuật ngữ được sử dụng để mô tả người đầu tiên bị nhiễm bệnh do virus hoặc vi khuẩn trong một ổ dịch.

Theo BBC, những tiến bộ trong phân tích di truyền hiện nay có thể tìm lại nguồn gốc của virus thông qua những người đã nhiễm bệnh. Kết hợp với những nghiên cứu dịch tễ học, các nhà khoa học có thể xác định chính xác những cá nhân có thể là người đầu tiên truyền bệnh và từ đó kích hoạt sự bùng phát.

Xác định những người này là ai có thể giúp giải quyết các câu hỏi quan trọng về cách thức, thời gian và lý do bắt đầu. Những điều này sau đó có thể giúp ngăn chặn nhiều người bị nhiễm bệnh ngay bây giờ hoặc ở các đợt bùng phát trong tương lai.

Chúng ta có biết ai là bệnh nhân số không trong đợt bùng phát virus corona (Covid-19) bắt đầu ở Trung Quốc không?

Câu trả lời ngắn gọn là không.

Chính quyền Trung Quốc ban đầu báo cáo trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên vào ngày 31/12/2019 và nhiều trường hợp đầu tiên bị nhiễm bệnh giống viêm phổi đã ngay lập tức được kết nối với một chợ hải sản và động vật ở Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc.

Khu vực này là tâm điểm của sự bùng phát, với gần 82% trong số 75.000 trường hợp được ghi nhận cho đến nay tại Trung Quốc và trên toàn cầu là từ đây, theo thống kê của Đại học John Hopkins.

Tuy nhiên, công trình của các nhà nghiên cứu Trung Quốc được công bố trên tạp chí y khoa Lancet cho biết người đầu tiên được chẩn đoán mắc Covid-19, là vào ngày 1/12/2019 (sớm hơn rất nhiều) và người đó “không có liên hệ” với chợ bán buôn hải sản Hoa Nam.

Wu Wenjuan, bác sĩ cao cấp tại Bệnh viện Kim Ngân Đàm của Vũ Hán và là một trong những tác giả của nghiên cứu, nói với BBC rằng bệnh nhân là một người đàn ông lớn tuổi mắc bệnh Alzheimer.

“Ông ấy (bệnh nhân) sống cách bốn hoặc năm trạm xe buýt từ chợ hải sản, và vì bị bệnh nên về cơ bản ông ấy không đi ra ngoài”, Wu Wenjuan nói.

Bà cũng cho biết ba người khác đã xuất hiện các triệu chứng trong những ngày tiếp theo – hai người trong số họ cũng không tiếp xúc với chợ Hoa Nam.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng 27 người trong số 41 bệnh nhân nhập viện trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát “đã tiếp xúc với chợ”.

Giả thuyết cho rằng dịch bệnh bắt đầu ở chợ và có thể đã được truyền từ động vật sống sang vật chủ trước khi lây từ người sang người vẫn được coi là có khả năng nhất, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Vì vậy, một người thực sự có thể kích hoạt một ổ dịch lớn hay không?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, dịch Ebola năm 2014 đến 2016 ở Tây Phi là lớn nhất kể từ khi virus gây bệnh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976. Nó đã giết chết hơn 11.000 người và lây nhiễm trên 28.000 người.

Dịch bệnh đã kéo dài hơn hai năm và được tìm thấy ở 10 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi nhưng cũng có trường hợp được báo cáo ở Mỹ, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Italy.

Các nhà khoa học kết luận sự bùng phát của chủng Ebola mới bắt đầu chỉ với một người – một cậu bé hai tuổi đến từ Guinea – người có thể đã bị nhiễm bệnh khi chơi trong thân cây rỗng có đàn dơi. Emile Ouamouno,cậu bé 2 tuổi ở làng Meliandou phía nam Guinea, được xác định là “bệnh nhân số 0” trong vụ dịch Ebola vào năm 2014. Emile chết vì căn bệnh này và một số thành viên trong gia đình của cậu bé sau đó cũng qua đời.

Họ phát hiện điều này trong chuyến thám hiểm đến làng của cậu bé, Meliandou, lấy mẫu và trò chuyện với người dân địa phương để tìm hiểu thêm về nguồn gốc của dịch Ebola trước khi công bố kết luận.

Thuật ngữ “bệnh nhân số 0” gây tranh cãi xuất hiện vào những năm 1980 liên quan đến một bệnh nhân HIV. Ngày nay, các chuyên gia rất cân nhắc khi sử dụng thuật ngữ này.Khi một nhà nghiên cứu vô tình viết sai chữ O thành số 0 vào hồ sơ bệnh án của một bệnh nhân HIV vào đầu những năm 1980 đã vô tình tạo ra một thuật ngữ gây tranh cãi “bệnh nhân số 0” (bệnh nhân đầu tiên mang mầm bệnh.) Sự nhầm lẫn này đã vô tình gây ra một hiểu lầm lớn cho bệnh nhân Gaëtan Dugas – tiếp viên hàng không người Pháp gốc Canada đã bị đổ lỗi mang virus gây suy giảm miễn dịch ở người hay còn có tên gọi khác là HIV đến Mỹ.

Nhiều thập kỷ sau, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature mới có thể minh oan được cho Dugas và tìm ra bằng chứng rằng virus này xuất hiện ở Mỹ từ một dịch bệnh Caribbean tồn tại trước đó vào khoảng năm 1970. Mặc dù câu chuyện éo le của Dugas đã được giải đáp nhưng thuật ngữ “bệnh nhân số 0” vẫn tiếp tục tồn tại gây ra nhiều hiểu lầm và sự tò mò về cách thức lây lan của bệnh.

Phóng viên (T/h)