Trước việc Trung Quốc hôm 18/4/2020 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa” đã có phần bất ngờ.
Bất ngờ là bởi trong lúc tại Trung Hoa lục địa, bệnh dịch CoVid-19 đâu đã thật yên ả thật sự với đất nước họ. Đây quả là hành động sai trái, rõ ràng vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Nhưng cũng qua đó, thế giới loài người càng thêm hiểu rõ sự tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc dù họ đang ở tình thế “tứ bề thọ địch” mà sao họ vẫn làm ngơ, vẫn cố tình khi nghĩ “đây là lúc không ai để ý”?
Trên một tờ báo, Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng: “Đối với Trung Quốc, vấn đề độc chiếm Biển Đông là mang tính chiến lược hay còn gọi vấn đề lâu dài của họ. Trong khu vực Biển Đông, quan trọng nhất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam). Trung Quốc muốn thiết lập hai căn cứ tại khu vực này để khống chế Biển Đông.
Còn việc lợi dụng cả thế giới đang phải tập trung chống đại dịch Covid-19, để Trung Quốc thực hiện hành động ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế tuyên bố về cái gọi là Tây Sa và Nam Sa, có thể đây thuộc về chiến thuật của họ. Họ vận dụng chiến thuật trong thực hiện chiến lược, nghĩa là lợi dụng thời cơ đại dịch thực hiện ý đồ nhằm không bị thế giới chú ý, phản ứng mạnh.
Tuy nhiên, Trung Quốc lợi dụng tình hình để thực hiện ý đồ như trên chỉ đem đến điều hại cho chính họ. Sau một thời gian Trung Quốc bắt đầu có vẻ ổn định trước đại dịch Covid-19 hơn chút, trong khi đó, cả thế giới đang phải tập trung phòng, chống.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và Tổng thống Pháp đã kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để thế giới tập trung vượt qua đại dịch Covid-19.
Trong khi cả thế giới đang căng thẳng vì đại dịch Covid-19, tàu sân bay của Mỹ phải tạm dừng hoạt động ở châu Á cũng vì Covid-19, Trung Quốc lại có các hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, không xứng đáng với vai trò của một cường quốc, là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc…
Trước những hành động rất không xứng đáng với vị thế là một nước lớn, lại có vị trí cao trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc như Trung Quốc, có liên quan trực tiếp đến Việt Nam, chúng ta đã phản ứng rất hợp lý, hợp tình, trên cơ sở tôn trọng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế…
Thứ “chiến thuật” độc chiếm Biển Đông kể cả lúc chính họ cũng gian nguy nhất lúc chống dịch bệnh, quả thật nó quá thâm sâu nhưng rất tầm thường.
Song, nếu lật lại lịch sử vài chục năm gần đây, có lẽ chúng ta đã chứng kiến không ít lần những gì họ thể hiện ra với chúng ta. Chỉ có điều, nó khác xa với vị thế của chúng ta hôm nay khổng thể bị họ lấn át. Chúng ta đã quyết liệt lên tiếng bày tỏ chính kiến của mình để giúp thế giới hiểu rõ hơn bản chất của họ và ủng hộ chúng ta. Và thực tế, họ đã hiểu hơn về một Trung Quốc đầy tham vọng.
Tôi nhớ lại, vào năm 1999, trong không khí Đảng và Chính phủ ta cùng nhân dân cả nước đang chuẩn bị đón Đoàn đại biểu cấp cao Trung quốc do Thủ tướng Chu Dung Cơ sang thăm chính thức nước ta (thời gian từ 1-4/12/1999). Đây gần như cũng là một trong những đoàn đại biểu cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Trung quốc sang thăm Việt Nam kể từ sau giai đoạn” chiến tranh lạnh”giữa 2 nước do xảy ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (1979-1989) với chục năm trời rồi tiếp đó lại thêm vài năm 2 nước vẫn “căng như dây đàn” vì chưa có cớ để hàn gắn lại tình hữu nghị, láng giềng và ngoại giao tốt đẹp vốn có giữa hai nước.
Ấy vậy mà chỉ còn một hai ngày nữa là tới ngày Thủ tướng Chu Dung Cơ sẽ có mặt tại Hà Nội thì trên Biển Đông xuất hiện những chiếc” tàu lạ”.
Tôi còn nhớ hôm đó, tại Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Đảng, nhà báo Hữu Thọ (khi đó đang là Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương) đã triệu tập gấp lãnh đạo các báo lên Ban để thông báo tình hình và truyền đạt ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục theo dõi hiện tượng tàu quân sự Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước ta nhưng không nên tự ý phản ứng trên mặt báo mà phải chờ trên có chỉ đạo. Lý do cũng rất dễ hiểu, đó là việc chúng ta đang lo tổ chức đón họ với một nghi lễ rất trọng thể.
Thật là cay đắng vì chúng ta ở thế khó xử và thực tế đã không thể lên tiếng!
Nhưng đó là chuyện mà chúng ta đành nín nhịn để làm công tác đối ngoại, một cách làm thường thấy của chúng ta hai chục năm trước. Còn bây giờ, bè bạn trên thế giới luôn ủng hộ chúng ta, thế và lực của chúng ta cũng rất khác xưa. Vì lẽ đó, chúng ta đã quyết liệt hơn nếu thấy cần phải lên tiếng ở từng mức độ.
Trong chúng ta, hẳn nhiều người nếu theo dõi tin tức thời sự 3 năm trước thì sẽ nhớ một câu chuyện ngoại giao quân sự éo le khó quên.
Theo một vài tờ báo đưa tin ngày đó, phái đoàn của Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương ĐCS TQ Trung Quốc sang thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ Quốc phòng, Quân uỷ Trung ương nước ta. Thế nhưng, họ bỗng đột ngột cắt ngắn chuyến thăm nước ta sau khi cơn giận dữ nổ ra trong thảo luận ở Biển Đông.
Cùng lúc đó, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, viết cho Viện Yusof Ishak – Cơ quan nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) thông tin nóng rằng, Tướng Phạm Trường Long “cắt ngắn chuyến thăm và bất ngờ rời Việt Nam vào chiều tối ngày 18/6 mà không công bố nguyên nhân”.
Theo lịch, chuyến thăm của Đoàn Quân sự cấp cao của Trung Quốc là từ 18 đến 19/6. Tiếp sau đó, từ ngày 20 đến 22/6, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam – Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Phạm Trường Long sẽ dẫn đầu đoàn Quốc phòng hai nước dự giao lưu Hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần 4 tại tỉnh Lai Châu và Vân Nam.
Thế nhưng bỗng nhiên bị họ đơn phương cắt ngắn rồi trở về nước không nói rõ lý do ngoài những gì mà họ nói ra với báo chí nước họ.
Thực chất, nếu theo dõi trên các nguồn tin từ báo chí trong nước và quốc tế ngày đó thì có thể hiểu, về cơ bản là họ yêu cầu chúng ta rút tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư ngăn cản tàu HD 08 của họ khi họ khảo sát. Điều này là không thể chấp nhận được vì nó đã vi phạm chủ quyền biển của Việt Nam.
Thế nhưng, chúng ta không thể vì thế mà nhân nhượng họ vô lý như thế được. Vì lý do nói trên nên họ bỏ về sớm. Điều này chứng minh rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhượng bộ như thế được.
Chủ trương đa phương hoá quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới từ lâu đã được Đảng và Nhà nước ta luôn xem đó là việc đã và sẽ thực hiện. Nhưng trên hết nó phải dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích của nhau…
Báo Tuổi trẻ ngày 23/4 có dẫn nguồn từ Hãng tin Reuters ngày 23-4 (giờ Mỹ). Theo đó, Ngoại trưởng Pompeo trong cuộc họp báo tại Washington cho rằng Trung Quốc lợi dụng tình hình thế giới đang tập trung chống đại dịch COVID-19 để thực hiện “hành vi gây hấn” nhằm làm xói mòn tự trị ở Hong Kong, gây áp lực quân sự lên Đài Loan và ức hiếp các nước láng giềng ở Biển Đông.
“Mỹ cật lực phản đối thói bắt nạt của Trung Quốc. Chúng tôi hi vọng các nước khác sẽ buộc họ chịu trách nhiệm” – Ngoại trưởng Mỹ nói và cho biết ông sẽ nói chuyện với những người đồng cấp tại các nước ASEAN trong ngày 23/4/2020.
Sau khi đâm chìm tàu cá Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục áp đặt các yêu sách chủ quyền phi pháp như xây “trạm nghiên cứu” ở Trường Sa, đặt tên các khu vực quản lý hành chính ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Mỹ và Philippines đã nhiều lần lên tiếng về cách thức Trung Quốc ứng xử giữa đại dịch CoVid 19 là không thể chấp nhận.
Nhật báo Ấn Độ “Times of India “ngày 26/4 mới đây đã giật tít: “Sự hung hăng của Bắc Kinh giữa đại dịch khiến Mỹ và Ấn Độ lo lắng”.
Tờ báo nói tên đã nhận xét rằng: “khi dịch bệnh diễn ra, Trung Quốc đã đẩy mạnh chủ nghĩa bành trướng ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương, gây lo ngại không chỉ cho các nước láng giềng nhỏ hơn, mà còn cho Mỹ và Ấn Độ…”
Những gì chúng ta đã và đang làm, luôn được cộng đồng quốc tế ủng hộ và đánh giá cao. Việc chống lại căn bệnh CoVid-19 đã và đang diễn ra khiến toàn thế giới bị chao đảo và sẽ khủng hoảng kéo dài. Ai lạm dụng nó để thực hiện mưu đồ bành trướng là rất đáng lên án.
Mọi vấn đề liên quan đến an ninh và hoà bình của mỗi quốc gia ,dù có bất đồng này nọ thì cũng nên tạm gác lại để tập trung chống dịch vì nhiều nước lớn, có tiềm lực mọi mặt cũng không dễ dàng chống chọi huống gì các nước khác.Thế nhưng Việt Nam chúng ta, qua trận chiến này uy tín càng vang xa trên nhiều phương diện đã được thế giới ghi nhận, đồng thời họ càng thể hiện sự bất bình rõ ràng trước những gì Trung Quốc đã tiến hành ngoài Biển Đông.
Họ đều tán đồng quan điểm của chúng ta khi cho rằng, những gì nếu còn bất đồng, còn tranh chấp thì tiếp tục đàm phán giải quyết trên cơ sở pháp lý và cần phải tôn trọng các công ước quốc tế.
Tất nhiên, chúng ta cũng không bao giờ mong muốn có xung đột xảy ra và luôn mong muốn có hoà bình, nhưng không thể để bất cứ quốc gia nào lợi dụng, được đà mà lấn tới…
Một khi cả thế giới đang gồng mình và dồn sức chống đại dịch toàn cầu, những “chiến thuật” mưu mô muốn chớp thời cơ “không ai để ý” rồi mạnh mồm tuyên bố đơn vị hành chính các hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam càng khiến cho cả thế giới hiểu thêm, hiểu rõ hơn một quốc gia chuyên chọn thời điểm nhạy cảm để làm điều bất minh.
Với cách làm như vậy, chắc chắn sẽ chỉ mang lại điều xấu và sự tồi tệ cho Trung Quốc mà thôi.
Quốc Phong