Tối 17/2, tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến đã chính thức khai mạc với chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề “Tam sông giao hòa – Tinh hoa tỏa sắc.” Sự kiện không chỉ là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống mà còn khơi gợi niềm tự hào về một vùng đất từng vang danh trong câu ca: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến.”

Tam sông giao hòa – Tinh hoa tỏa sắc
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên, Nguyễn Khả Phúc nhấn mạnh: ”Phố Hiến xưa – thành phố Hưng Yên ngày nay, không chỉ là vùng đất “địa linh, nhân kiệt,” mà còn được ví như một “Tiểu Tràng An” với bề dày lịch sử văn hiến, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước. Lễ hội năm nay là cơ hội để nhân dân và du khách khám phá một không gian văn hóa độc đáo, nơi lưu giữ những di sản tinh thần quý giá của vùng đồng bằng sông Hồng”
Lễ hội không chỉ tái hiện những nghi thức tín ngưỡng, mà còn mở ra một hành trình đầy xúc cảm, kết nối quá khứ với hiện tại. Từ những hoạt động rước nước truyền thống, rước kiệu, dâng hương đến thả đèn hoa đăng, thi cờ tướng, liên hoan đàn và hát dân ca… tất cả đều góp phần tái hiện một Phố Hiến phồn hoa xưa kia, đồng thời thể hiện sức sống mãnh liệt của mảnh đất này trong dòng chảy hiện đại.

Ngay từ sớm, hàng nghìn du khách đã đổ về khu vực trung tâm lễ hội để hòa mình vào không khí rộn ràng. Bà Nguyễn Thị Lan, một du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Tôi đã tham gia lễ hội này nhiều lần, nhưng năm nay có nhiều hoạt động hơn, đặc biệt là chương trình nghệ thuật khai mạc rất hoành tráng. Tôi thích nhất là phần rước nước – một nghi thức thiêng liêng gắn với đời sống tâm linh của người dân nơi đây.”
Cùng hòa mình vào không khí náo nhiệt đó, Anh Lê Văn Hùng, một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh hào hứng bày tỏ: “Tôi đã nghe nhiều về Phố Hiến nhưng đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến. Không gian lễ hội rất náo nhiệt, và tôi thực sự ấn tượng với những công trình cổ kính còn được lưu giữ ở đây. Tôi sẽ dành thêm thời gian để khám phá nhiều hơn về vùng đất này.”
Phố Hiến – Dòng chảy di sản giữa lòng đồng bằng Bắc Bộ
Không chỉ là nơi diễn ra những lễ hội văn hóa đặc sắc, Phố Hiến – nay là thành phố Hưng Yên còn là một bảo tàng sống về lịch sử, văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng. Trải qua bao biến động, nơi đây vẫn lưu giữ hơn 200 di tích lịch sử, trong đó có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích cấp quốc gia, 33 di tích cấp tỉnh cùng hàng trăm bia ký và cổ vật có giá trị.
Những công trình như đền Mây (thời Đinh), chùa Hiến (thời Lý), đền Kim Đằng (thời Lê), đền Thiên Hậu (thời Hậu Lê), đền Mẫu (thời Nguyễn)… đều mang dấu ấn kiến trúc độc đáo, kết tinh giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Điều đặc biệt là nhiều di tích vẫn giữ được nguyên vẹn nét cổ kính, tạo nên một không gian văn hóa tâm linh đặc sắc, thu hút đông đảo du khách thập phương.
Bên cạnh hệ thống di tích dày đặc, thành phố Hưng Yên còn bảo tồn hơn 40 lễ hội dân gian diễn ra hằng năm. Mỗi ngôi đền, mỗi nghi lễ đều gắn liền với một câu chuyện lịch sử riêng, góp phần tạo nên một bức tranh văn hóa vừa đa dạng, vừa thống nhất, thể hiện sâu sắc truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến không chỉ là dịp tôn vinh giá trị truyền thống mà còn là nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu quê hương trong lòng mỗi thế hệ. Qua đó, đã khẳng định được sức sống bền bỉ của Hưng Yên – một vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử, biểu tượng của ý chí tự cường và khát vọng vươn lên, không ngừng đổi mới, phát triển để hòa mình vào dòng chảy hiện đại. Chính từ nền tảng ấy, Hưng Yên ngày nay đang dần trở thành trung tâm di sản văn hóa đặc sắc, một điểm đến an toàn, thân thiện và đầy hấp dẫn của vùng đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước.
Diệu Linh