Tại các phiên chuyên đề và bên lề sự kiện Industry 4.0 Summit 2023, nhiều ý kiến, góp ý – các đề xuất, giải pháp để “giải” từng bài toán cụ thể trong cuộc CMCN 4.0 đã được các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ đưa ra…
Ngày 14/6, Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023 (Industry 4.0 Summit 2023) với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì được tổ chức.
Industry 4.0 Summit là sự kiện thường niên, thu hút được sự quan tâm và tham dự của hàng nghìn đại biểu trong nước và quốc tế, trở thành một trong những diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất về CMCN 4.0 tại Việt Nam.
Trước phiên toàn thể cấp cao do Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì, sáng 14/6, chuỗi 4 phiên Hội thảo chuyên đề xoay quanh chủ đề chính của Diễn đàn như: “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng make in Việt Nam”; “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”… đã được tổ chức, thu hút sự tham dự của hàng nghìn đại biểu, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Và tại các phiên chuyên đề cũng như tại triển lãm bên lề, nhiều ý kiến, góp ý để thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, CMCN 4.0 đã được các chuyên gia, doanh nghiệp lên tiếng…
Giải pháp điện mặt trời từ Huawei
Tại phiên chuyên đề 3 với chủ đề: “Xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045” – lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Huawei đã có phần phát biểu đáng chú ý với đề xuất về các giải pháp phát triển năng lượng mặt trời cho Việt Nam.
Trong phần trình bày, ông Lê Nho Thông – Phó Giám đốc Kinh doanh Công nghệ Năng lượng số (Huawei Digital Power) của Huawei Việt Nam đã đưa ra 03 yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng từ “tài nguyên thiên nhiên” sang “đổi mới sáng tạo công nghệ”.
Cụ thể là: Sự đồng hành chặt chẽ trên toàn cầu trong việc thực hiện mục tiêu trung hoà carbon; Đảm bảo an ninh năng lượng để đạt được mục tiêu độc lập năng lượng. Và cuối cùng là: Những tiến bộ của công nghệ mang lại giá trị kinh doanh.
Theo ông Thông, với hơn 10 năm tập trung nghiên cứu và phát triển lĩnh vực điện mặt trời, Huawei đã nỗ lực vượt qua các thách thức thông qua kế hoạch Nghiên cứu và phát triển (R&D) dài hạn và đổi mới sáng tạo liên tục, nhằm mang đến các giải pháp đột phá cho khách hàng.
Ông Thông cho biết, đến năm 2022, Huawei nắm giữ 30% thị phần toàn cầu của thị trường hệ thống điều khiển điện mặt trời thông minh (Smart PV Controller), với tổng công suất lên tới 300GW. Năm 2022, bộ lưu trữ năng lượng chuỗi thông minh (Smart String ESS) của Huawei cũng chiếm 14% thị phần toàn cầu và tỷ lệ doanh số bán hàng của các đối tác tăng lên 77% so với 65% của năm 2021.
Các giải pháp công nghệ năng lượng số của Huawei đã góp phần sản xuất ra 7.695 tỷ kWh điện xanh, giảm phát thải 3,5 triệu tấn carbon – tương đương với việc trồng 4,8 tỷ cây xanh – đóng góp to lớn vào tương lai chuyển đổi năng lượng xanh và thông minh hơn của thế giới.
Ông Thông nhấn mạnh, nếu 10 năm trước ngành điện mặt trời phát triển công nghệ chuỗi thông minh, thì công nghệ lưu trữ thông minh (ESS) sẽ được ứng dụng rộng rãi trong 10 năm tới. Theo đó, sự kết hợp của điện mặt trời và bộ lưu trữ thông minh (ESS) sẽ tăng tốc đưa điện mặt trời trở thành nguồn năng lượng chính trong tương lai. Trong khi đó, tổ hợp “Điện mặt trời – Bộ lưu trữ thông minh (ESS) – Lưới điện – Nhà máy điện ảo” sẽ tạo ra các siêu nhà máy phát điện mặt trời thông minh.
Trong đó, các dự án tiêu biểu có thể kể đến Nhà máy điện mặt trời Thanh Hải (Trung Quốc) đã hoàn thành hơn 180 thử nghiệm kết nối lưới nhiễu tần số lớn và nhiễu điện áp lớn. Hay như Nhà máy lưới điện mặt trời vi mô 400MW+1,3GWh lớn nhất thế giới và trung hòa carbon cung cấp điện sạch cho 1 triệu người của Saudi Arabia.
Đưa công nghệ thực tế ảo vào phát triển Khu công nghiệp
Liên quan đến việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, trao đổi bên lề với người viết, một lãnh đạo của S-GROUP cho biết đã mang tới triển lãm Industry 4.0 bộ sản phẩm CNTT ứng dụng chuyển đổi số thông qua công nghệ thực tế ảo VR360… để phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp (KCN).
Đại diện của doanh nghiệp này cho biết, đây là hệ thống phần mềm được ứng dụng công nghệ hình ảnh thực tế ảo Virtual Reality 360 (VR360) cùng với GIS (Hệ thống công cụ tập hợp các quy trình thu thập, quản lý, lưu trữ dữ liệu địa lý – thiết lập bản đồ) và các nền tảng công nghệ tiên tiến để nhằm tối ưu hóa công tác quản lý, xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực KCN.
Theo đó, bằng những thiết bị chuyên dụng, công nghệ xử lý hình ảnh hiện đại, quy trình sẽ được nghiên cứu để tối ưu về thời gian cũng như chi phí thực hiện; mang đến cho khách hàng những sản phẩm hình ảnh với chất lượng cao cùng trải nghiệm vô cùng chân thực từ khi tư vấn, thiết kế, tới xây dựng KCN.
AI đã đi vào tất cả các ngành công nghiệp
Tại phiên chuyên đề 2 với chủ đề “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” – các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến, làm rõ thêm góc nhìn toàn cảnh về thực trạng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, xu hướng hiện nay và những nguy cơ trong việc phát triển, ứng dụng.
Cùng với đó là một số giải pháp cụ thể để doanh nghiệp vừa có thể tận dụng lợi thế của AI để tối ưu vận hành doanh nghiệp, đưa ra quyết định hiệu quả hơn dựa trên dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số mà có thể đảm bảo an toàn.
Tại diễn đàn này, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia nhìn nhận, AI hiện đã đi vào tất cả các ngành công nghiệp nghiệp.
Theo ông Nam, có 3 ngành AI sẽ tác động rất lớn là sản xuất; Ứng dụng AI để thay đổi trải nghiệm khách hàng và An toàn giao thông, nâng cao hiệu quả quản lý giao thông trong môi trường đô thị.
Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp cao của Qualcomm cũng cho rằng, ứng dụng AI trong y tế cũng là thị trường tiềm năng. Đây chính là những ngành công nghiệp mà AI sẽ ứng dụng và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả Diễn đàn Công nghiệp 4.0 năm 2023, Ban Kinh tế Trung ương cho biết sẽ ghi nhận, tiếp thu tối đa tất cả các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý cũng như nghiên cứu đầy đủ các tài liệu, các tham luận, báo cáo chuyên đề liên quan để tổng hợp, chắt lọc để phục vụ công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát triển khai thực Nghị quyết số 29-NQ/TW, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư… Đồng thời, Ban Kinh tế Trung ương cũng sẽ tổng hợp gửi các cơ quan và địa phương phục vụ quá trình xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động, đề án triển khai thực hiện nghị quyết của các cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương. |
Tuấn Việt