Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt với dân số trên 13 triệu người nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật lại phát triển chưa đồng đều, gây ảnh hưởng tới tốc độ phát triển và cuộc sống người dân. Với gần 60% diện tích là vùng đất thấp và có đến trên 70% diện tích đất đai Thành phố nằm trong tầm ảnh hưởng dao động triều cường. Việc triều cường dâng sớm và cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, khiến cho người dân đang gặp khó khăn khi đi qua các điểm ngập.
Cụ thể, đường Trần Xuân Soạn (quận 7) chiều 13/9, trời không mưa nhưng phía dưới mặt đường nước tràn lên làm toàn bộ tuyến đường bị ngập, đặc biệt có chỗ ngập lên đến 30cm làm cho một số phương tiện bị chết máy, người dân phải dắt xe lội bộ khi qua đoạn đường này.
Ngoài đường Trần Xuân Soạn thì một số tuyến đường khác phía Nam của Thành phố như đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Huỳnh Tấn Phát (Q.7) cũng bị ảnh hưởng do triều cường đến sớm hơn và cao hơn với cùng kỳ năm trước tới 6-8m. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho thấy mực nước tại các trạm ở TP.HCM đều cao hơn hôm trước. Trạm Phú An (trên sông Sài Gòn) dự báo mức nước là 1,54 m còn tại trạm Nhà Bè (trên kênh Đồng Điền) mực nước cũng được dự báo ở mức 1,56 m.
Theo ghi nhận của phóng viên, đã gần 8 giờ tối mà nước trong các hẻm ở đường Huỳnh Tấn Phát vẫn ngập sâu khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều rất khó khăn.
Bên cạnh việc triều cường dâng sớm và cao khiến cho người lao động, công nhân viên gặp rất khó khăn khi đi qua các điểm ngập vì ngay giờ đi và tan làm. Bên cạnh đó ngập lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi-rút và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người. Những dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ là: tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết,…
Do vậy, người dân cần chủ động, tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh, dịch. Cần tìm hiểu thông tin, chủ động thực hiện khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống tai nạn, dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa mưa, ngập lụt do triều cường của các cơ quan y tế và chính quyền. Thành phố cần đảm bảo chống ngập trước mắt, vừa có biện pháp dài hạn để người dân được sống an toàn, giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế – xã hội – môi trường.
Mới đây, khi công bố về siêu dự án chống ngập với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng đang tạm ngừng thi công suốt 4 năm qua (dù tiến độ công việc đã đạt hơn 90%). Ủy ban Nhân dân Tp. HCM thông tin nhà đầu tư đưa ra điều kiện nếu thanh toán tiền đủ thì sẽ đẩy nhanh tiến độ, cuối năm 2022 hoặc chậm nhất là đầu năm 2023 hoàn thành dự án.
Tuy vậy, theo UBND TP, quá trình tháo gỡ các vướng mắc không thể nóng vội mà phải làm đúng, vừa bảo đảm mốc thời gian đề ra và bảo đảm chất lượng dự án, không để nảy sinh những vấn đề pháp lý mới vì không còn thời gian sửa sai.
Dự án chống ngập gồm 6 cống: Cây Khô, Mương Chuối, Phú Xuân (huyện Nhà Bè), Bến Nghé (quận 1), Tân Thuận (quận 7), Phú Định (quận 8).
Quang Trung