20/08/2022 7:31:32

Dễ rơi cảnh “chưa giàu đã già” nếu không tăng tốc tận dụng dân số vàng

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thách thức lớn với Việt Nam hiện nay là tốc độ già hóa đang cao hơn mức dự báo. Ngay trước 2030, tiến trình già hóa dân số đã diễn ra, nếu không tranh thủ, tăng tốc nhanh để tận dụng thời cơ dân số vàng mà phát triển đất nước thì dễ rơi vào cảnh “chưa giàu đã già”.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”. 

Ngày 20/8, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” được tổ chức với sự chủ trì trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Trụ sở Chính phủ với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng, việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để có thể đảm bảo cuộc sống và sự phát triển toàn diện. Lao động – việc làm là vấn đề quan trọng, là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế. Do đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường lao động. Đến nay, về cơ bản, thị trường lao động đã được hình thành và từng bước vận hành theo cơ chế thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mặc dù vậy, theo Thủ tướng, thị trường lao động chưa theo kịp được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, chưa thích ứng đầy đủ được với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Thể chế phát triển thị trường lao động còn bất cập; chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ về giao dịch việc làm, quản lý chất lượng thị trường, các quy định về tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động. Cân đối cung – cầu lao động chưa thật hiệu quả dẫn tới chưa tiệm cận được năng suất tiềm năng.

Cùng với đó, hệ thống thông tin thị trường chưa thực sự hoàn chỉnh. Kết nối thị trường lao động trong nước và quốc tế còn yếu. Giáo dục – đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng nghề tương lai phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế. Việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Thủ tướng trăn trở nêu câu hỏi: Vì sao một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc? Vì sao thời gian gần đây có một số lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân? Vì sao lực lượng lao động xuất khẩu của nước ta thu nhập bình quân thường thấp hơn các nước trong khu vực, cạnh tranh quốc tế còn thấp? Vì sao người dân một số địa phương phải xa gia đình, con nhỏ, bố mẹ già, thậm chí bỏ đất đai, ruộng vườn để đi làm thuê nơi khác? Vì sao đời sống của một bộ phận công nhân ở các khu công nghiệp, thành phố lớn còn khó khăn, nhất là về vấn đề nhà ở? Vì sao vẫn còn những hiện tượng đình công ở một số khu công nghiệp? Vì sao chúng ta cần Chiến lược phát triển thị trường lao động khi thời điểm dân số vàng đi qua?...

Thị trường lao động đang bộc lộ nhiều hạn chế

Tại hội nghị, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã trình bày khái quát những điểm hạn chế của thị trường lao động hiện nay.

Đầu tiên là chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất.

Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn… không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thứ ba, chất lượng việc làm còn thấp, tính dễ bị tổn thương của việc làm còn cao.

Thứ tư, một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Riêng trong quý 1/2022 có xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục..

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh: VGP

Theo người đứng đầu ngành lao động, những yêu cầu, thách thức với việc phát triển thị trường Việt Nam trước hết là đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, đặc biệt là về nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao…; thúc đẩy chuyển dịch thị trường từ khu vực phi chính thức, bấp bênh, rủi ro sang khu vực chính thức gắn với việc mở rộng lưới an sinh xã hội cho mọi người lao động thông qua chính sách bảo hiểm xã hội; cân đối lại cung – cầu lao động,

Cùng với đó là từng bước khắc phục tình trạng phát triển không đồng đều, mất cân đối cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề; giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ tại một số địa bàn, địa phương.

“Lao động là hàng hoá rất đặc biệt”

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận định, thị trường lao động Việt Nam cho đến nay còn một số hạn chế: Cơ bản chúng ta chưa bắt kịp được các chuẩn mực kinh tế thị trường một cách linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả. Điều này thể hiện trên 4 vấn đề chính.

Thứ nhất là thị trường lao động phát triển nhưng chưa đủ mạnh để giải phóng triệt để mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế và giải quyết việc làm một cách bền vững.

Thứ hai là thị trường lao động có sự phân mảng giữa các vùng, khu vực mà tác động của dịch COVID-19 là biểu hiện lớn nhất cho thấy sự mất cân đối cung cầu lao động một cách cục bộ.

Thứ ba là quan hệ cung cầu lao động trên thị trường chưa phù hợp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Chúng ta không quan tâm đến cơ cấu nên có thể đào tạo nhưng lại không sử dụng được vì không đào tạo theo nhu cầu của thị trường.

Thứ tư là vấn đề yếu nhất của Việt Nam hiện nay: Kết cấu hạ tầng dịch vụ thị trường chưa hiện đại, đó chính là công nghệ thông tin. Chúng ta bàn đến hỗ trợ người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 nhưng không chủ động được để cung ứng gói an sinh xã hội đến người dân, điều này rất đáng suy nghĩ khi chúng ta thực hiện chính sách về lao động.

TS. Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: VGP

Qua đó, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng nên xác định rõ quan điểm, định hướng và thống nhất một số nhận định, phát triển thị trường lao động theo các tiêu chí: “Linh hoạt – Hiện đại – Bền vững – Hội nhập – Hiệu quả”.

Và để thị trường lao động đạt được 5 yếu tố trên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần vận hành hiệu quả với thị trường vốn, đất đai, hàng hoá, dịch vụ, thông tin, giảm thiểu các rào cản với người lao động.

“Quan trọng nhất là thu hẹp được việc làm của khu vực phi chính thức. Điều này không có nghĩa là chuyển ồ ạt lao động của thị trường phi chính thức sang chính thức mà chuyển dần từng bước và có điều kiện”, ông Lợi nói.

Vị chuyên gia nhìn nhận lao động là hàng hoá rất đặc biệt, khác với hàng hoá thông thường khác, thị trường lao động là nơi mua bán lao động theo giá cả lao động nên phải có yếu tố sản xuất đặc biệt và vận hành khách quan, chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác. Do đó thị trường lao động phải tác động điều hoà quan hệ về cung cầu lao động trong nền kinh tế thị trường và phải vận hành ổn định cùng thị trường vốn, hàng hoá, dịch vụ để tạo nền tảng tăng trưởng.

Hiển hiện nguy cơ “chưa giàu đã già”

Đồng quan điểm về những hạn chế của thị trường lao động hiện nay, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bổ sung thêm, hiện nay tỷ lệ lao động có chứng chỉ còn thấp, mới đạt 26%, nhất là lao động quản lý, lao động chuyên gia. Năng suất lao động của Việt Nam, vì vậy rất thấp, kém hơn Trung Quốc 4 lần, Malaysia 7 lần, Singapore 16 lần. Việt Nam phát triển sau Thái Lan cũng tới 10 năm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP

Thách thức với Việt Nam tới đây, theo ông Dũng, tốc độ già hóa của Việt Nam đang cao hơn mức dự báo. Ngay trước 2030, tiến trình già hóa dân số đã diễn ra rồi. Nếu không tranh thủ, tăng tốc nhanh để tận dụng thời cơ dân số vàng để phát triển đất nước thì dễ rơi vào cảnh “chưa giàu đã già”, chưa kịp phát triển đã lại phải quay sang lo gánh nặng an sinh xã hội.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị 5 giải pháp trong ngắn hạn, 6 giải pháp trong dài hạn.

Cụ thể, về ngắn hạn, cần theo dõi, nắm bắt nhu cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, cung ứng lao động cho quá trình phục hồi phát triển; Phát triển hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động, làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học; Giải quyết vấn đề khan hiếm lao động cục bộ, thực hiện tốt các quy định hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Đồng thời tiếp tục triển khai hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để phục hồi sản xuất và kinh doanh sau đại dịch.

Về dài hạn cần hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, huy động mạng lưới trí thức người Việt trong và ngoài nước; Xây dựng chiến lược quốc gia phát triển nguồn nhân lực, thống nhất đầu mối quản lý đào tạo nhân lực, đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.

Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao năng lực tự chủ của các cơ sở đào tạo nhân lực, đa dạng hóa các hình thức liên kết đào tạo, nghiên cứu giữa các cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm.

Cùng với đó, có các chính sách để các cơ sở kinh tế phi chính thức chuyển sang khu vực chính thức; Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin để kết nối cung cầu lao động, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, xây dựng và phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tuấn Việt