Giữa cơn “bão” đại dịch COVID-19, phải đối diện với những thách thức mới trong công tác tuyển sinh, đào tạo, có những cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã tìm những hướng đi chủ động, linh hoạt để đảm bảo công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp. Trong đó, những quyết sách mạnh dạn trong công tác chuyển đổi số của hiệu trưởng hai ngôi trường Cao đẳng nổi tiếng đã tạo nên những dấu ấn khác biệt, tiếp tục làm nên thành công và thương hiệu bền vững của trường nghề…
Liên tiếp những đợt bùng phát của dịch COVID-19 và những lần giãn cách xã hội kéo dài thực sự cản trở công tác đào tạo tại các cơ sở GDNN, khi những “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp không được bàn giao đúng kế hoạch, những giờ học thực hành và thực tập tại doanh nghiệp của HSSV cũng không thể diễn ra đúng kế hoạch…. Điều đó đòi hỏi mỗi cơ sở GDNN phải có tìm tòi cách thức tổ chức quản lý, vận hành để nhịp sống trường nghề vẫn duy trì hoạt động.
Chuyển đổi số từ trường đến doanh nghiệp
Đối với TS Đồng Văn Ngọc, sự quyết đoán trong các hạng mục đầu tư đều hướng tới sự phát triển của trường, đặt lợi ích và quyền lợi HSSV lên hàng đầu và luôn khẳng định bằng chất lượng mà chưa bao giờ thất bại…
Từng là sinh viên giỏi với nhiều giải thưởng chính tại CĐ Cơ điện Hà Nội, cũng từng làm thợ trước khi làm thầy, tính cả thời gian đó cho đến nay, TS Đồng Văn Ngọc đã gắn bó tới hai mươi bảy năm với CĐ Cơ điện Hà Nội, trong đó xấp xỉ 9 năm làm công tác Hiệu trưởng. Bằng những kinh nghiệm đi lên từ thực tế, TS Ngọc vừa làm công tác quản lý, vừa là người “truyền lửa” kích thích niềm đam mê, sáng tạo cho HSSV trong học tập….
Là một trong 45 trường chất lượng cao trong hệ thống cơ sở GDNN, CĐ Cơ điện Hà Nội được quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, cùng đội ngũ giảng viên giỏi. Nhà trường luôn đón đầu công nghệ, áp dụng trong dạy và học, chủ động “bắt tay”với các doanh nghiệp lớn để phối hợp trong đào tạo. CĐ Cơ điện Hà Nội tự hào có những “bàn tay vàng” ghi danh tại các cuộc thi Kỹ năng nghề quốc gia, ASEAN và thế giới, là kết quả của sự phối hợp với doanh nghiệp lớn trong đào tạo, được các doanh nghiệp tài trợ như: Công ty Samsung, Công ty Denso…
Có thể kể đến các sinh viên tiêu biểu như: Trương Thế Diệu – HCB nghề Phay CNC tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới năm 2019; Nguyễn Văn Hưng và Nguyễn Văn Quân xuất sắc giành chứng chỉ Kỹ năng nghề thế giới và xếp thứ 4 thế giới. Gần đây nhất có 2 sinh viên Nguyễn Văn Tấn và Đinh Ngọc Tú, đại diện cho đoàn Việt Nam tham dự cuộc thi nghề Cơ điện tử Châu Á- Thái Bình Dương và giành HCV.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, xác định thời gian còn dài mới trở lại trạng thái bình thường, TS Ngọc đã chọn giải pháp nhanh chóng xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện cho nhà trường. Trong đó có 3 hệ sinh thái đang được thực hiện và sẽ dần hoàn thiện trong những năm tiếp theo, bao gồm: Hệ sinh thái tuyển sinh, hệ sinh thái đào tạo trực tuyến và hệ sinh thái kết hợp nhà trường và doanh nghiệp.
Đây là những hệ sinh thái áp dụng công nghệ số, giải quyết các khâu theo chuỗi từ công tác tư vấn tuyển sinh, giải quyết nguồn tuyển đầu vào đến đầu ra, tìm kiếm việc làm cho sinh viên. Cùng với đó là những kế hoạch xây dựng tài nguyên số, học liệu số, cơ sở dữ liệu số, đào tạo số… có sự thẩm định của Hội đồng chuyên môn nhà trường và sẽ được lưu trên hệ thống điện toán đám mây.
Trong mục tiêu “phổ cập” chuyển đổi số, Hiệu trưởng Đổng Văn Ngọc yêu cầu mỗi giảng viên (nhà trường có 216 giảng viên/240 người lao động) trong năm học tới phải hoàn thành một học liệu số (tức là được giao mô-đun giảng dạy nào, giáo viên đó phải hoàn thành học liệu số nội dung giáo án đó), kết thúc năm học được Hội đồng khoa học nghiệm thu. Nhà trường sẽ thành lập Hội đồng rà soát nguồn học liệu này và cũng có kế hoạch nâng tầm, điều chỉnh để phù hợp theo từng giai đoạn. Triển khai đào tạo số cần phải đào tạo cho đội ngũ quản lý, giảng viên kiến thức kỹ năng số thực sự chuyên nghiệp, thiết kế một bài giảng tích hợp trên các công cụ chuyên nghiệp.
Đào tạo trực tuyến mới chỉ hỗ trợ được phần lý thuyết, phần thực hành phải chờ đến khi hết giãn cách mới được thực hiện trên thiết bị thực tế. Tuy vậy, Nhà trường vẫn nỗ lực vận dụng chuyển đổi số để nhà trường và doanh nghiệp cùng tương tác, dễ tiếp cận, nhằm hỗ trợ cho sinh viên thực tập theo đợt, cũng như có được vị trí việc làm thỏa mãn được nhu cầu của doanh nghiệp.
Thầy Ngọc chia sẻ: “Cơ hội trong khó khăn, những thách thức của dịch bệnh COVID-19 lại là chất xúc tác mà chúng ta bắt buộc phải thích ứng, bắt nhịp để chuyển đổi số trong GDNN. Nếu không chuyển đổi số sẽ không thể tồn tại được. Bởi vì, ngoài những yếu tố để có giãn cách, giảm lây lan dịch bệnh, chuyển đổi số chính là một là xu hướng học tập mở, linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu và cách thức tiếp cận mới của sinh viên.
Chuyển đổi số cũng góp phần đổi mới phương thức giảng dạy cho đội ngũ giáo viên, coi đó là một trong những tiêu chí nghề nghiệp mới của giáo viên cần phải có. Xây dựng một hệ sinh thái chuyển đổi số cũng là nâng cao hiệu quả quản lý vận hành cơ sở GDNN hiện đại… Chúng tôi đã và đang quản lý và vận hành cơ sở GDNN trên nền tảng số, kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng trên nền tảng số. Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng cho cả giáo viên, HSSV về các kỹ năng để tiếp cận với công nghệ số… Đây thực sự là một cuộc cách mạng công nghệ với tốc độ dồn dập ở CĐ Cơ điện Hà Nội”.
Quản lý giờ học trực tuyến bằng mã QR Code
Với mức chi phí ban đầu khoảng 1,2 tỷ đồng cho các hạng mục cơ sở vật chất, ứng dụng phần mềm với mô hình chuyển đổi số bài bản, đáp ứng nhu cầu đào tạo trực tuyến, môi trường dạy và học của HSSV của CĐ Cơ điện Hà Nội trên không gian mạng trở nên quy mô chưa từng thấy. Một buổi học trực tuyến, nhà trường hoàn toàn bố trí được 100 lớp học cùng lúc. Một trong những mô hình chuyển đổi công nghệ của CĐ Cơ điện Hà Nội là hệ thống E- Learning chỉ trong 3 tháng đã hoàn thiện. Về mục tiêu dài hơi đến năm 2025, Hiệu trưởng Ngọc tiết lộ đang tìm kiếm các dự án liên quan đến chuyển đổi số nhằm quản lý nguồn tài nguyên số đồng bộ, khoa học và có tính hệ thống bảo mật với chi phí hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, cách thức giảng dạy trực tuyến, đào tạo từ xa vẫn còn nhiều hạn chế, điều này cần sự quản lý chặt chẽ mà Hiệu trưởng có thể kiểm soát bất kỳ, từ việc chấm điểm chuyên cần, điểm danh HSSV, cũng như kiểm tra giáo án của giáo viên trước giờ giảng.
Dù là môi trường lớp học trực tuyến, nhưng những quy định, kỷ luật và không gian phòng học trực tuyến đều được đảm bảo nghiêm túc như đang học ở trường. Những quy định cụ thể đối với mỗi sinh viên học trực tuyến là: Cấm sinh viên tắt hình ảnh hiển thị trên màn hình máy tính để tránh trường hợp bật máy lên để đó rồi đi làm việc khác; nếu sinh viên nào mất tín hiệu internet ở phòng học thì phải gọi trực tiếp cho người chủ trì lớp học, không được phép tự do rời bỏ lớp học; HSSV học trực tuyến phải mặc trang phục chỉnh tề như ở trên lớp. Đặc biệt, để tránh trường hợp học hộ, thi và kiểm tra làm bài trực tuyến hộ, trường áp dụng làm thẻ HSSV bằng mã QR Code cho mỗi người.
“Nhờ những quy chế này, việc đào tạo và quản lý trực tuyến sẽ tốt hơn và mọi người cùng tôn trọng nhau trong môi trường đạo tạo số rất rõ ràng, sinh viên sẽ có ý thức, thái độ kỷ luật với bản thân; phụ huynh yên tâm con em mình đến giờ học là học nghiêm túc chứ không phải học để đấy”- Thầy Ngọc nói về tính ưu việt khi áp dụng quản lý HSSV bằng mã QR code.
Bài 2: NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy – Hiệu trưởng CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh: Chuyển đổi số mang lại kết quả ngoài mong đợi
Thu Thủy