Với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại bình thường, kéo theo thị trường lao động tại Hà Nội có dấu hiệu khởi sắc. Khi thị trường lao động “ấm lên”, không chỉ doanh nghiệp mà người lao động cũng được hưởng lợi bởi có nhiều sự lựa chọn.
Thị trường lao động sôi động trở lại
Đối với người lao động, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và đặc biệt sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu tìm kiếm một công việc mới của họ ngày càng tăng cao. Đây chính là yếu tố tích cực giúp thị trường cung ứng nguồn nhân lực của Hà Nội trở nên dồi dào hơn, phong phú, và dần sôi động trở lại trong quý I năm 2021.
Sau 2 tháng tạm nghỉ việc kể từ khi làn sóng dịch lần thứ ba, anh Nguyễn Đình Phượng (quê Hải Dương) đã đi khắp các trung tâm giới thiệu việc làm ở Hà Nội để tìm việc mới. Anh Phượng cho biết, khi hoạt động sản xuất trở lại bình thường, anh mong muốn tìm một công việc đúng ngành nghề được đào tạo.
Nỗ lực tìm việc, đầu tháng 4 vừa qua, anh Phượng đã có được việc làm như mong muốn là nhân viên IT cho một công ty phần mềm. Không chỉ riêng anh Phượng, theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong thời gian qua, Hà Nội có 30.000-40.000 lao động đã tiếp cận được cơ hội việc làm mới. Tín hiệu tích cực của thị trường lao động, việc làm cũng thể hiện rõ qua số lượng lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm, số công việc chờ người lao động tăng.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, trung bình mỗi tháng, hệ thống sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố ghi nhận 4.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm sâu so với năm 2020 (7.000 người nộp hồ sơ/tháng). Trung tâm đã tiếp nhận hàng trăm doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 3.000 vị trí việc làm mới, với mức thu nhập 5-25 triệu đồng/người/tháng.
Theo đó, xu hướng tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào nhóm lĩnh vực sản xuất như linh kiện điện tử, cơ khí, điện thoại… Những nhóm khác như: Công nghệ thông tin, dệt may, thương mại dịch vụ, bán hàng, tài chính ngân hàng… cũng có xu hướng tuyển dụng khá lớn.
Nguyên nhân khiến thị trường lao động của Hà Nội có nhiều tín hiệu khởi sắc trong quý I là do Thành phố đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh và triển khai các biện pháp nhằm hạn chế tác động của dịch Covid-19 đến lĩnh vực lao động, việc làm.
Từ cuối năm 2020, nhận định trước tình hình nếu dịch chưa kết thúc sẽ ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là việc làm của người lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố năm 2021 với chỉ tiêu 160.000 người.
Theo đó, các đơn vị, địa phương cũng đổi mới hoạt động của hệ thống trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm. Hiện nay, các trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn Hà Nội đều đã tăng cường kết nối cung cầu lao động qua các phiên giao dịch việc làm lưu động, trực tuyến. Hình thức tư vấn được đa dạng hóa để phù hợp với nhiều đối tượng như tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua Facebook, Zalo…
Các doanh nghiệp cũng được tạo điều kiện để tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề, tiếp cận với các chính sách ưu đãi nhằm duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, hạn chế tình trạng người lao động bị thất nghiệp… Đặc biệt, để cơ hội việc làm cho người lao động được mở rộng hơn nữa, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động, trực tuyến, nhằm kết nối cung cầu trên thị trường lao động trong quý I.
Một số phiên giao dịch việc làm đã cho kết quả ấn tượng như: Phiên giao dịch việc làm huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội thu hút 35 doanh nghiệp trên địa bàn huyện và 21 doanh nghiệp tại địa bàn các quận, huyện lân cận với 2.467 chỉ tiêu tuyển dụng; phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Sơn La với hơn 10.000 cơ hội việc làm cho người lao động.
Xu hướng nhảy việc để có thu nhập tốt hơn
Khi thị trường lao động “ấm lên”, không chỉ chủ doanh nghiệp mà người lao động cũng được hưởng lợi bởi có nhiều sự lựa chọn, khác với suy nghĩ những tháng trước đây là “có gì làm nấy, miễn là có việc làm”.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 kéo dài cũng khiến nhiều thứ thay đổi. Một trong những thay đổi đáng kể nhất là người lao động có xu hướng nhảy việc để tìm kiếm công việc có thu nhập tốt hơn. Xu hướng ngày tập trung số đông vào lao động ngành dịch vụ, lữ hành, du lịch và khách sạn… khi ngành này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa được phục hồi bởi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực…
Làm việc tại công ty kinh doanh tour du lịch Hàn Quốc, hơn một năm qua, chị Nguyễn Thanh Thúy ( trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn giữ được công việc của mình.Tuy nhiên cuộc sống của chị vẫn vô cùng khó khăn khi thu nhập giảm đến 70%. Nhận thấy thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, chị đã quyết định xin nghỉ và tìm một công việc mới.
“Trước đây thu nhập của tôi có thể lên đến 20 triệu đồng/tháng, thời gian gần đây chỉ duy trì ở mức 3-4 triệu/tháng. Mặc dù có làm thêm các công việc khác nhưng thu nhập không được như mong muốn. Nhận thấy thời gian gần đây các công ty đã tuyển dụng nhiều với mức lương tương đối tốt, tôi quyết định nghỉ việc hiện tại và tìm cơ hội mới”, chị Thúy tâm sự.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội, việc dịch chuyển đến nơi làm việc có điều kiện tốt hơn và thu nhập cao hơn là nhu cầu thiết yếu của người lao động. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được thu nhập cho lao động như giai đoạn trước, khiến người lao động có xu hướng nhảy việc.
“Bất cứ người lao động nào đều mong muốn có thu nhập cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát, các doanh nghiệp tích cực kinh doanh sản xuất, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, tốt hơn cho người lao động. Đây cũng là nguyên nhân khiến người lao động có xu hướng nhảy việc nhất là ở nhóm lao động trẻ”, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.
Tuy vậy, người lao động cũng nên cẩn trọng trước khi quyết định trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng lên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và tình trạng thất nghiệp vẫn tăng. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng đến 2,42% trên cả nước và nhu cầu mua sắm giảm.
Để đáp ứng được yêu cầu cho thị trường lao động hiện nay, người lao động cần phải tìm những việc làm phù hợp, linh hoạt và đa dạng hóa bản thân. Cần tiếp tục đầu tư, nâng cao kiến thức chuyên môn, đặc biệt là thích ứng với những yêu cầu công việc mới, chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, kỹ năng. Đồng thời người lao động cũng cần mở rộng khả năng kết nối với các trung tâm việc làm, đơn vị tuyển dụng, tăng mức hiểu biết về nhau giữa doanh nghiệp và người lao động để tạo ra được nhiều cơ hội việc làm khác./.
Vũ Lan