05/01/2021 9:27:04

Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước– Giải pháp dự phòng rủi ro cho NLĐ làm việc xứ người

Một trong những nội dung quan trọng của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) là tiếp tục giữ quy định về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Đây được xem là giải pháp cần thiết, nhằm khắc phục rủi ro, tai nạn của người lao động, hỗ trợ để phát triển thị trường giải quyết những vấn đề tranh chấp.

Luật Người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 13/11/2020 với 450/454 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành (chiếm tỷ lệ 93,36%) và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Nhu cầu thực tiễn

Quỹ Xuất khẩu lao động là một trong các giải pháp của Chính phủ từ những năm 2003 theo Nghị định số 81/2003/NĐ-CP để thực hiện chủ trương xuất khẩu lao động và chuyên gia trong giai đoạn trước đây. Theo đó, Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được thành lập nhằm phát triển thị trường lao động ngoài nước; nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế; đồng thời, hỗ trợ rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu lao động.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 đã quy định một Chương về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước như là một giải pháp chủ động nguồn lực để phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), sau 12 năm thành lập và hoạt động, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước đã khẳng định được đây là một giải pháp hết sức đúng đắn góp phần đẩy mạnh hiệu quả hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các hoạt động “giải cứu lao động” thời gian qua là những minh họa sinh động cho việc cần thiết có các giải pháp kinh phí chủ động (như Quỹ) để có kinh phí thực hiện ngay các hỗ trợ cần thiết… Ảnh tư liệu

Hoạt động của Quỹ đã góp phần rất tích cực trong việc ổn định các thị trường lao động truyền thống, mở rộng và phát triển các thị trường lao động mới. Nguồn kinh phí chi từ Quỹ cũng đã góp phần đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lao động…

Đặc biệt, Quỹ đã khẳng định được vai trò “chủ động nguồn lực”, vai trò then chốt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động khi khủng hoảng xảy ra tại các thị trường có đông người lao động Việt Nam đang làm việc. Các hoạt động “giải cứu lao động” ở Libya về nước năm 2011 và 2014, hỗ trợ người lao động làm việc tại Ả rập-Xê út về nước trước hạn năm 2015; tổ chức đưa lao động về nước khi hàng loạt các quốc gia thực hiện “cách ly xã hội” do dịch Covid-19 … là những minh họa sinh động cho việc cần thiết có các giải pháp kinh phí chủ động (như Quỹ) để có kinh phí thực hiện ngay các hỗ trợ cần thiết…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Từ tình hình thực tiễn, nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn (chính trị, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…) và các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đối với người lao động khi làm việc ở nước ngoài, việc bảo đảm xử lý và có biện pháp kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (hỗ trợ hồi hương, khắc phục rủi ro, tai nạn, giải quyết tranh chấp, …) là rất cần thiết.

Trong đó, trách nhiệm trước hết chính từ doanh nghiệp dịch vụ và bản thân người lao động thông qua việc đóng góp vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước như một cơ chế dự phòng, khắc phục rủi ro. Do đó trong Dự thảo Luật Người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất giữ quy định về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Bày tỏ quan điểm về việc cần thiết có Quỹ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, từ những câu chuyện như người lao động ở Trung Đông thì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước “hết sức có tác dụng, đỡ cho cả nhà nước, cả người dân và an tâm hơn”.

“Khi đi lao động ở ngoài nước thì có rất nhiều rủi ro. Việc có một quỹ như thế này mới bảo đảm cho người lao động tin tưởng và cũng tạo điều kiện để hỗ trợ khắc phục những rủi ro cho người lao động, bảo đảm được quyền lợi cũng như trách nhiệm. Về phía doanh nghiệp cũng an tâm hơn khi có quỹ này vì giúp họ xử lý những rủi ro, mở rộng thị trường và những yếu tố khác”, đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ

Luật Người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 tới. Theo quy định của Luật, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thuộc Bộ LĐ-TB&XH nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập. Nguồn hình thành Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước gồm đóng góp của doanh nghiệp dịch vụ, đóng góp của người lao động và các nguồn thu hợp pháp khác.

Quỹ được sử dụng để hỗ trợ người lao động trong các trường hợp: (1) Người lao động bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật không còn khả năng tiếp tục làm việc và phải về nước trước thời hạn; (2) Người lao động phải về nước trước thời hạn vì chủ sử dụng lao động giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác; (3) Người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6 của Luật này; (4) Giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (5) Hỗ trợ thân nhân người lao động trong trường hợp người lao động chết, bị mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Quỹ còn được dùng để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, phát triển, ổn định thị trường lao động ngoài nước; Giải quyết những rủi ro liên quan đến người lao động do mình đưa đi.

Như vậy, Luật sửa đổi đã không còn quy định Nhà nước đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Đồng thời quy định các trường hợp, nội dung hỗ trợ cụ thể đối với người lao động, đối với doanh nghiệp dịch vụ để để tránh trùng lắp với việc hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Luật cũng quy định mang tính nguyên tắc về cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, hỗ trợ kịp thời cho người lao động và doanh nghiệp, nhất là khi người lao động gặp rủi ro ở nước ngoài. Đồng thời giao Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ; quy định về tổ chức hoạt động; quản lý, sử dụng Quỹ, mức đóng góp vào Quỹ của doanh nghiệp, người lao động, nội dung chi, mức chi đối với các nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin làm rõ về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước trước Quốc hội. Ảnh Quochoi.vn

Thảo luận về Dự thảo Luật tại Hội trường Quốc hội trước đó, nhiều ý kiến đại biểu thể hiện sự đồng tình với việc không quy định nguồn hình thành Quỹ là từ ngân sách nhà nước. Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) cho rằng, điều này sẽ “giảm được gánh nặng của ngân sách nhà nước khi ngân sách quá tải, có nhiều việc phải chi. Quan trọng hơn, quy định này thể hiện tinh thần đổi mới trong quản lý các đơn vị sự nghiệp của nhà nước và giao cho quỹ này hoạt động với tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm”.

Khẳng định sự cần thiết của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, “Bản chất Quỹ như một cơ chế dự phòng, nhằm khắc phục rủi ro, tai nạn của người lao động, hỗ trợ để phát triển thị trường, giải quyết những vấn đề tranh chấp. Quỹ sẽ chỉ chi vào những khoản mà Nhà nước không đầu tư hoặc Nhà nước có đầu tư, nhưng không đáp ứng và những tình huống cấp bách”.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), tính đến 31/12/2019, tổng số kinh phí Quỹ đã sử dụng chi là 110.066 triệu đồng, chủ yếu (64,11%) dành cho hỗ trợ rủi ro cho người lao động làm việc ở nước ngoài và doanh nghiệp.

Hải An