Vừa trả lời chúng tôi đầy ẩn ý hóm hỉnh, Nông Thành Lương, dân tộc Tày, quê thôn Khau Ca, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn, học sinh hệ trung cấp Khoa Cơ điện Trường cao đẳng nghề dân tộc nội trú Bắc Cạn vừa cười xua tay khi chúng tôi dương máy ảnh để chụp hình em.
Mặc dù biết trước Bắc Cạn chỉ có duy nhất một trường dạy nghề, nhưng chúng tôi khá bất ngờ khi mục sở thị giữa thành phố miền núi êm đềm này lại hiện lên một ngôi trường cao đẳng nghề được thiết kế khá “Tây”. Đẹp, hợp lý và chuẩn đến từng chi tiết. Khác với nhiều cơ quan đơn vị thường bạt núi, xẻ đồi để xây dựng cơ ngơi, ngược lại, Trường cao đẳng nghề Dân tộc nội trú Bắc Cạn được xây dựng trên quả đồi mát mẻ đầy cây xanh, rợp bóng mát. Con đường bậc thang lên đồi dẫn vào khu văn phòng, lớp học và ký túc xá được lát gạch đỏ sạch sẽ, phía trên lợp mái che hiện đại, hai bên đường, hoa cỏ mọc dẫn lối mát dịu. Trông từ xa ngôi trường như một resort mát mẻ, yên tĩnh. Mọi thứ nơi đây đều mang đậm phong cách quản lý của một trường học quốc tế. Lớp học không quá lớn nhưng đầy đủ đồ dùng cần thiết được bố trí ngăn nắp, sạch sẽ. Không gian yên tĩnh, ấm áp.
Môi trường tạo nên con người, có lẽ vì thế dù đang giữa trưa, giờ tan lớp nhưng từng tốp học sinh trong đồng phục xưởng thực hành vẫn rất từ tốn, không ồn ào tản về khu ký túc xá. Thấy một tốp các em nam đang hối hả về phòng, chúng tôi hỏi đùa “A Phủ đi đâu vội thế ?” Một bạn trả lời “ A Phủ đi làm thêm”. “Đang học nghề năm mấy đã đi làm thêm ?” Chúng tôi hỏi. Một bạn cười hóm hỉnh: ““A Phủ” bây giờ đi học nghề rồi, có nghề rồi. A Phủ học nghề công nghệ ô tô. Còn Mỵ nó học nghề chế biến món ăn. Bây giờ A Phủ không ngồi nhà uống rượu, chơi điện thoại đâu, đi học nghề và đi làm hết rồi”.
Vừa trả lời đầy ẩn ý hóm hỉnh, Nông Thành Lương, dân tộc Tày, quê thôn Khau Ca, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn, học sinh năm thứ 2 hệ trung cấp Khoa Cơ điện Trường cao đẳng nghề Dân tộc nội trú Bắc Cạn vừa cười xua tay khi chúng tôi dương máy ảnh để chụp hình em. Lương cho biết, từ năm thứ nhất em đã đi làm thêm cho một gara sửa chữa ô tô lương 6 triệu đồng/tháng. Nói rồi Lương lễ phép chào, vì còn vội đi làm thêm ca chiều.
Hôm chúng tôi tới, đúng lúc Trường cao đẳng nghề Dân tộc nội trú Bắc Cạn đang nhập học cho học sinh chương trình 9+. Cả khu trường như ngày hội tưng bừng.
Thấy mấy tốp các bác lớn tuổi vác ba lô chăn màn ngồi chờ dưới gốc cây nói chuyện bằng tiếng dân tộc rôm rả, cứ tưởng tốp thợ đi dân công đắp đê. Hỏi ra mới biết, các bác đưa con xuống nhập học 9+. Anh Nông Văn Cừu, lủng củng với túi du lịch và ba lô to đùng, nách ôm con gà ngồi trú nắng dưới gốc cây. Chúng tôi hỏi, “đi nhập học cho con, mang gà ăn mừng à?”. Anh Cừu bẽn lẽn: “Làm gì đâu. Chẳng qua mình không có tiền, tiện thể đưa con xuống học, lúc về mình bán nó (con gà) để lấy tiền mua xăng đổ vào cái xe”. Anh Cừu cho biết, nhà cách trường hơn 80km, để kịp nhập học, 2 bố con phải đi từ 5 giờ sáng. Con trai anh Cừu là Nông Nhật Vinh phấn khởi khoe: “Cháu học nghề điện dân dụng. Bố cháu bảo, biết nghề điện là biết làm tất cả nghề khác”.
Ngồi kế bên là anh Lường Văn Hiệp, quê xã Thanh Mai huyện Chợ Mới đưa con là Lường Văn Long xuống học nghề Điện. Anh Hiệp khoe: “Con mình nó bảo sau này không muốn đi làm xa nhà nên nó chọn nghề điện, làm ở bản mình cũng không hết việc”.
Vẻ khắc khổ lam lũ, anh Triệu Văn Sỹ đưa con trai Triệu Văn Huấn từ xã Khang Ninh, huyện Ba Bể xuống nhập học nghề Công nghệ ô tô, anh Sỹ cho biết, nhà có 5 người nhưng ruộng chỉ có 1 sào. “Cả nhà mấy bố con lăn ra làm đủ thứ việc mà không đủ ăn. Mấy đứa lớn đi Thái Nguyên làm thuê nhưng không có nghề nên vất vả lắm, công việc không ổn định, nó gọi điện về bảo, bố cố gắng cho em đi học nghề. Được nhà trường về tận xã tư vấn đi học nghề không mất tiền, mình mừng quá cho con đi luôn”.
Chị Triệu Thị Phương, nhà ngay TP Bắc Cạn góp chuyện, mình cho con gái nhập học nghề Chăn nuôi thú y, sau này không xin được việc làm thì ở nhà mở hiệu bán thuốc thú y. Em Triệu Thùy Linh ở thôn Lũng Tao, Đổng Xá, huyện Na Rì, Bắc Cạn xúng xính trong bộ đồ mới cho biết, em được bố mẹ đèo xe máy xuống từ sáng sớm. Em và mấy bạn nữ cùng lớp chọn nghề Chế biến món ăn.
“Sao các em biết chương trình này mà tham gia nhập học ?” Chúng tôi hỏi. Em Lý Thị Duyên ngồi kế bên, nhanh nhảu: “Trường nó về tận Trường trung học cơ sở Đổng Xá, Na Rì nơi em học tư vấn giới thiệu mà”.
Đa số học sinh nam nhập học chọn nghề Điện và Công nghệ ô tô, học sinh nữ chọn Chăn nuôi thú ý và Chế biến món ăn. Nhưng phấn khởi nhất ở các bậc phụ huynh là con em đi học nghề mà không phải đóng tiền.
Thầy Lương Anh Đức, Trưởng phòng đào tạo, Trường cao đẳng nghề Dân tộc nội trú Bắc Cạn cho biết, chương trình 9+ rất thích hợp với học sinh miền núi. Năm nay trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh 300 em, nhưng mới đợt đầu đã tuyển được gần 200 em. Nhu cầu học rất lớn nhưng trường cũng phải sơ tuyển. Các em thể lực yếu, nhỏ quá không học được cũng phải từ chối.
Những năm gần đây trường đào tạo không kíp đáp ứng cho các doanh nghiệp. Nhất là từ khi mở ra các khu công nghiệp tại Thái Nguyên. Tháng nào doanh nghiệp dưới Thái Nguyên cũng lên Bắc Cạn “càn quét” tìm nhân lực mà không tuyển được. Để có lượng học sinh nhập học 9+ phấn khởi như hôm nay, thầy Đức cho biết, đó là nhờ sự hỗ trợ tuyển sinh rất lớn từ dự án và sự nỗ lực quyết tâm của Ban giám hiệu và các thầy cô trong trường.
Được dự án hỗ trợ toàn bộ tiền xe cộ đi lại, ăn ở, giáo viên nhà trường và cán bộ dự án phải lên tận các xã vùng cao, đến các trường trung học cơ sở của các huyện trong tỉnh vận động, tư vấn tuyển sinh. Nhiều giáo viên ăn ngủ tại bản cả tuần để vận động con em đồng bào đi học nghề. Lúc đầu nhiều em đồng ý, nhưng đến ngày nhập học lại ngãng ra không đi, thế là mất vài chuyến xe về không. Có chuyến đi cả tuần, đưa về được vài em, nhưng học vài ngày các em nhớ nhà lại xin về rồi không lên trường nữa. Với Chương trình 9+, các em hồ hởi là thế nhưng theo thấy Đức, phía trước còn rất nhiều thách thức. Đưa được các em xuống trường đã khó, nhưng giữ lại được các em học cho thành nghề còn khó hơn gấp nhiều lần.
Thầy Trịnh Tiến Long, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Dân tộc nội trú Bắc Cạn cho biết,Trường dạy nghề tỉnh Bắc Cạn được thành lập ngày 4/4/2002 theo Quyết định số 454/QĐ-UBND tỉnh Bắc Cạn, được đổi tên thành trường Trung cấp nghề Bắc Cạn và nay là Trường cao đẳng nghề Dân tộc nội trú Bắc Cạn.
Sở dĩ trường có cơ ngơi khang trang như hiện nay, ngoài nguồn vốn đầu tư trong nước, trường còn được thụ hưởng dự án đầu tư của Chính phủ Đại công quốc Luxembourg tài trợ xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, trang thiết bị đào đạo nghề; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tài trợ 10 tỷ đồng thông qua Ban chỉ đạo Tây Bắc để xây dựng nhà ký túc xá và phòng học. Các dự án trên đã bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2010 và năm 2011 đáp ứng cơ bản điều kiện dạy nghề đối với một cơ sở đào tạo nghề chính quy, hiện đại. Mới đây trường đã được Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN đầu tư xây dựng một gara ô tô hiện đại trị giá hàng chục tỷ đồng phục vụ cho công tác đào tạo nghề Công nghệ ô tô.
Hiện trường đào tạo 3 cấp trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng với 28 nghề gồm: Thú y; Khuyến nông khuyến lâm; Kỹ thuật chế biến món ăn; Máy xúc; Tin học văn phòng; Sửa chữa bảo dưỡng ô tô; Sửa chữa điện lạnh; Hàn; Sản xuất rau an toàn; Sản xuất chế biến chè an toàn; Vỗ béo trâu bò; Cắt gọt kim loại; Điện công nghiệp; Điện dân dụng; Công nghệ ô tô….Qui mô đào tạo và tuyển mới hàng năm 350 – 600 học sinh, sinh viên.
Sau những khó khăn ban đầu, hiện nay Trường cao đẳng nghề Dân tộc nội trú Bắc Cạn đã trở thành địa chỉ đào tạo tin cậy, thu hút học sinh trong tỉnh và các địa phương lân cận tới học nghề.
Dẫn chúng tôi thăm các xưởng thực hành, Thầy Long cho biết, nếu không có dự án Luxembourg hỗ trợ ban đầu, trường không thể có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo như hiện nay. Đặc biệt, sẽ không có đội ngũ giáo viên và quản lý đạt trình độ yêu cầu. Bởi theo thầy Long, dự án không chỉ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị mà còn đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của nhà trường. Ngân sách địa phương còn nghèo, lấy đâu ra cho giáo viên đi học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ. Trên cái nền ban đầu ấy, sau này nhà trường duy trì và tiếp tục phát triển được là nhờ vào nguồn vốn Chương trình mục tiêu nghề trọng điểm quốc gia của Trung ương, nhưng nếu không có đội ngũ, bộ máy nhân sự tốt, thì không thể phát triển. Thầy Long chia sẻ.
Băn khoăn về công tác quản lý, duy trì được môi trường cảnh quan của nhà trường như hiện nay khi dự án kết thúc, thầy Long cho biết, đó cũng là thách thức lớn đối với nhà trường trong thời gian tới.
Nội dung: Hoàng Quân
Thiết kế: Thúy Anh
- Nữ sinh Ninh Bình vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2020
- [E-Magazine] Đại sứ nghề Việt Nam 2020: Nguyễn Duy Thanh – Từ cậu bé nghiện game đến xuất sắc giành huy chương thế giới
- [E-Magazine] Gặp chàng trai bỏ ngang đại học theo đuổi đam mê máy móc
- [E-Magazine] Đại sứ nghề Việt Nam 2020: Ấn tượng 2 anh em ruột cùng giành Huy chương Vàng ASEAN
- [E-Magazine] Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên và bài học về giá trị của học nghề