30/08/2020 11:59:03

DN trong đại dịch Covid-19: Cơ hội “bứt phá cho kẻ mạnh – tái sinh cho kẻ yếu”

Đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất trì trệ, thương mại bị hạn chế, hàng loạt doanh nghiệp (DN) phá sản. Tuy nhiên, nếu nhìn theo hướng tích cực, Covid-19 cũng là cơ hội cho những DN biết nắm bắt thời cơ, thích nghi tốt với hoàn cảnh.

Đây là những nhận định được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến Doanh nghiệp trong mùa covid 19 – tác động và hành động, do Viện kinh tế và thương mại quốc tế – Trường đại học ngoại thương tổ chức.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những góc nhìn chuyên sâu về toàn bộ tình hình của DN trong bối cảnh Covid-19, đồng thời cũng đưa ra dự báo và lời khuyên thiết thực cho các DN đang “chơi vơi” giữa những tác động mạnh mẽ của đại dịch.

 

4 nhóm DN trong đại dịch

Đại dịch Covid-19 thực sự đã làm đảo lộn thế giới. Những hệ luy mà nó mang đến là vô cùng to lớn: thách thức các giá trị của toàn cầu hóa, chuỗi cung ứng toàn cầu,ngưng trệ và dồn nén các hoạt động kinh tế, gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng xã hội…Cùng với đó, là các cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng, xã hội, kinh tế…

Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) đánh giá, đây là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong hơn 100 năm qua, khiến 2,7 tỷ người (81% lực lượng lao động) toàn cầu

bị ảnh hưởng; Số giờ làm việc giảm 6,7%, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian.

Việt Nam được đánh giá là một trong những đất nước đứng đầu thế giới trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các biện pháp giãn cách, cách ly… mang lại hiệu quả tốt trong công tác phòng chống dịch, song lại hạn chế sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong đó, một số ngành kinh tế chịu tác động nặng nề nhất phải kể đến là: dệt may, da giày, sản xuất gỗ, dịch vụ, vận tải, bất động sản…

Nhìn chung các DN đều đã “thấm Covid-19”, thanh khoản khó khăn, đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh không thể phục hồi nhanh chóng, lạm phát, hành vi tiêu dùng thay đổi…

Tình hình doanh nghiệp được chia làm 4 nhóm: DN phá sản do thiếu “hệ miễn dịch” và tồn tại “bệnh nền”; DN thụ động, nằm im chờ đợi và sử dụng nguồn tài chính dự trữ; DN cầm cự duy trì hoạt động; DN tiếp tục tăng trưởng với mức bứt phá trên 10% do tận dụng tốt cơ hội trong đại dịch.

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ cũng như các chính sách…, nhằm giúp DN vượt qua khó khăn, khủng hoảng. Tuy đem lại kết quả tốt, song đây là giải pháp tình thế có tác dụng nhất thời. Việc DN có thực sự tồn tại và phát triển được trong đại dịch Covid-19 hay không lại phụ thuộc chính vào nội lực của mỗi DN.

Vượt qua khủng hoảng bằng nội lực

Theo TS Nguyễn Văn Minh, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể phục hồi một cách bứt phá. DN cần chăm lo cho “sức khỏe” của mình thật tốt qua các chuỗi cung ứng, dòng tiền, sản phẩm mới…Đặc biệt, cần một hệ sinh thái kinh doanh khoẻ mạnh bằng cách quan tâm đến “sức khoẻ” của các đối tác kinh doanh, khách hàng và cộng đồng tiêu dùng.

“DN cần xác định rõ mình đang ở đâu, từ đó đưa ra những lựa chọn phù hợp cho từng giai đoạn phát triển. Trước tiên cần phải ‘sống sót’ qua đại dịch, cân bằng dòng tiền, đảm bảo nguồn tài chính cho quá trình hoạt động. Duy trì trạng thái khỏe mạnh bằng việc bảo vệ khách hàng thông qua các thị trường ngách. Song song với đó, xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh mạnh để hướng tới mực tiêu phát triển trong tương lai” – TS Minh nhấn mạnh.

Ông Minh cũng nói thêm, DN cần tập trung vào các vấn đề quan trọng như: hành động dựa trên lợi thế của DN, cộng hưởng sức mạnh vi mô…Trong đó, đặc biệt tập trung vào phát triển làm mới và thử nghiệm chuyển đổi mô hình DN sang kinh doanh số, kinh doanh 4.0.

Đây là thời điểm nhạy cảm, khả năng thích nghi với hoàn cảnh quyết định sự sống còn của mỗi DN. Đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng không nhỏ đến KT-XH Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung, không chỉ trong năm 2020 mà còn tiếp tục hệ lụy đến năm 2021. Do đó, các DN cần học cách sống chung với Covid-19, đưa ra nhiều giải pháp kích cầu thích nghi với trạng thái bình thường mới.

Chuyển đổi mô hình quản trị từ “thời bình” sang “thời chiến”, chuyển đổi trạng thái chống khủng hoảng, tập trung thống nhất sức mạnh thực hiện kế hoạch chi tiết theo thời gian thực.

Làm mới mô hình hiện tại nhằm kích cầu thị trường bằng các sản phẩm mới hoặc làm mới sản phẩm hiện tại. Song song với đó, việc củng cố hệ thống phân phối và dịch vụ giúp sản phẩm đến gần hơn với khách hàng, tạo “bộ mặt” cho thương hiệu doanh nghiệp, tăng uy tín và niềm tin từ người tiêu dùng.

Trong đại dịch Covid-19, việc sử dụng công cụ, công nghệ số, chuyển đổi sang hình thức kinh doanh 4.0 là vô cùng cần thiết. Giúp doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng trong bối cảnh giãn cách xã hội, kiểm soát tối ưu chi phí cũng như hạn chế tối thiểu những phát sinh không đáng có cho doanh nghiệp.

Chắt lọc những đối tác tin cậy, trách nhiệm và bền vững từ đó cùng hợp tác chia sẻ lợi ích, nuôi dưỡng nguồn cầu.

“Doanh nghiệp cần xác định rõ từng bước của quá trình phục hồi, nỗ lực hết sức trước khi điều chỉnh mục tiêu. Hãy bình tĩnh đánh giá để lựa chọn tốc độhồi phục cho phù hợp dựa trên những lợi thế, thế mạnh của doanh nghiệp. Cộng hưởng sức mạnh vi mô và sự đoàn kết trong mỗi DN cũng là những yếu tố đặc biệt quan trọng” – TS Minh đưa ra lời khuyên.

Thúy Anh