Mặc dù Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo Bộ GD&ĐT tạo phối hợp cùng Bộ LĐ-TB&XH tạo cơ chế chính sách thông thoáng, thuận lợi cho học sinh học nghề Chương trình 9+ nhằm thực hiện nhanh chính sách phân luồng học sinh học nghề đồng thời từng bước thực hiện chủ trương tri thức hóa, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam của Đảng và Nhà nước ta. Đáng tiếc là các chủ trương, chính sách tốt đẹp này chưa đi vào cuộc sống được, mà nguyên nhân do cản trở từ Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Chương trình đào tạo 9 + hiện thực hóa chủ trương tri thức hóa công nhân lao động của Đảng, Nhà nước ta
Quan tâm bồi dưỡng, phát triển, tri thức hóa đội ngũ công nhân là một trong những quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta kể từ khi thành lập nước, đặc biệt từ khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngay từ năm 1991, trong bài nói chuyện tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã nhấn mạnh, muốn xây dựng giai cấp công nhân (GCCN) vững mạnh “Phải coi trọng việc trí thức hóa đội ngũ công nhân. Trong khung cảnh thế giới đã bước vào thời kỳ mới, việc trí thức hóa giai cấp công nhân là một đòi hỏi khách quan. Phải đầu tư chiều sâu, tạo ra đội ngũ công nhân vững mạnh cả về lý thuyết lẫn tay nghề, nắm vững công nghệ hiện đại”.
Năm 1996 tại Đại hội VIII, Đảng ta đã chỉ ra “cần phải xây dựng GCCN lớn mạnh về mọi mặt, phát triển về số lượng, giác ngộ về giai cấp, nâng cao trình độ học vấn và tay nghề, có năng lực ứng dụng và sáng tạo công nghệ mới, có tác phong công nghiệp và ý thức tổ chức kỷ luật, lao động đạt năng suất chất lượng và hiệu quả ngày càng cao”…
Năm 1998 thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Tổng cục Dạy nghề (nay là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH quản lý, khởi đầu lại sự nghiệp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nói chung và lực lượng công nhân lao động nói riêng.
Năm 2001, chủ trương trí thức hóa công nhân tiếp tục được đặt ra tại Đại hội IX của Đảng. Đây cũng là lần đầu tiên khái niệm kinh tế tri thức được đề cập: “Thế kỷ XXI sẽ tiếp tục có nhiều bước biến đổi. Khoa học và công nghệ sẽ có bước nhảy vọt. Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất”. Vì vậy, con đường CNH, HĐH ở Việt Nam cần và có thể “rút ngắn” đồng thời với “từng bước phát triển kinh tế tri thức”. Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH cùng với phát triển kinh tế tri thức phải: “Coi trọng phát triển về số lượng lẫn chất lượng, nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn và nghề nghiệp, thực hiện “trí thức hóa công nhân”.
Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XI tiếp tục được xác định: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế…”
Nhắc lại các nội dung trên để thấy quan điểm, chủ trương trí thức hóa, “nâng cao trình độ học vấn” cho công nhân lao động của Đảng, Nhà nước ta đã có từ rất sớm và cùng với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp với 3 cấp trình độ đào tạo: Sơ cấp, trung cấp, cao đẳng ra đời là nhằm hiện thực hóa các chủ trương nói trên.
Đặc biệt mô hình 9+ trong giáo dục nghề nghiệp, mô hình đào tạo học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) vào học nghề và vừa học văn hóa chương trình trung học phổ thông hệ GDTX, sau 3 năm học sinh hệ 9+ vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng nghề. Học sinh có thể tham gia thị trường lao động sớm hoặc có thể liên thông lên cao đẳng, hoặc có thể thi vào đại học nếu có nhu cầu, đang là mô hình đào tạo nhân văn hữu hiệu nhất trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phân luồng và “tri thức hóa công nhân lao động” của Đảng Nhà nước ta.
Vì vậy nếu tạo dựng được hệ sinh thái thông thoáng cho học sinh Chương trình 9+, chắc chắn đây không chỉ là giải pháp phân luồng học sinh đi học nghề tốt nhất mà còn là giải pháp nâng tỷ lệ lao động trực tiếp được đào tạo có bằng cấp đạt mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra. Tuy nhiên những chủ trương đúng, chỉ đạo trúng của Đảng, Chính phủ nêu trên đang bị vô hiệu hóa bởi những “chiêu” cố tình cản trở của Bộ GD&ĐT.
7 năm không ban hành nổi một thông tư, Bộ GD&ĐT cản trở đến bao giờ ?
Xây dựng hệ sinh thái thông thoáng cho học sinh theo học Chương trình 9 + bao gồm nhiều yếu tố có tính “trọn gói” thông suốt, đảm bảo quyền được học, được thi cử, bằng cấp và việc làm của người học một cách thuận lợi nhất, giúp người học có nhiều cơ hội thuận lợi để đạt được mục tiêu học tập, phát triển của bản thân. Trong đó bao gồm hệ thống cơ chế chính sách từ khâu tuyển sinh đầu vào đến chương trình đào tạo, môi trường học tập, giáo dục phát triển thể chất, chuyển đổi và công nhận môn học; liên thông và công nhận bằng cấp; việc làm, tiền lương và cơ hội thăng tiến bình đẳng…
Đặc biệt là cơ chế hợp tác có tính nguyên tắc vì mục tiêu chung của các cơ quan liên quan trong đó có sự phối hợp, hợp tác giữa Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH. Để có hệ sinh thái thông thoáng hoàn thiện cho hệ 9+, chắc chắn còn nhiều việc các cơ quan quản lý liên quan phải làm. Tuy nhiên trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập tới sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH trong việc thực hiện các chỉ thị nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tạo điều kiện thông thoáng, linh hoạt cho học sinh chương trình 9+ trong GDNN.
TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH:
Phải đặt lợi ích của người học, nhu cầu của người học lên trên hết
“Để thực hiện tốt nhiệm vụ phân luồng và liên thông, câu hỏi quan trọng nhất đặt ra là nhu cầu người học là gì, nhu cầu người dân là gì để chúng ta kiến tạo, xây dựng chính sách. Lợi ích của người học là mục tiêu cao nhất của mọi chính sách chứ không phải của anh hay của tôi mà phải là của chúng ta”.
Có thể nói, chưa bao giờ lĩnh vực GDNN, đào tạo nâng cao trình độ văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động lại được Đảng, Chính phủ quan tâm với nhiều chỉ thị, nghị quyết rốt ráo như hiện nay. Ngoài các mục tiêu tri thức hóa công nhân qua các kỳ Đại hội Đảng đề ra như đã nêu ở trên. Những năm gần đây có thể liệt kế ra một số chỉ thị quan trọng sau: Chỉ thị số 10/CT-TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phân luồng học sinh và QĐ 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030.
Tinh thần chung của các chỉ thị trên là Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT: “….tạo điều kiện cho các loại hình cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia giảng dạy nghề nghiệp và tham gia giảng dạy văn hóa giáo dục phổ thông”, đồng thời cũng giao nhiệm vụ cho Bộ LĐTB&XH: “ …tạo điều kiện cho người học vừa được học nghề vừa có cơ hội học tập liên thông nâng cao trình độ.” Chỉ thỉ số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng qui định rõ nhiệm vụ của Bộ giáo dục và Đào tạo như sau:
- a) Chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và có cơ chế đánh giá, giám sát việc thực hiện các hoạt động này tại các địa phương;
- b) Ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quý III năm 2020;
- c) Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người học giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu liên thông lên giáo dục đại học.”
Gần đây nhất, Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động Thủ tướng tiếp tục giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT: “Chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo ngành giáo dục các cấp hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa giáo dục phổ thông ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân lao động.” (điểm a, mục 3 của Chỉ thị).
Như vậy chủ trương của Đảng, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ rõ ràng là vậy, tuy nhiên điều đáng buồn là đến nay, chủ trương, chỉ thị nói trên của Chính phủ vẫn không được Bộ GD&ĐT chấp hành một cách nghiêm túc.
Nghị quyết 29 -NQ/TW xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng “mở” thì Bộ GD&ĐT lại “đóng”, Nghị quyết yêu cầu “thông thoáng, liên thông” thì Bộ GD&ĐT lại “chặn” bóp nghẹt quyền được học tập, phát triển và thăng tiến của người lao động trong nền giáo dục mở và hội nhập.
Bằng chứng là trong dự thảo thông tư qui định khối kiến thức THPT giảng dạy trong các cơ sở GDNN mà Bộ GD&ĐT đưa ra xin ý kiến rộng rãi mới đây, Bộ GD&ĐT không những không tạo điều kiện cho các trường nghề đủ điều kiện được dạy văn hóa THPT mà còn qui định học sinh học nghề chỉ được phép liên thông trong khối giáo dục nghề nghiệp. Nếu muốn liên thông lên đại học, học sinh trường nghề phải học đủ khối lượng kiến hức phổ thông trung học theo qui định của Bộ GD&ĐT, nhưng thế nào là đủ khối lượng kiến thức THPT thì đến nay Bộ GD&ĐT vẫn không có qui định cụ thể. Đồng thời dự thảo còn đưa ra nhiều qui định lắt léo gây khó cho học sinh học nghề.
Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu phải khẩn trương, thì Bộ giáo dục lại cố tình chậm trễ kéo dài. Bằng chứng là tại Chỉ thỉ số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020, Thủ tướng giao, chậm nhất trong Qúi III năm 2020 Bộ GD&ĐT phải ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên đến nay đã hết Quí III năm 2021, tức là tròn 1 năm, Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành được văn bản này.
Tại khoản 4, Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 qui định: “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng.” Như vậy nếu tính từ năm 2015 thời điểm Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thì đến nay sau 7 năm Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành được thông tư hướng dẫn khối lượng kiến thức văn hóa THPT đối với học sinh học nghề trình độ cao đẳng.
TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH phát biểu trong nhiều hội thảo đều cho rằng, “quan trọng nhất, nhu cầu người học là gì, nhu cầu người dân là gì để chúng ta kiến tạo, xây dựng chính sách. Lợi ích của người học là mục tiêu cao nhất của mọi chính sách chứ không phải của anh, của tôi. Phải là của chúng ta ”.
PGS.TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, người từng 12 lần dẫn đoàn thí sinh Việt Nam dự thi các kỳ thi kỹ năng nghề thế giới và khu vực cho rằng, sứ mệnh và nhiệm vụ quan trọng nhất của các cơ quan quản lý, đó là lắng nghe và đáp ứng các yêu cầu nguyện vọng của học sinh. Tạo cơ hội cho các em học tập suốt đời để phát triển, thăng tiến. Đó chính là thúc đẩy xã hội phát triển. Và đó mới là mục tiêu giá trị nhất của giáo dục đào tạo.
Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Chính phủ kiến tạo, xây dựng hệ thống pháp luật, siết chặt kỷ luật cán bộ, tạo điều kiện để đất nước phát triển. Tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dù bắt tay vào công việc chưa lâu đang căng mình chống dịch, chỉ đạo phục hồi kinh tế và cũng đang nỗ lực cùng các thành viên kiến tạo một chính phủ liêm chính, hành động, kỷ cương, trách nhiệm và kỷ luật. Như ông thường nói “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao đúng người, đúng việc gắn với trách nhiệm cá nhân”. Có lẽ đã đến lúc Bộ GD&ĐT không thể không nghiêm túc nhìn lại trách nhiệm của mình với hàng chục nghìn học sinh Chương trình 9+.
TS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa:
Mong muốn lớn nhất của phụ huynh có con em theo học hệ 9+ là khi tốt nghiệp có 2 bằng
“Trường cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa chúng tôi có lịch sử dạy hệ trung cấp nghề và dạy văn hóa THPT cho các em từ năm 1998, đến nay là 23 năm. Rất ổn định, tỷ lệ các em tốt nghiệp THPT hàng năm đạt trên 91%. Sở GD-ĐT Thanh Hóa có kiểm tra, thanh tra định kỳ, đánh giá chất lượng rất tốt. Các em ra trường vừa có bằng trung cấp nghề, vừa có bằng tốt nghiệp THPT. Mọi thứ đang ổn định thì từ khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, mọi thứ bị đảo lộn, phá vỡ hết sự ổn định đang tốt, đang hiệu quả của chúng tôi. Trường đang có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên dạy văn hóa trung học phổ thông lâu năm, có kinh nghiệm được Sở GD&ĐT bồi dưỡng, tập huấn hàng năm, thì bây giờ theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trường không được tổ chức dạy văn hóa THPT nữa.
Mong mỏi lớn nhất của phụ huynh có con em theo học tại các cơ sở GDNN hệ 9+ là khi tốt nghiệp các em có 2 bằng để tham gia vào thị trường lao động, đó là bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp nghề, tạo tiền đề sau này có thể trở lại học liên thông ở trình độ cao hơn. Thông qua Tổng cục GDNN và thông qua báo chí, truyền thông đại chúng, các cơ sở GDNN chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép các cơ sở GDNN đủ điều kiện được giảng dạy 7 môn văn hoá theo quy định để học sinh được tham gia kỳ thi trung học phổ thông. Nhưng không hiểu sao Bộ GD&ĐT cứ cố tình gây khó khăn, hướng dẫn mỗi lúc một kiểu rồi lại viện dẫn là căn cứ Luật Giáo dục năm 2019 (Luật này do Bộ GD&ĐT soạn thảo) để không cho các cơ sở GDNN giảng dạy văn hóa THPT cho hệ 9+ mà bắt buộc phải phụ thuộc vào các TTGDTX.
Nhưng thực tế năng lực của các trung tâm GDTX hiện nay như thế nào, Bộ GD&ĐT đã có khảo sát đánh giá cụ thể chưa? Chủ trương của Đảng và Chính phủ là phải thực hiện tốt công tác phân luồng đối với học sinh THCS và THPT được thể hiện tại nhiều văn bản, nghị quyết. Tuy nhiên thực tế lại không đạt được như vậy? Lỗi tại ai?
Đó là, khi các tỉnh thực hiện công tác phân luồng, thay cho việc học sinh vào học tại các cơ sở GDNN, thì phần lớn học sinh tốt nghiệp THCS phải vào các TT GDNN-GDTX để học văn hoá, một số TT liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp để dạy nghề nhưng chất lượng không đạt, nhiều học sinh không muốn học nghề do Trung tâm liên kết nhưng TT lại ép các em theo học dẫn đến các em bỏ học giữa chừng.
Hơn nữa, đội ngũ biên chế của các trung tâm quá mỏng, chủ yếu là quản lý và một số dạy văn hoá. Khu giảng đường được thiết kế theo kiểu dạy văn hoá, nhà xưởng tận dụng, không đạt chuẩn, thiếu trang thiết bị…
Với những lý do trên nếu tiếp tục thực hiện phân luồng tại các trung tâm thì quá lãng phí về nguồn lực, lãng phí về thời gian, tiền bạc, cơ sở vật chất…
Chúng tôi mong Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện thí điểm sáp nhập các trung tâm GDNN, GDTX.. vào các trường cao đẳng, trung cấp để thực hiện tốt hơn công tác phân luồng, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho người học.
Minh Hà – Xuân Phương