Tại TP Hồ Chí Minh, từ cuối năm 2022, mục tiêu phát triển một triệu căn hộ giá rẻ trong những năm tới để công nhân, người lao động mua hoặc thuê nhằm thay thế cho số phòng trọ tự phát lụp xụp cũng đã được đưa ra. Nhưng với giá bán căn hộ, nhà ở xã hội (NƠXH) đã ở mức 25-30 triệu đồng/m2, điều kiện mua NƠXH (đối tượng không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên) đang là rào cản với người có nhu cầu. Còn với những hộ nghèo và cận nghèo, thu nhập sẽ không đủ để trả tiền mua NƠXH hàng tháng sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt.
Dành 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội
Cập nhật thông tin mới nhất, Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18/5/2023, trong giai đoạn 2021-2025, cả nước đã hoàn thành hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.
Cụ thể, Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân Khu công nghiệp (KCN) hoàn thành đầu tư xây dựng 7 dự án với quy mô xây dựng khoảng 5.314 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô xây dựng khoảng 127.272 căn hộ.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị: hoàn thành việc đầu tư xây dựng 34 dự án, quy mô xây dựng khoảng 14.202 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 201 dự án, quy mô xây dựng khoảng 161.227 căn hộ.
Trong năm 2022, TPHCM tổ chức khởi công, động thổ 4 dự án nhà ở xã hội (NOXH), tạo sự hứng khởi lớn cho thị trường. Đó là dự án NOXH thuộc khu dân cư Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh) do Công ty cổ phần Bất động sản Nguyên Sơn làm chủ đầu tư; NOXH thuộc khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7) do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Xuân Mai Sài Gòn làm chủ đầu tư; NOXH thuộc khu nhà ở tại phường Phú Hữu (TP Thủ Đức) do Công ty cổ phần Bất động sản Dragon Village làm chủ đầu tư. Tuy nhiên đến nay, theo khảo sát thực tế, các dự án vẫn im lìm và ngổn ngang vật liệu.
Được biết, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã siết chặt hơn việc dành 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để có thêm quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, buộc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại quy mô từ 2 ha trở lên (trước đây là từ 10 ha trở lên) phải dành 20% diện tích ngay trong dự án để làm nhà ở xã hội. Đồng thời, bỏ quy định chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất thay thế nếu không dành 20% quỹ đất.
Quy định này được đưa ra nhằm tránh tình trạng chủ đầu tư “né” việc xây nhà ở xã hội trong 20% quỹ đất tại dự án bằng cách nộp tiền thay thế. Tuy nhiên theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, điều này là thiếu khả thi, bởi từ khi việc điều tiết quỹ đất làm nhà ở xã hội được quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP và sau đó là Nghị định 49/2021/NĐ-CP, đến nay, tất cả dự án tại khu vực trung tâm Thành phố đều không thực hiện, nếu có làm thì đối tượng mua nhà ở xã hội – vốn là những người có thu nhập trung bình và thấp, cũng khó có thể mua nổi vì giá bán sẽ rất cao.
Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN”
Trong nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Có thể nói, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp, đã giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở ổn định, an toàn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục, liên quan đến các vấn đề: quy hoạch bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; trách nhiệm của Nhà nước trong việc bố trí nguồn vốn ưu đãi cho vay để phát triển nhà ở xã hội; sự quan tâm của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp…
Từ những khó khăn vướng mắc nêu trên, Bộ Xây dựng đã trình và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Đề án đã đề ra mục tiêu và giải pháp đồng bộ để các bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp triển khai. Đặc biệt, đề án cũng nêu rõ sáu quan điểm đối với công tác này là:
Thứ nhất, phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp nhằm cải thiện thứ bậc của Việt Nam về nhà ở trong bảng xếp hạng của quốc tế.
Thứ hai, có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh, xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp.
Thứ ba, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp theo cơ chế thị trường. Đồng thời, có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, “không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.
Thứ tư, phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương phải được lồng ghép vào quy hoạch đô thị, quy hoạch công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Thứ năm, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà công nhân là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm; trong đó cấp ủy, chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà công nhân.
Thứ sáu, huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế bất động sản lớn; có cơ chế, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội”.
Quang Trung