Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực edtech đang dịch chuyển gần đến mô hình O2O (online to offline – trực tuyến kết hợp truyền thống) để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng.
Đầu tư mạnh cho các mô hình O2O
Đầu tháng 3 vừa qua, Do Ventures và các nhà đầu tư khác công bố khoản đầu tư trị giá 3 triệu USD vào Manabie. Đây là một công ty edtech phục vụ đối tượng học sinh cấp 3, đang vận hành 5 chi nhánh tại TP.HCM và ứng dụng di động cùng tên.
Trao đổi với báo giới, ông Takuya Homma, nhà sáng lập Manabie cho biết, giáo dục là lĩnh vực đầu tư rất hấp dẫn ở Việt Nam vì còn nhiều dư địa phát triển. Đặc biệt, các phụ huynh tại Việt Nam rất hào phóng chi cho giáo dục, khi thường đầu tư đến 20% ngân sách gia đình vào việc học tập của con cái.
Trước đó không lâu, đầu năm 2021, ứng dụng dạy tiếng Anh Elsa cũng công bố gọi vốn thành công vòng B trị giá 15 triệu USD.
Dù phục vụ các tệp khách hàng khác nhau, nhưng có thể thấy, các công ty edtech đang hoạt động tại Việt Nam thường có hai điểm chung.
Thứ nhất, phần lớn các doanh nghiệp edtech nhận được đầu tư gần đây đều tập trung phục vụ nhóm K-12, gồm sinh viên và người đi làm. Đây là nhóm sôi động nhất thị trường với rất nhiều nhu cầu và nút thắt cần tháo gỡ. Các edtech phục vụ nhóm này với sản phẩm tốt sẽ có cơ hội được đầu tư, mua lại cao hơn doanh nghiệp trong các phân khúc còn lại.
Thứ hai, sau khi gọi vốn, các công ty này đều hướng đến mô hình O2O.
Đơn cử, Manabie kết hợp học trên ứng dụng và tại các trung tâm có gia sư. Nếu tìm hiểu thị trường, có thể nhận thấy, Manabie không phải đơn vị đầu tiên đi theo mô hình này. Trước đó, Yol sau khi nhận đầu tư từ Mekong Capital và Kaizen cũng đã đầu tư mạnh vào các mô hình học trực tuyến và O2O.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thuần online như Elsa thì hướng đến việc hợp tác với các chuỗi dạy học chưa đầu tư mạnh về công nghệ. Ứng dụng này đang hợp tác với các trung tâm giảng dạy tiếng Anh như Petunia English, Speak Up…
Một trường hợp khác là DVE – đơn vị khá thành công với giải pháp học tiếng Anh Kynaforkids trên ứng dụng di động và website cùng tên, được Financial Times và
International Finance Corporation vinh danh giải pháp sáng tạo trong ngành giáo dục và mô hình kinh doanh bền vững năm 2019. Bà Hồ Hồng Bảo Trâm, đồng sáng lập DVE cho biết, Công ty đang tìm kiếm đơn vị hợp tác sở hữu mô hình đào tạo truyền thống.
Kỳ vọng
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures cho biết, giáo dục trực tuyến ở Việt Nam là một trong những lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài
rất quan tâm, nhất là khi Covid-19 khiến nhu cầu học trực tuyến tăng vọt trong thời gian qua. Ken Research dự báo, thị tường edtech của Việt Nam có thể đạt giá trị khoảng 3 tỷ USD vào năm 2023.
Tuy nhiên, cũng chính vì Covid-19, việc đi lại giữa các quốc gia bị giới hạn, khiến nhà đầu tư nước ngoài không thể gặp trực tiếp các start-up, ảnh hưởng đáng kể tới việc ra quyết định đầu tư đối với các khoản có giá trị lớn.
Theo phân tích của các chuyên gia, do luật pháp Việt Nam hiện chưa công nhận bằng cấp từ học trực tuyến, việc cấp bằng vẫn phải qua các kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Chính vì thế, các mô hình edtech dù có công nghệ hiện đại đến mấy cũng phải giải quyết “bài toán” offline, tức có nơi tương tác, có giáo viên giảng dạy nhằm giúp học viên hoàn thành các kỳ thi quan trọng.
Các doanh nghiệp edtech có xu hướng mở mạng lưới phòng học ở các thành phố lớn và đầu tư vào nền tảng trực tuyến để thu hút các học viên ở xa, phục vụ nhu cầu học tập ở các vùng xa.
Ông Phạm Giang Linh, Tổng giám đốc Hệ thống giáo dục trực tuyến Học Mãi (hocmai.vn) chia sẻ, Covid-19 xuất hiện đã tạo điều kiện cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong giáo dục không có nghĩa là chuyển tất cả từ học offline sang online, mà hai loại hình này vẫn tồn tại, bổ trợ rất tốt cho nhau để giúp người học dễ dàng, thuận tiện tiếp thu kiến thức.
“Chúng tôi tin rằng, việc đầu tư và phát triển các mô hình kết hợp sẽ diễn ra mạnh mẽ trong 3 năm tới tại Việt Nam, đặc biệt là mảng giáo dục trong các doanh nghiệp và ngoài nhà trường”, ông Linh nhận định.
Trên thực tế, trước khi được Galaxy đầu tư, Học Mãi cung cấp đầy đủ các khóa học theo các môn học trong chương trình giáo dục hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học sinh THCS và THPT; cung cấp các chương trình ôn, luyện thi chuyển cấp, các khóa học bổ trợ và kỹ năng chuyên sâu.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018) hướng tới mục tiêu phát triển các nhóm năng lực cho học sinh, Học Mãi đã nghiên cứu để xây dựng các chương trình học online theo định hướng phát triển năng lực như chú trọng nội dung, hình ảnh, âm thanh với kịch bản học tập giúp học sinh có trải nghiệm học tập hoàn toàn khác biệt với các khóa học trực tuyến từ trước tới nay.
Dự kiến, tháng 6/2021, Học Mãi sẽ ra mắt các khóa học online hoàn toàn mới theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 dành cho học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang đầu tư phát triển các chương trình tiếng Anh giao tiếp trực tuyến với giáo viên bản ngữ và các chương trình tiếng Anh học thuật dành cho học sinh THCS và THPT.
Có thể thấy, các edtech ở trong nước vẫn liên tục tìm kiếm mô hình phù hợp để đáp ứng nhu cầu học tập và đầu tư cho giáo dục của người Việt. Cuộc tìm kiếm này cho đến nay vẫn chưa dừng lại.
Xu hướng này cũng đang diễn ra ở Trung Quốc, quốc gia chiếm hơn 50% tổng đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực edtech. Các công ty edtech Trung Quốc đang hướng sang mô hình live-class, vốn được kỳ vọng sẽ đem lại trải nghiệm học tập mới, tạo hứng khởi để khắc phục phần nào ý thức tự giác thấp của người học.
Có 4 mảng lớn trong lĩnh vực edtech là nội dung (bài học ghi hình trước dưới dạng video hoặc ngân hàng đề thi), live-class (lớp học trực tuyến với giáo viên, có thể theo hình thức 1 – 1 hoặc theo nhóm), O2O (mô hình online kết hợp offline), B2B (giải pháp quản lý quy trình cho các trường học hoặc cơ sở giáo dục). Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures, giai đoạn đầu, các edtech tại Việt Nam chủ yếu tập trung ở mảng nội dung và đang dịch chuyển sang hướng live-class. |
Theo baodautu.vn