25/05/2023 9:39:36

Việt Nam – Ấn Độ: “Thời điểm vàng” hợp tác, xúc tiến giao thương doanh nghiệp 2 nước

Mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra sự kiện Kết nối B2B giữa phái đoàn doanh nghiệp PHD với các thành viên VIENC và các doanh nghiệp Việt Nam khác nhằm xúc tiến hoạt động thương mại giữa 2 quốc gia Việt Nam – Ấn Độ.

Chương trình do CLB Kết nối Doanh Nhân Việt Nam và Quốc Tế (VIENC) phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức, là sự kiện kết nối doanh nghiệp từ Phòng Thương mại Công nghiệp PHD bao gồm trong các lĩnh vực: IT, Logistics, Xây dựng, Healthcare, Hải sản, Nông sản…

Tham dự sự kiện có Ông Madan Mohan Sethi – Tổng lãnh sự quán Ấn Độ, ông Ranjeet Mehta – Phó Tổng thư ký Phòng thương mại Công nghiệp PHD, ông Đinh Vĩnh Cường – Chủ tịch CLB VIENC, bà Đoàn Thị Ngọc Vân – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Diễm Quỳnh – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An…cùng đại diện các doanh nghiệp đến từ Ấn Độ và Việt Nam trong các lĩnh vực Logistics, IT, vật liệu xây dựng, sản xuất thiết bị điện, chế biến nông thủy sản…

Tại sự kiện, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ, đại diện Phòng thương mại và Công nghiệp PHD và ông Đinh Vĩnh Cường đã có phần giới thiệu và trình bày về các cơ hội đầu tư, xúc tiến thương mại giữa hai quốc gia Việt Nam – Ấn Độ.

Bà Đoàn Thị Ngọc Vân – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cũng đã có phần giới thiệu về những điều kiện thuận lợi đến các doanh nghiệp khi đầu tư tại tỉnh Đồng Nai: “Trong 35 năm thu hút đầu tư, tỉnh Đồng Nai luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam. Trải qua thời kỳ khó khăn do đại dịch Covid – 19, đến nay nhiều doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, khẳng định vị thế trên thị trường. Điều này cho thấy kết quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian qua đều có sự tham gia và đóng góp của doanh nghiệp FDI”.

Tính đến ngày 20/5/2023, Đồng Nai đã có 32 Khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động và thu hút đầu tư từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số dự án là 1.581 dự án FDI có tổng vốn đầu tư đăng ký là 33,75 tỷ USD, sử dụng hơn 600.00 lao động. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, tỉnh Đồng Nai thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 568,7 triệu USD (tăng hơn 2 lần về vốn bổ sung so với cùng kỳ năm 2022).

Bà Đoàn Thị Ngọc Vân – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai giới thiệu về những điều kiện thuận lợi đến các doanh nghiệp khi đầu tư tại tỉnh Đồng Nai.

Đối với tình hình xuất nhập khẩu giữa tỉnh Đồng Nai và Ấn Độ, trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào thị trường Ấn Độ đạt khoảng 816 triệu USD (chiếm 1,9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh). Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 12.311 triệu USD (chiếm khoảng 5,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước). Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Ấn Độ gồm: chất dẻo nguyên liệu, vải mành, vải kỹ thuật khác, máy móc thiết bị, dụng cụ khác, xơ, sợi dệt các loại…Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Đồng Nai và thị trường Ấn Độ đang có chiều hướng xuất siêu.

Cũng theo bà Vân, trong thời gian tới để đón nhận nguồn vốn FDI chất lượng đầu tư vào tỉnh Đồng Nai, thu hút được các dự án “Công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…”, tỉnh Đồng Nai xác định ưu tiên việc giảm thiểu quy trình, thời gian xử lý hồ sơ một cửa, đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh phiền hà, mất thời gian của doanh nghiệp, cá nhân.

Ngoài ra, Đồng Nai hiện có 39 KCN được quy hoạch với tổng diện tích 18.517ha, trong đó có 7 KCN chưa được thành lập, mở rộng giai đoạn 2 với tổng diện tích 8.633,20ha. Tỉnh hiện đang kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước quan tâm đầu tư, triển khai để có quỹ đất tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp. Bên cạnh đó, nhiều công trình giao thông trọng điểm liên kết vùng cũng đã được tỉnh quan tâm thực hiện, trong đó có dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đầu tư đúng tiến độ sẽ đưa Đồng Nai có đủ 5 phương thức giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không). Trước mắt, đã hoàn thiện và đi vào hoạt động tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết tăng cường kết nối hơn nữa 2 tỉnh Đồng Nai – Bình Thuận…

Bà Nguyễn Thị Diễm Quỳnh – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cũng đã nêu những thế mạnh, định hướng phát triển và thu hút đầu tư của Long An.

Cũng tại sự kiện, đại diện tỉnh Long An, bà Nguyễn Thị Diễm Quỳnh – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An đã nêu những thế mạnh, định hướng phát triển và thu hút đầu tư của Long An, mà ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, tự động hóa, sản xuất linh kiện – thiết bị điện tử và phần mềm, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, phát triển đô thị dịch vụ chất lượng cao, kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp sinh thái, thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng tái tạo… Long An đặt mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản thu hút các ngành công nghiệp xanh, sạch và công nghệ cao phát triển song song với việc thúc đẩy nền kinh tế số.

Trong định hướng phát triển, Long An sẽ tận dụng vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh, có cảng quốc tế, có cửa khẩu quốc tế để hiện thực hóa trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển khá ở khu vực phía Nam và hình thành một trung tâm chế biến, phân phối nông sản công nghệ cao lớn nhất của vùng trong 10 năm tới. Ngoài ra, nguồn lao động cũng là một lợi thế cạnh tranh của Long An, sở hữu hơn 900 ngàn người trong độ tuổi lao động, dự kiến sẽ đạt 1 triệu lao động vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 8,46%, riêng quý 1/2023 đạt 3,82%.

Bà Nguyễn Thị Diễm Quỳnh cho biết, Long An đã tiếp nhận gần 1.200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 10,3 tỷ USD. Trong đó, có 6 dự án của nhà đầu tư Ấn Độ với tổng vốn đăng ký khoảng 78 triệu USD, chủ yếu ở các lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông sản, thức ăn gia súc, may mặc…

“Long An cũng xác định mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021 – 2030 tốc độ tăng trưởng khoảng 9,0%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, trong đó khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm trên 60%, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2022” – Bà Quỳnh nói thêm.

Có thể nói, việc gặp gỡ trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam – Ấn Độ lần này là một hoạt động thiết thực để doanh nghiệp hai bên có thể giới thiệu, trao đổi thông tin và tìm kiếm bạn hàng, xúc tiến thương mại, đầu tư một cách hiệu quả, trên cơ sở đó có thể tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang Ấn Độ tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội và đối tác kinh doanh.

Được biết, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Ấn Độ đạt 15,05 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng cao nhất là cà phê, tiếp theo là sắt thép các loại, mặt hàng giày dép các loại. Giảm nhiều nhất là thức ăn gia súc và nguyên liệu, than đá. Nhập khẩu của Việt Nam tăng cao nhất là sắt thép, tiếp theo là lúa mì, ô tô nguyên chiếc, rau quả, máy móc thiết bị, công cụ, phụ tùng khác, kim loại; giảm nhiều nhất là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giấy,…

Các doanh nghiệp Ấn Độ tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Về địa bàn đầu tư, Ấn Độ hiện đang có dự án đầu tư tại 28 địa phương Việt Nam, dẫn đầu là Ninh Thuận với 4 dự án, tiếp theo là Phú Yên, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Long An,… Dự án lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam là Dự án Nhà máy đường Sơn Hòa tại Phú Yên với tổng vốn đăng ký 94,5 triệu USD; Dự án Nhà máy điện mặt trời INFRA 1 tại Ninh Thuận, tổng vốn đầu tư 71,9 triệu USD; Dự án Công ty TNHH TATA Coffee Việt Nam, tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư 67,5 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam có 6-9 dự án tại Ấn Độ, chủ yếu là bán buôn và bán lẻ, với tổng giá trị trên 6 triệu USD với tiềm năng lên tới 28,55 triệu USD.

Với thế mạnh về các ngành như công nghệ thông tin, dược phẩm, kỹ thuật và công nghiệp năng lượng, những ngành được tin tưởng và những ngành chính được ưu tiên đầu tư tại Việt Nam, Ấn Độ mong muốn hai bên sẽ có những trao đổi thực chất để cùng hợp tác và cùng có lợi.

Uyển Nhi