08/07/2021 11:55:37

Dạy chương trình GDTX cấp THPT tại cơ sở GDNN:

Vì sao Bộ GD&ĐT luôn cản trở và làm trái Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ?

Chủ trương tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đủ điều kiện được giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (THPT), tạo thuận lợi cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) học nghề kết hợp học văn hóa theo chương trình 9+, thực hiện tốt Chỉ thị  số 10 về phân luồng học sinh của Đảng, Chính phủ thời gian qua  đã nhận được sự ủng hộ đồng thuận tích cực của các bậc phụ huynh, học sinh, các Tập đoàn, doanh nghiệp và các Bộ, ngành. Tuy nhiên mọi Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung trên không những không được Bộ Giáo dục – Đào tạo nghiêm túc thực thi mà ngược lại còn bị Bộ này cố ý làm trái, gây khó khăn cho người học. Dưới đây là những minh chứng:

Cố tình kéo dài, gây khó cho học sinh học nghề và các cơ sở GDNN

Tại tại điều 5 Chỉ thỉ số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ qui định rõ nhiệm vụ của Bộ giáo dục và Đào tạo như sau:

  1. a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và có cơ chế đánh giá, giám sát việc thực hiện các hoạt động này tại các địa phương;
  2. b) Ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quý III năm 2020;
  3. c) Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người học giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu liên thông lên giáo dục đại học.”

Tuy nhiên sau hàng loạt công văn kiến nghị, trao đi đổi lại của các trường trung cấp, cao đẳng và của Bộ LĐ-TB&XH, sau hơn 1 năm chờ đợi,  ngày 15/5/2021 Bộ GD-ĐT mới đưa dự thảo lần 1 thông tư qui định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (THPT) giảng dạy  trong các cơ sở GDNN ra lấy ý kiến rộng rãi. Nhưng điều làm phụ huỳnh, học sinh và  giáo viên các cơ sở GDNN bất bình là sau hơn 1 năm chờ đợi, dự thảo thông tư này chẳng những không có gì mới, mà thậm chí có những qui định gây khó khăn hơn cho học sinh theo học GDNN.

Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ học văn hóa.Ảnh: TẤN THẠNH

Lại cũng sau nhiều lần kiến nghị nữa, ngày 22/6/2021, Bộ GD&ĐT mới có Công văn số 2570/BGDĐT-GDTX gửi các Sở GD&ĐT 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT trong trường trung cấp, cao đẳng. Tuy nhiên hướng dẫn này một lần nữa thể hiện sự cố tình làm trái các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn cho người học và các cơ sở GDNN. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao Bộ GD&ĐT lại cố tình gây khó cho người học và các cơ sở GDNN như vậy?

Sự “chống lại” và cố tình làm trái các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về GDNN phải chăng là sự coi thường phép nước, “trên bảo dưới không nghe” của một bộ phận cán bộ có trách nhiệm trước Đảng, trước dân của Bộ GD&ĐT ?

Ban hành văn bản hướng dẫn trái với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Không chỉ cố tình cản trở, gây khó, mà Bộ GD&ĐT còn ban hành văn bản hướng dẫn trái với chủ trương và các chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể, việc dạy chương trình GDTX cấp THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp tại các cơ sở GDNN (vừa học nghề, vừa học văn hóa THPT) đang là mô hình tốt thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phân luồng học sinh được đề ra tại Chỉ thị số 10/CT-TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị và QĐ 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định tại khoản 4 Điều 44 của Luật Giáo dục năm 2019, các cơ sở GDNN được quyền giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT cho người học nghề tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp nếu được cơ quan có thẩm quyền (Bộ GD&ĐT) cho phép.

Học viên Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương trong giờ học. Ảnh: TẤN THẠNH

Tuy nhiên, theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT (tại Công văn số 2857/BGDĐT-GDTX ngày 31/7/2020), học sinh vào học trình độ trung cấp muốn học thêm văn hóa THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT phải đến các trung tâm GDTX để học chương trình GDTX cấp THPT, chứ không được học tại các cơ sở GDNN như trước đây. Trước những bất cập này, Thủ tướng Chính phủ gần đây đã có nhiều chỉ đạo, để các cơ sở GDNN tiếp tục được giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT ngay tại cơ sở GDNN, cụ thể:

Ngày 8/4/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 76/TB-VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN. Tại Kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Đối với các cơ sở GDNN đã và đang tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông thì được tiếp tục thực hiện.”

– Tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT: “….tạo điều kiện cho các loại hình cơ sở giáo dục, cơ sở GDNN tham gia giảng dạy nghề nghiệp và tham gia giảng dạy văn hóa giáo dục phổ thông, đồng thời cũng giao nhiệm vụ cho Bộ LĐTB&XH: …tạo điều kiện cho người học vừa được học nghề vừa có cơ hội học tập liên thông nâng cao trình độ.” (điểm đ mục 1 và điểm đ mục 3 của Chỉ thị)

Gần đây nhất, Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, Thủ tướng tiếp tục giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT: Chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo ngành giáo dục các cấp hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở GDNN tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa giáo dục phổ thông ngay tại cơ sở GDNN, nhất là đối với con em công nhân lao động.” (điểm a, mục 3 của Chỉ thị).

Để nhắc nhở Bộ GD&ĐT thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngày 10/5/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 3064/VPCP-KGVX về việc thực hiện Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 76/TB-VPCP ngày 8/4/2021. Tại Công văn này, Văn phòng Chính phủ đã “đề nghị Bộ GD&ĐT thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại cuộc họp về việc cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cho các học viên Học viện Múa Việt Nam và giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN theo Thông báo kết luận số 76/TB-VPCP ngày 08 tháng 4 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ.

Học sinh Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM học các môn văn hóa do Trung tâm GDTX Q.Tân Phú (TP.HCM) dạy. ẢNH: V.Đ

Tuy nhiên phớt lờ các chỉ đạo và các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22/6/2021, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 2570/BGDĐT-GDTX gửi các Sở GD&ĐT 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT trong trường trung cấp, cao đẳng đi ngược lại với các chủ trương nêu trên của Thủ tướng Chính phủ. Tại điểm 2 trong Công văn 2570 nêu:

“2. Về nội dung được nêu trong Thông báo số 76: “Đối với các cơ sở GDNN đã và đang tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông thì được tiếp tục thực hiện”: Bộ GD&ĐT đã có công văn trao đổi với Bộ LĐ-TB&XH (qua Tổng cục GDNN) với quan điểm là các trường trung cấp, trường cao đẳng tiếp tục thực hiện giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT trên tinh thần kết hợp với trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX theo các quy định hiện hành; việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành Chương trình GDTX cấp THPT do trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX thực hiện”. Đây là hướng dẫn trái với quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 45: Học viên học hết chương trình trung học phổ thông quy định tại điểm d khoản 1 Điều 43 của Luật này đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT; trường hợp không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được người đứng đầu trung tâm giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.”

Trung tâm GDTX sẽ không bao gồm cả trung tâm GDNN-GDTX vì theo quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Giáo dục:

“2. Cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: a) Trung tâm giáo dục thường xuyên; b) Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; c) Trung tâm học tập cộng đồng; d) Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên.

Do vậy, trung tâm GDNN-GDTX là cơ sở GDTX nhưng không phải là cơ sở được cấp giấy chứng nhận theo hướng dẫn của Công văn 2570/BGDĐT-GDTX. Nên chăng, đề nghị, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp xem xét để yêu cầu Bộ GDĐT thu hồi Công văn số 2570 nêu trên.

Hướng dẫn này không chỉ đi ngược lại với chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mà điều quan trọng ở đây là tiếp tục gây khó khăn, bất cập cho người học và cơ sở GDNN; gây tốn kém, lãng phí cho xã hội và người dân. Tình trạng học viên Học viện Múa Việt Nam không được giảng dạy và học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT mà báo chí đã phản ánh gần đây là một hệ lụy của việc Bộ GD&ĐT chỉ đạo dừng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN và GDĐH.

Thực tế, việc các cơ sở GDNN phải phối hợp với TTGDTX để dạy chương trình GDTX cấp THPT cho học sinh theo học trình độ trung cấp đã gây ra rất nhiều khó khăn, cụ thể như:

Đối với một số nơi, cơ sở GDNN hoàn toàn không được dạy văn hóa thì gây lên sự lãng phí lớn về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành, trang thiết bị giảng dạy văn hoá đã đầu tư trong nhiều năm để giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT;

Hàng nghìn giáo viên dạy văn hóa của các cơ sở GDNN sẽ phải chuyển đổi công việc, hoặc cơ quan công tác, thậm chí là mất việc;

Ở nhiều nơi, các trung tâm GDTX vẫn giao lại toàn bộ việc giảng dạy văn hóa THPT cho các trường cao đẳng, trung cấp thực hiện do trung tâm không đủ điều kiện, nhất là về giáo viên để giảng dạy quy mô học sinh muốn vừa học văn hóa, vừa học nghề ngày càng tăng cao;

Học sinh mô hình 9+ tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: Văn Lý.

Học sinh được tính là học sinh của trung tâm GDTX nhưng thực chất là học sinh do các cơ sở GDNN tuyển sinh (khoảng trên 300 nghìn mỗi năm); trung tâm GDTX có học sinh nhưng không phải tuyển sinh, không phải quản lý, không phải lo cơ sở vật chất, thậm chí không phải tổ chức giảng dạy nhưng các cơ sở GDNN vẫn phải nộp chi phí cho các TTGDTX  theo qui định của các trung tâm thì các TTGDTX này mới xác nhận học bạ và kết quả học tập cho học sinh GDNN. Nhiều TTGDTX còn sách nhiễu, đòi hỏi chi phí cao hơn mức thu học phí qui định mới chịu phối hợp với các cơ sở GDNN.

Các cơ sở GDNN không còn quyền chủ động trong việc tổ chức đào tạo, sắp xếp thời gian, thời khoá biểu học hợp lý cho học viên giữa học văn hoá và học nghề, rất khó khăn trong công tác quản lý, tổ chức đào tạo chung của chương trình đào tạo nghề nghiệp;

Việc di chuyển nơi học giữa các cơ sở GDNN với các trung tâm GDTX ở một số nơi, đặc biệt là đối với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương miền núi, vùng cao, địa hình đồi núi dốc, không có phương tiện đi lại hoặc chưa đủ tuổi để được cấp giấy phép lái xe, hoàn cảnh kinh tế đã khó khăn… nay lại càng gặp nhiều khó khăn hơn; tâm lý chán nản và bỏ học đối với học viên là khá cao (từ 30-50%); Ngay cả tại một số thành phố, có nơi trong thành phố có 3 – 5, thậm chí là 7 trường trung cấp, cao đẳng nhưng chỉ có 01 TTGDTX nên đã nảy sinh bất cập, TTGDTX không đủ năng lực đáp ứng cho các cơ sở GDNN, trong khi một số cơ sở GDNN đủ năng lực, điều kiện dạy văn hóa THPT thì lại không được dạy, cứ phải phụ thuộc vào TTGDTX.

Việc phối hợp, liên kết với các trung tâm GDTX đã phát sinh hàng loạt các thủ tục rườm rà mang tính hình thức như hợp đồng quản lý giữa trung tâm với trường; hợp đồng giảng dạy giữa trung tâm với giáo viên của trường; hồ sơ chuyên môn, phê duyệt học bạ, thực hiện chế độ chính sách đối với người học, sinh hoạt chuyên môn…rất phức tạp.

Sự bất nhất, ngụy tạo trong phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT

Tại Công văn số 2570/BGDĐT-GDTX nêu trên, Bộ GDĐT có nêu: “Bộ GDĐT đã có công văn trao đổi với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) với quan điểm là các trường trung cấp, trường cao đẳng tiếp tục thực hiện giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT trên tinh thần kết hợp với trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX theo các quy định hiện hành; việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành Chương trình GDTX cấp THPT do trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX thực hiện.” Tuy nhiên, điều này chỉ đúng một phần, vì quan điểm các trường trung cấp, cao đẳng giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT trên tinh thần kết hợp với trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX không hề có trong văn bản gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Ngày 11/6/2021, Bộ GDĐT có Công văn số 2444/BGDĐT-GDTX V/v góp ý dự thảo Công văn hướng dẫn giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT và giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT trong trường trung cấp, cao đẳng gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Xin được trích lại nguyên văn điểm 2 của Công văn nêu trên như sau:

“2. Việc tổ chức giảng dạy Chương trình GDTX

– Tại khoản 3 Điều 45 của Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “3. Học viên học hết chương trình THPT quy định tại điểm d khoản 1 Điều 43 của Luật này đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT; trường hợp không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được người đứng đầu trung tâm GDTX cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giaso dục phổ thông”. Do đó, đối với các trường trung cấp, cao đẳng đang tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT thì tiếp tục thực hiện giảng dạy theo Thông báo số 76/TB-VPCP ngày 08/4/2021 của Văn phòng Chính phủ. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành Chương trình GDTX cấp THPT phải do trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX thực hiện.

Tại thời điểm hiện nay, quy định hiện hành, các trường trung cấp, cao đẳng không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoàn thành Chương trình GDTX cấp THPT. Vì vậy, nếu cho phép các trường trung cấp, cao đẳng được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT thì phải sửa Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục nghề nghiệp.”

Không biết Tổng cục GDNN có ý kiến gì không về vấn đề này nhưng qua nghiên cứu, đối chiếu văn bản, thấy rõ có sự bất nhất, ngụy tạo (có thể nói là không trung thực) của Bộ GD&ĐT  trong  phối hợp công tác với cơ quan bạn theo kiểu “trao đổi một đằng nhưng chỉ đạo, hướng dẫn một nẻo”. Đặc biệt nguy hiểm là sự ngụy tạo trong văn bản quản lý của một cơ quan quản lý cấp trung ương về giáo dục (vì cho rằng đây là vấn đề “đã trao đổi với Bộ LĐ-TB&XH” nhưng thực chất thì trong Công văn số 2570/BGDĐT-GDTX không có trao đổi này).

Gần 7 năm không ban hành nổi một thông tư hướng dẫn – Sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục

Theo quy định của Luật GDNN năm 2014, Luật Giáo dục năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho người học trong các cơ sở GDNN. Tuy nhiên đến nay đã là nửa cuối của năm 2021 Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành được Thông tư này;

Trước bất cập đó, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Thủ tướng chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT khẩn trương “Ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN trong quý III năm 2020”. Đến nay, Bộ GD&ĐT mới có Dự thảo về Thông tư này để lấy ý kiến trên website của Bộ và đưa ra nhiều lý do khác nhau lý giải cho sự chậm trễ (trước đây lý do là chưa có Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân[1], nay thì chưa có cơ sở khoa học do đang xây dựng chương trình GDPT mới).

Trong thực tế, năm 2017 Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn tạm thời áp dụng khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT nhưng chính Bộ GD&ĐT cũng đã hủy bỏ hiệu lực của Thông tư này vào ngày 9/2/2019[2]. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ sở GDNN và nhất là quyền và lợi ích hợp pháp của người học (liệu hàng trăm nghìn người học từ năm 2019 đến nay theo Thông tư 16  có còn được coi là hợp pháp ?).

Trước những bất cập, cản trở nêu trên, dư luận đặt câu hỏi: Không tuân thủ các qui định của luật (Luật GDNN, Luật Giáo dục), cũng không chấp hành các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như không tiếp thu những kiến nghị phản hồi từ nhu cầu thực tế của người học; Trên bảo dưới không nghe; Liệu Bộ GD&ĐTcó phải là cơ quan ‘siêu quyền lực”, thích thì làm, không thích thì “cứ vòng vo cản trở” mặc cho người học và các cơ sở GDNN cùng trong hệ thống giáo dục quốc dân gặp muôn vàn khó khăn ?

 Minh Hà  – Xuân Phương

[1] CV số 2691/BGDĐT-GDTX ngày 23/6/2017 V/v phối hợp hoạt động GDNN;

[2] Theo QĐ số 519/QĐ-BGDĐT ngày 24/2/2020 của Bộ GD&ĐT công bố danh mục hết hiệu lực;