Trong khi các nước nghèo hoặc đang phát triển gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vaccine thì ở các nước phát triển, có một số lượng lớn vaccine ngừa COVID-19 đang “đắp chiếu” hoặc phải tiêu hủy vì hết hạn do quá thừa thãi.
Theo CBC, hiện Canada dự trữ 3 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna. Nhiều tỉnh hiện yêu cầu chính phủ đợi cho đến khi địa phương sẵn sàng tiếp nhận thêm vaccine Covid-19.
Còn Đức gặp một vấn đề nan giải khác. Họ có quá nhiều vaccine và không biết phải dự trữ ở đâu, theo Der Spiegel. Theo Viện Robert Koch (RKI), trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Đức, tính đến ngày 25/7, 106 triệu liều đã được phân phối, nhưng mới chỉ sử dụng 90 triệu liều.
Tại Mỹ, tình trạng này diễn ra tại bang Alabama. Theo AP, bang này đã phải vứt bỏ đi 650.000 liều vaccine do hết hạn sử dụng. Hiện bang Alabama xếp cuối cùng trong danh sách tiêm chủng tại Mỹ, với 34% dân số chủng ngừa đầy đủ.
Điều tương tự cũng đã xảy ra ở một số quốc gia châu Phi. Theo Insider, WHO cho biết khoảng 1,25 triệu liều AstraZeneca tại 18 nước châu Phi sẽ hết hạn nếu không được sử dụng trước cuối tháng 8.
Giới chức quốc gia Đông Phi Malawi tuần trước tiêu hủy gần 20.000 liều AstraZeneca. Chúng là một phần của lô 102.000 liều do Liên minh châu Phi tài trợ vào cuối tháng 3, được đề hết hạn vào ngày 13/4, tức là Malawi có chưa đầy ba tuần để triển khai tiêm và họ đã sử dụng được khoảng 80% số đó. Tương tự, Nam Sudan cũng thải bỏ khoảng 59.000 liều AstraZeneca do Liên minh châu Phi cung cấp vào cuối tháng 3 sau khi chúng hết hạn vào tháng 4. Trong khi đó, Đan Mạch đang tìm cách chia sẻ vaccine AstraZeneca với các quốc gia khác sau khi nước này n
Còn tại Hong Kong (Trung Quốc), do nhiều yếu tố tác động nên người dân không mặn mà với việc tiêm chủng Covid-19, khiến đặc khu này đối mặt với nguy cơ phải vứt bỏ hàng triệu liều vaccine sắp hết hạn sử dụng.
Guardian đưa tin, một quan chức y tế Hong Kong cảnh báo, đặc khu này có thể sẽ sớm phải vứt bỏ hàng triệu liều vaccine Covid-19 vì không có đủ người đi tiêm chủng trước khi các chế phẩm này hết hạn.
Trong khi đó, mặc dù Ấn Độ đang có số ca mắc mới giảm mạnh nhưng giới lãnh đạo nước này vẫn rất lo vì thiếu vaccine. Theo các chuyên gia, chỉ 3% trong số 1,3 tỷ người của Ấn Độ đã được tiêm vaccine, tỷ lệ thấp nhất trong số 10 quốc gia có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất. Con số ít ỏi này khiến Ấn Độ có nguy cơ rơi vào làn sóng đại dịch thứ ba.
Viện Huyết thanh của Ấn Độ, nơi đang sản xuất vaccine AstraZeneca, và công ty nội địa Bharat Biotech đang cung cấp vaccine Covaxin, đều cho biết đang tăng cường sản xuất nhưng nguồn cung vẫn còn thiếu quá nhiều.
Trong lúc tuyệt vọng vì thiếu vaccine, một số bang ở Ấn Độ và thậm chí cả các thành phố lớn như Mumbai đã mở gói đấu thầu cung cấp trên toàn cầu, đồng thời kêu gọi các công ty như Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson cung cấp nguồn vaccine khẩn cấp.
Trước tình hình đó, Liên Hợp Quốc cho biết cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ các nước phân phối vaccine, gồm vận chuyển, chuỗi phân phối lạnh và giảm sự ngần ngại của người dân.
Theo Liên Hiệp Quốc, chương trình chia sẻ vaccine công bằng COVAX đến nay đã đưa được 186,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đến 138 quốc gia. Trong khi đó, mục tiêu của COVAX là phân phối 2 tỉ liều cho các nước có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2021.
Mỹ đến nay đã tài trợ 110 triệu liều vaccine cho hơn 60 quốc gia, trong đó phần lớn thông qua chương trình COVAX.
Vào cuối tháng 8-2021, Washington sẽ bắt đầu phân phối 500 triệu liều vaccine mà nước này mua thêm để tài trợ cho các nước thu nhập thấp.
Theo một cuộc kiểm đếm chung giữa Nikkei và Financial Times, tính đến ngày 15/7, tổng số vaccine đã sử dụng trên khắp thế giới là 3,5 tỷ liều. Để thế giới đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng sẽ cần thêm 7,2 tỷ liều nữa.
Trong trường hợp phải tiêm liều tăng cường để chống biến thể Delta, chúng ta sẽ cần 12,6 tỷ liều, gần gấp 4 lần so với số vaccine đã sử dụng hiện nay. Hiện có Anh và Israel đang chuẩn bị cho đợt tiêm mũi thứ 3.
PV (t/h)