17/09/2021 11:37:55

Trước 1/10 chốt giải pháp miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Sáng 16/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Giảm thu ngân sách khoảng 21 nghìn tỷ đồng

Theo tờ trình của Chính phủ có 4 nhóm giải pháp được đề xuất.

Cụ thể, Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020.

Tờ trình cũng nêu rõ không áp dụng tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, người nộp thuế chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2021.

Đề xuất này thực chất là việc kéo dài chính sách đã áp dụng của năm 2020 theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội. Song, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các Ủy ban, Chính phủ đề xuất bổ sung thêm điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 để đảm bảo đối tượng được giảm thuế thực sự bị khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo đề xuất này là khoảng 2.200 tỷ đồng.

Về giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Chính phủ đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế”.

Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 8.800 tỷ đồng

Về giảm thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Chính phủ đề nghị giảm thuế GTGT kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế, bao gồm: Vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); Dịch vụ lưu trú; Dịch vụ ăn uống; Hoạt động xuất bản (trừ xuất bản theo hình thức trực tuyến); Hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; Hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí.

Cụ thể, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh quy định tại khoản này. Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh quy định tại khoản  này. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh quy định tại khoản này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT.

Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 5.000 tỷ đồng.

Chính phủ còn đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020.

Không áp dụng quy định tại khoản này đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp”. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 5.300 tỷ đồng.

Tính chung việc thực hiện 4 giải pháp như nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng.

Tính chung các giải pháp đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp như đề xuất, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 140 nghìn tỷ đồng, trong đó: gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118 nghìn tỷ đồng; gói miễn giảm thuế, miễn tiền chậm nộp theo các nội dung đề xuất nêu trên là khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng.

Cần hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp

Băn khoăn về việc Chính phủ không đề xuất hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu con số được tính toán là chỉ cần hỗ trợ 2.400 tỷ đồng thì có thể huy động hơn 60.000 tỷ đồng cho nền kinh tế.

Lợi nhuận của khối ngân hàng vẫn rất cao, vậy hài hoà lợi ích lợi nhuận này với khó khăn của doanh nghiệp như khuyến cáo của Uỷ ban Kinh tế thực hiện thế nào, giảm lãi suất cho doanh nghiệp có khả thi hay không, ông Thanh nêu vấn đề.

Khẳng định lợi ích cuả việc hỗ trợ lãi suất là rất rõ, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đặt câu hỏi, Chính phủ nêu lý do không hỗ trợ lãi suất là vì từ tổng kết áp dụng các gói tương tự thấy không hiệu quả. Vậy nguyên nhân do chính sách chưa hiệu quả hay thực hiện không tốt, ví dụ như ngân sách không hỗ trợ bù lãi suất kịp thời nên các ngân hàng không mặn mà?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về gói hỗ trợ lãi suất, ông đã bàn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhưng Ngân hàng Nhà nước nói gói hỗ trợ lãi suất đã từng có năm 2009, khi triển khai kích cầu nhưng không hiệu quả, việc quản lý và thanh quyết toán khó, nên đề nghị không triển khai. Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang có chương trình giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, nên đề nghị không triển khai.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú giải trình, cho rằng hỗ trợ lãi suất rất cần được cân nhắc vì thực hiện rất khó khăn. Ông Tú cũng cho biết, gói hỗ trợ năm 2009 là hơn 16 ngàn tỷ, thực hiện 14 ngàn tỷ, nhưng đến nay chưa quyết toán được.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục nghiên cứu về gói lãi suất, bởi vì khi đó ông đang là Tổng Kiểm toán nhà nước, đã chỉ đạo kiểm toán gói 16 ngàn tỷ trên và “thực tế không phải như anh Tú nói đâu”.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất đề xuất về bốn nhóm chính sách như Chính phủ đề xuất. Song, Bộ Tài chính cần báo cáo Chính phủ tiếp thu ý kiến tại phiên thảo luận để rà soát, hoàn thiện, bao gồm cả đề xuất hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Dự thảo nghị quyết sẽ được gửi lại để từng thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1/10/2021.

Theo baodautu.vn