16/08/2024 2:58:18

Trao quyền cho Phụ nữ trong Cắt gọt kim loại: Hai học viên PAM bắt đầu hành trình mới tại CHLB Đức

Ngày 16 tháng 8 năm 2024, Tổng Lãnh sự quán Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ chia tay cho hai học viên nữ có tay nghề cao, Trần Thị Tuyết Như (21 tuổi) và Vũ Hoài Thương (24 tuổi), chuẩn bị cuộc hành trình mới tới nước Đức. Như và Thương tốt nghiệp từ trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LILAMA 2) và sẽ bắt đầu sự nghiệp làm kỹ thuật viên cắt gọt kim loại tại Ahlhorn, CHLB Đức.

(Từ trái sang phải) Ông Nguyễn Khánh Cường – Hiệu trưởng trường LILAMA 2, học viên Vũ Hoài Thương, ngài Christopher Scholl – Phó Tổng LSQ Đức tại TP.HCM, học viên Trần Thị Tuyết Như, bà Afsana Rezaie – Trưởng nhóm chương trình PAM tại VN, thầy Lê Tuyên Giáo – Giáo viên trường LILAMA 2 tại Lễ chia tay.

Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trên con đường của các em bước vào thị trường lao động quốc tế, và trong việc thúc đẩy sự tham gia của nữ giới vào lĩnh vực kỹ thuật, vốn do nam giới chiếm đa số.

Thương nhớ lại cảm giác từ những ngày đầu, khi em quyết định theo đuổi ngành cắt gọt kim loại, một nghề thường bị gắn mắc “chỉ dành cho nam giới”. “Dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ tận tình của thầy cô và thực tập tại doanh nghiệp, niềm đam mê của em với ngành này trở nên mạnh mẽ hơn. Rào cản giới không thể làm lung lay sự tự tin của em trong quá trình rèn luyện để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực cắt gọt kim loại”- Thương chia sẻ. Hiện tại, em cảm thấy hào hứng hơn bao giờ hết khi sắp bắt đầu một chương mới trong cuộc đời mình.

Trong khuôn khổ chương trình “Cơ chế đối tác thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp và Di cư lao động định hướng phát triển” (PAM), vào tháng 8 năm 2023, 43 học viên Việt Nam đã tốt nghiệp trình độ Trung cấp ngành Cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn quốc tế tại trường LILAMA 2. Các học viên được nhận học bổng và hưởng lợi từ chương trình đào tạo bao gồm đào tạo tại doanh nghiệp quốc tế, tiếng Đức cơ bản và kỹ năng mềm. Những học viên có đủ trình độ di cư sang Đức được đào tạo ngôn ngữ chuyên sâu và liên văn hóa.

Không khó để thấy tầm ảnh hưởng của chương trình: sau tốt nghiệp, 14 học viên tiếp tục học lên trình độ Cao đẳng, 18 em tham gia vào thị trường lao động Việt Nam như những lao động lành nghề và 11 em nhận được lời mời làm việc từ các doanh nghiệp tại Đức. Ngoài Như và Thương, bảy học viên khác đã di cư trước đó và hai em còn lại sẽ sang Đức trong những tháng cuối năm.

Gần đến ngày bay sang Đức, hai bạn đều có những cảm xúc lẫn lộn thường thấy ở những người di cư lần đầu. “Chúng em hơi lo lắng khi đặt chân đến quốc gia mới, nhưng cũng rất hào hứng về chặng đường tiếp theo trong cuộc đời. Chúng em đã sẵn sàng để phát triển bản thân.”

Những lao động di cư có tay nghề cao như Như và Thương cũng như các học viên khác tốt nghiệp chương trình PAM là minh chứng rõ ràng nhất cho tác động tính cực của hợp tác Đức- Việt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề, góp phần cải thiện chất lượng hệ thống giáo dục nghề và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Chương trình “Cơ chế đối tác thúc đẩy giáo dục nghề và Di cư lao động định hướng phát triển” (PAM) được ủy quyền bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), hợp tác cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Theo GIZ