Với mong muốn mang đến niềm hạnh phúc cho con trẻ, Trần Hồng Hạnh và đội ngũ đã đưa Rabity Kids Fashion trở thành thương hiệu thời trang trẻ em hàng đầu tại Việt Nam và bước đầu vươn ra thị trường quốc tế.
1.
Sáng 28/4/2015, tại Vincom Đồng Khởi – một trong những trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất TP.HCM, hàng dài người xếp hàng phía trước cửa hàng thời trang trẻ em Rabity Kids Fashion để chờ đến lượt vào mua. Cửa hàng khá nhỏ, diện tích chỉ khoảng 30 m2, nằm bên cạnh vô số thương hiệu thời trang dành cho trẻ em từ nước ngoài.
Vừa tới nơi, Hồng Hạnh chạy ngay vào trong để tiếp đón khách hàng, quên hẳn cảm giác mệt mỏi sau nhiều đêm thức trắng để chuẩn bị cho cửa hàng có thể khai trương đúng hẹn. Nghe tiếng cười giòn giã của những khách hàng nhí cùng ánh mắt rạng ngời, háo hức khi ướm thử đôi giày hay mặc chiếc áo mới, Hạnh thấy trong lòng thật ấm áp.
“Có thể mang đến niềm hạnh phúc cho con trẻ là phần thưởng lớn nhất và cũng chính là lý do để chúng tôi sẵn sàng vượt mọi thử thách, với mục tiêu đưa Rabity Kids Fashion trở thành thương hiệu thời trang trẻ em không chỉ dẫn đầu tại Việt Nam, mà còn ở châu Á”, Hồng Hạnh chia sẻ.
“Có thể mang đến niềm hạnh phúc cho con trẻ là phần thưởng lớn nhất và cũng chính là lý do để chúng tôi sẵn sàng vượt mọi thử thách”.
Trần Hồng Hạnh, sáng lập thương hiệu Rabity Kids Fashion
Cửa hàng Rabity Kids Fashion đầu tiên đó đã mang lại doanh số vượt kỳ vọng, nhưng với Hạnh, đó không phải kết quả duy nhất. Sự đón nhận nhiệt tình của khách hàng chính là cơ sở, là động lực để cô gái 9X và đội ngũ cộng sự tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng Rabity Kids Fashion – thương hiệu mà Hạnh đã chọn thay vì dùng tên công ty của gia đình đã tồn tại hơn 20 năm (Công ty Tân Phú).
Theo dấu chân mở rộng của các trung tâm thương mại, số lượng cửa hàng Rabity Kids Fashion ngày càng gia tăng, có thời điểm lên đến 160 cửa hàng, hiện diện ở hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.
2.
Bằng cách nào mà thương hiệu thời trang non trẻ Rabity Kids Fashion có thể khẳng định tên tuổi trong một ngành hàng có giá trị lớn (tốc độ tăng trưởng 7%/năm), luôn có sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nước ngoài và nhiều nhà bán hàng không thương hiệu? Câu trả lời nằm ở chính nhà sáng lập.
Hồng Hạnh vốn là “con nhà nghề”. “Bài học vỡ lòng” về kinh doanh thời trang cô học được từ chính ông nội của mình, từ lúc mới lên 4 tuổi, trong những lần cùng ông ra chợ bán hàng. Khi Hạnh lớn hơn một chút, gia đình thành lập Công ty TNHH Tân Phú, mẹ của Hạnh – bà Hồng Thái Hà – làm Giám đốc Công ty. Bởi vậy, cô yêu từng cái kim, sợi chỉ. Khát khao tìm chỗ đứng xứng đáng cho thời trang Việt Nam cũng theo Hạnh lớn lên từng ngày.
Tân Phú đã có hơn 2 thập kỷ hoạt động trong ngành hàng dệt may và quần áo trẻ em là một trong những dòng sản phẩm truyền thống của Công ty, bên cạnh mảng may đo đồng phục nhân viên cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Thế hệ lãnh đạo đi trước của Tân Phú luôn tiên phong học hỏi, thử nghiệm những hướng đi mới. Có thời điểm, Tân Phú là đơn vị cung cấp quần áo trẻ em đứng đầu cho các chuỗi siêu thị lớn như BigC, Metro, Aeon… Tuy nhiên, họ không có ý định mở chuỗi bán lẻ mặt hàng này cho đến khi Hạnh quyết định rời bỏ công việc tại một tập đoàn đa quốc gia để khởi nghiệp.
“Tôi thường nói với các bạn nhân viên rằng, không phải tự nhiên mà Rabity Kids Fashion còn tồn tại, khi mà rất nhiều đối thủ có tiềm lực đã phải rời thị trường. Doanh nghiệp nào cũng phải trải qua những bước thăng trầm, nhưng ở Rabity, chúng tôi đã xây dựng được văn hóa đổi mới để đưa doanh nghiệp trở nên tốt hơn từng ngày”, Hạnh chia sẻ.
Quyết định hợp tác cùng Disney và Elle vào năm 2018 là một trong những minh chứng cho sự đổi mới mà Hạnh nhắc đến. Trước khi hợp tác, Hạnh cũng rất do dự, không phải vì sợ sản phẩm không được đón nhận, mà vì lúc đó, hàng bản quyền là một khái niệm xa xỉ với thị trường nội địa.
“Rảo vài bước ra chợ là có quầy cô Ba, sạp dì Bảy bán đủ giày dép, áo quần… in hình bất cứ thương hiệu nào. Rất khó khăn, nhưng tôi nghĩ, cũng phải có ai đó đủ mạnh dạn, để bắt đầu hướng đến cái chuẩn tốt hơn, như thay đổi thói quen gọi ‘quần áo trẻ em’ thành ‘thời trang trẻ em’ chẳng hạn”, Hạnh nói
Theo đó, Hạnh tập trung cho đội ngũ nội bộ để nâng chuẩn tay nghề, nghiệp vụ. Nhờ đó, Rabity Kids Fashion có thể thực hiện mọi công đoạn, từ lên ý tưởng, thiết kế mẫu đến sản xuất tại nhà máy (được đối tác giám định) rồi phân phối, bán trực tiếp đến khách hàng.
Rabity Kids Fashion đã trở thành thương hiệu thời trang trẻ em đầu tiên và cho đến thời điểm này vẫn là duy nhất sở hữu bản quyền Disney, Marvel tại Việt Nam. Hạnh tin rằng, Rabity Kids Fashion đã mang đến cho trẻ em Việt Nam thế giới màu nhiệm và sống động của những công chúa và siêu anh hùng. Quan trọng hơn, đằng sau những sản phẩm chất lượng chuẩn quốc tế, giá cả phù hợp với người Việt chính là tâm huyết của những người yêu trẻ.
Giờ đây, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới chất lượng và xuất xứ hơn, sân chơi đang rộng mở cho những thương hiệu nghiêm túc đầu tư đường dài. “Tôi tự hào thấy Rabity Kids Fashion sánh vai cạnh Biti’s, Canifa, PNJ, Thiên Long… Tất cả cùng nỗ lực đưa sản phẩm chất lượng nhất đến với người Việt và đưa thương hiệu Việt sánh tầm quốc tế”, nhà sáng lập thương hiệu Rabity Kids Fashion chia sẻ.
3.
Gần 10 năm trước, Hạnh làm việc tại một công ty đa quốc gia trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống ở quận 1 (TP.HCM). Ngày ngày, đi về hai lượt qua căn nhà ngay ngã tư Hai Bà Trưng – Võ Thị Sáu, cô đã từng nghĩ, giá như có thương hiệu nào thuê vị trí đắc địa này, rồi đầu tư thiết kế cửa hàng thật đẹp cho góc phố bừng sáng, tươi vui lên.
Tại vị trí này, chủ nhà đã đầu tư mở cửa hàng kinh doanh mặt hàng đầm bầu suốt hơn 18 năm. Sau đó, họ cho một thương hiệu vali thuê lại. Đại dịch Covid-19 kéo dài hơn hai năm qua khiến chủ thương hiệu vali phải trả mặt bằng tại ngã tư sầm uất này.
Sau hơn một năm thương thảo với chủ nhà, đến ngày 16/4/2021, hợp đồng thuê mặt bằng cho cửa hàng Rabity Kids Fashion Hai Bà Trưng được ký kết, nhưng chỉ 10 ngày sau đó, TP.HCM bước vào làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư.
Dù chưa có lễ khai trương nào được diễn ra, song từ tháng 10/2021, cửa hàng này luôn sáng đèn, nổi bật, thu hút mọi ánh nhìn của người đi đường với màu cam chủ đạo.
Hạnh luôn mong rằng, một ngày nào đó, tất cả những mặt bằng lớn và đẹp ở trên phố hay trong các trung tâm thương mại trên đất nước mình sẽ được lấp đầy bởi thương hiệu Việt, được chăm chút bởi những doanh nghiệp, doanh nhân đang nỗ lực mỗi ngày để sản phẩm Việt có thể giành thắng lợi trên sân nhà.
“Tôi tin chắc rằng, suốt những tháng ngày qua, rất nhiều nhà quản lý, CEO, chủ doanh nghiệp ngành bán lẻ, ẩm thực… đã hơn một lần phải nâng lên đặt xuống, tính toán xem cửa hàng nào phải đóng cửa, cửa hàng nào cần duy trì. Tôi hiểu, lựa chọn tiếp tục bám trụ, tiếp tục chiến đấu giữa cơn bão lớn luôn rất khó khăn. Bởi đó không chỉ thể hiện bản lĩnh của người cầm quân, mà còn là trách nhiệm với hàng trăm người lao động. Đó không chỉ là sự tính toán, vun vén về nguồn lực, mà còn là niềm tin sắt đá với sản phẩm, mô hình kinh doanh của mình. Và trong sâu thẳm, đó là khát khao chưa bao giờ cháy bỏng đến thế, về việc quyết tâm không để mất thị trường của người Việt vào tay thương hiệu ngoại”, Hạnh nói.
Theo baodautu.vn