Trong báo cáo nghiên cứu thị trường mới công bố của Colliers, ngành du lịch, dẫn đầu là du lịch nghỉ dưỡng, đang ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ trên toàn cầu. Riêng tại châu Á, thành phố Hồ Chí Minh, Singapore, Bangkok và Bali được kỳ vọng là những điểm sáng dẫn đầu đà hồi phục của khu vực này.
Hai năm phong tỏa vì Covid-19 cộng với khoản dư tiết kiệm cá nhân và đam mê du lịch bị dồn nén đã giúp ngành du lịch bật dậy mạnh mẽ trên khắp thế giới. Du lịch nghỉ dưỡng, thường là nhóm cuối cùng hồi phục sau những đợt suy thoái, lại đang dẫn đầu đà hồi phục tại những thị trường đã mở cửa du lịch quốc tế và nội địa. Kết quả này đến từ nỗ lực trong quản lý vận hành vận tải hàng không và cải thiện tỷ lệ lấp đầy phòng ở, trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực sau dịch.
Công suất phòng được giữ vững bất chấp lạm phát cao, với giá phòng trung bình hàng ngày (Average Daily Rate – ADR) vượt mức điều chỉnh thu nhập bù trượt giá, chi phí bán hàng cũng như chi phí cơ sở vật chất. Cùng với những bài học về hiệu quả vận hành được đúc kết trong đại dịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú kỳ vọng sẽ tận hưởng nhiều lợi ích khi quá trình hồi phục bình ổn.
Theo tổ chức nghiên cứu, xếp hạng ngành dịch vụ khách sạn toàn cầu STR, doanh thu trên mỗi phòng có sẵn (Revenue Per Available Room – RevPAR) của các khách sạn ở châu Á –Thái Bình Dương đã tăng 23,1% (tính theo USD) so với năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn 31,1% so với năm 2019. Tỷ lệ lấp đầy phòng suy giảm và việc Trung Quốc gần như đóng cửa suốt năm 2022 đã góp phần làm chậm quá trình hồi phục này. ADR, mặc dù đạt mức tăng cao nhất vẫn thấp hơn 10,6% so với mức năm 2019, cho thấy vẫn có tiềm năng cải thiện trong năm 2023.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (International Air Transport Association – IATA) dự báo đến năm 2024 ngành du lịch mới trở về mức tăng trưởng của năm 2019, và châu Á – Thái Bình Dương là khu vực duy nhất bị bỏ lại phía sau, ước tính phải đến 2025 mới hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, có nhiều rủi ro kìm hãm sự hồi phục này, do giá cả tiếp tục tăng và tình trạng bất ổn kinh tế kéo dài.
Colliers nhận định ngành du lịch sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2023, nhu cầu khách sạn trên toàn khu vực tiếp tục gia tăng. Nhu cầu sụt giảm từ phương Tây vào đầu năm, nếu có, sẽ được bù đắp khi khách du lịch Trung Quốc quay lại vào nửa cuối năm nay. Tại các thị trường đã mở cửa và có sự cân bằng về cung–cầu, chúng tôi kỳ vọng RevPAR tăng khoảng 6% so với cùng kỳ nhờ công suất phòng được cải thiện. Đối với các thị trường có cung–cầu bất cân xứng, con số này rơi vào khoảng 4% so với năm trước, chủ yếu cũng đến từ sự cải thiện công suất phòng. Singapore, Bangkok, Bali và TP. Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ dẫn đầu sự hồi phục trên khắp châu Á. Trung Quốc đại lục và các đặc khu hành chính của nước này dự kiến xoay chuyển tình hình ảm đạm năm 2022, kéo theo đà phục hồi của thị trường Bắc Á vào nửa cuối năm.
Tại Việt Nam, bất động sản nghỉ dưỡng cho thấy tiềm năng lớn khi đất nước này đang tận dụng đà tăng trưởng của nhu cầu du lịch và nghỉ dưỡng sau dịch từ lượng khách nội địa và quốc tế. Ông Morgan Ulaganathan, Trưởng bộ phận Dịch vụ Tài sản & Tư vấn Du lịch – Khách sạn, Colliers (Việt Nam) cho biết: “Các bên tham gia thị trường có nhiều vốn chủ sở hữu đã có những nước đi táo bạo kể từ lúc cao điểm dịch Covid đến nay. Lãi suất tuy trên đà tăng, nhưng rồi sẽ ổn định trở lại. Các quỹ đã và đang gọi vốn để đầu tư vào những tài sản khách sạn ở thời điểm có mức định giá thuận lợi, trước khi doanh thu khách sạn hồi phục hoàn toàn.
Chẳng hạn, KKR đã huy động 4,3 tỷ USD ngay giữa cao điểm dịch Covid. Bain cũng đã mua lại khách sạn riêng lẻ hay theo hệ thống, có hoặc chưa có thương hiệu. Blackstone được trích dẫn rằng mức độ hiện diện trong ngành khách sạn của họ đang ở mức “thấp kỷ lục, vào khoảng 12%. Ngày nay, chúng tôi ước rằng giá như danh mục đầu tư của mình lớn hơn”. Warburg Pincus tiếp tục đầu tư vào Việt Nam thông qua nền tảng Lodgis.”
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm tại Việt Nam, đại diện Colliers cho biết thị trường vẫn còn tồn tại các vướng mắc liên quan đến luật và quy định, mà nếu được giải quyết trong thời gian tới, sự phát triển của phân khúc bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng kỳ vọng sẽ sôi động hơn. Việt Nam ghi nhận du lịch nội địa hồi phục tích cực trong năm qua với 101,3 triệu lượt khách trong nước, vượt mức trước đại dịch. Năm 2023, cả nước đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 102 triệu lượt khách nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế. Chưa kể, tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở nước này, với khoảng 70% dân số sẽ gia nhập tầng lớp tiêu dùng vào năm 2030 (theo McKinsey).
“Các nền tảng cho sự phát triển du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam rất tích cực và nhu cầu triển khai vốn rất cao. Đồng hồ đang tích tắc. Đã đến lúc bắt đầu chuẩn bị cho một mùa sôi động của các thương vụ trong năm nay.” – ông Morgan cho biết thêm.
Trần Quyền