Đánh giá thị trường lao động năm 2022, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết có nhiều chuyển biến tích cực khi kinh tế thành phố đẩy mạnh phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. Nhu cầu tuyển dụng tăng tập trung ở các ngành công nghiệp chủ lực và một số ngành kinh tế – dịch vụ chủ yếu của thành phố.
Dự kiến nhu cầu nhân lực tăng thêm trong năm 2023 của TP.HCM là khoảng 280.000 – 300.000 việc làm cho người lao động.
Theo tính toán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, dân số thành phố năm 2023 ước tính sẽ là 9,5 triệu người, trong đó lực lượng lao động là hơn 4,8 triệu người, chiếm 50,8% tổng dân số (tăng khoảng 200.000 người so với năm 2022).
Dự kiến năm 2023, GRDP của thành phố sẽ tăng từ 7,5% đến 8%. Để đạt mức tăng trưởng trên, Trung tâm đã dự báo nền kinh tế thành phố trong năm 2023 cần khoảng gần 5 triệu lao động (tăng khoảng 120.000 đến 130.000 chỗ làm việc so với năm 2022).
Cụ thể, sẽ có 2 kịch bản có thể xảy ra trong năm nay đó là:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn đang có chiều hướng chậm lại, dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến – chế tạo, dự báo cũng chững trong ngắn hạn khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước mạnh hơn, dự kiến sẽ bù đắp phần chững lại từ bên ngoài. Với kịch bản này, dự kiến nhu cầu nhân lực tăng thêm trong năm 2023 của TP.HCM là khoảng 280.000 – 300.000 việc làm.
Kịch bản thứ hai, tăng trưởng kinh tế toàn cầu diễn biến theo chiều hướng tích cực, doanh nghiệp tại thành phố có cơ hội tăng đơn hàng xuất khẩu, mở rộng sản xuất; nhu cầu lao động tăng, tạo điều kiện ổn định thu nhập cho người lao động. Theo đó, dự kiến nhu cầu nhân lực cần thu hút thêm của TP.HCM năm 2023 là hơn 300.000 nơi làm việc.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết cuối năm 2022 và trong quý I/2023, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ gặp khó khăn do giảm đơn hàng. Điều này khiến nhiều lao động bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập và đời sống khó khăn. Ngoài các doanh nghiệp gặp khó khăn, hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp trong khu vực thương mại – dịch vụ, chế biến công nghiệp, công nghệ cao… đang có nhu cầu tuyển dụng lao động trong đầu năm 2023.
Theo ông Lâm, trong năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động bền vững, linh hoạt và hiệu quả. Trước mắt là tập trung rà soát, nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, cắt giảm sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động để có phương án kết nối cung – cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu.
Khảo sát tại 15.507 doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Kết quả cho thấy, khó khăn lớn nhất là lao động không hài lòng về điều kiện làm việc (28,08% lượt lựa chọn), lao động không đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp (26,22% lượt lựa chọn)… Đặc biệt, có đến 11,68% doanh nghiệp cho biết là lao động chê mức lương, thưởng thấp, chế độ phúc lợi không hấp dẫn.
Đánh giá về tình hình trên, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, khi lựa chọn chuyển việc người lao động quan tâm đến một số yếu tố như:
Yếu tố về “Môi trường làm việc” và “Văn hóa doanh nghiệp”:
Hiện nay điều này ngày càng được người lao động quan tâm. Tìm hiểu về những yếu tố mà người lao động sẽ cân nhắc khi chuyển việc, “Lương” và “Môi trường làm việc” tiếp tục là 2 sự lựa chọn chiếm tỉ lệ cao lần lượt là 13.56% và 11.27%. Góp mặt trong nhóm 5 lựa chọn cao nhất còn có yếu tố “Văn hóa doanh nghiệp” với 8.14%, “Sự thăng tiến trong công việc” với 7.33%, và “Cơ chế thưởng” với 6.09%. Dễ nhận thấy, những yếu tố góp phần cải thiện hiệu suất làm việc hiện mang tính quyết định đến sự gắn bó lâu dài của người lao động tại doanh nghiệp.
Về mức thu nhập thay đổi khi chuyển việc:
Người lao động tham gia khảo sát có kỳ vọng khá cao về mức thu nhập thay đổi khi chuyển việc. Mức “tăng ít nhất 30%” và “ít nhất 20%” so với thu nhập bình quân đứng vị trí thứ nhất và thứ hai trong tổng kết quả ghi nhận được, lần lượt chiếm tỉ lệ là 19.33% và 19.18%. So với số liệu về mức tăng thu nhập thực tế trong năm 2022 được cung cấp bởi người lao động tham gia khảo sát, đa số mức tăng này dao động “từ 5 – 10%” hoặc “không thay đổi”, thì những kỳ vọng vào sự tăng thu nhập khi chuyển việc từ 20% – 30% đang là những con số khá cao.
Tuy vậy, vẫn có 15.57% người lao động “sẵn sàng thương lượng” về thu nhập và 13.66% khác “chấp nhận mức lương tương tự, miễn đó là cơ hội tốt”. Điều này cho thấy, còn có những yếu tố phi tài chính khác ảnh hưởng đến kỳ vọng về công việc của họ.
Thâm niên gắn bó với một công việc:
Thời gian gắn bó lâu dài với một công việc của người lao động hiện nay được xem là lựa chọn phổ biến. Gần một nửa số lượng người lao động tham gia khảo sát (chiếm 44.28%) chưa có ý định thay đổi công việc mới trừ khi tìm thấy cơ hội mới tốt hơn. Lựa chọn “càng lâu càng tốt” đứng vị trí thứ 2 với tỉ lệ là 16.25%. Đặc biệt, lựa chọn gắn bó với công việc từ “1 – 2 năm” đứng cuối danh sách với tỉ lệ là 6.75%.
Qua đó cho thấy tâm lý muốn chắc chắn và an toàn đang có nhiều ảnh hưởng đến người lao động, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến chuyển như hiện tại.
Bên cạnh chú trọng các yếu tố trên, doanh nghiệp cần có chính sách nhân sự lâu dài, ứng dụng công nghệ mới để đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn. Người lao động cũng cần hết sức chia sẻ cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, không ngừng tự học tập nâng cao trình độ để có thể linh hoạt đáp ứng với sự thay đổi không ngừng của thị trường lao động.
Quang Trung