03/09/2020 1:41:21

TP.HCM: 27.500 LĐ tự do bị ảnh hưởng Covid-19 được đề xuất hỗ trợ

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM hỗ trợ 27.500 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Cụ thể, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Minh Tấn vừa đề nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM sử dụng nguồn quỹ vận động để xem xét hỗ trợ gần 27.500 người lao động tự do gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị bổ sung đối tượng hỗ trợ và số lượng người lao động tự do là những người không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, có việc làm bấp bênh, thường không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản đảm bảo an sinh xã hội; người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người.

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đề xuất hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Để nhận hỗ trợ, người lao động tự do phải đảm bảo không có thu nhập hoặc có thu nhập thấphơn chuẩn nghèo TP.HCM (dưới 3 triệu đồng/người/tháng) và làm việc trong các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động trong tháng 4/2020.

Cụ thể là những người làm tại: Các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, massage, xông hơi; tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu, rạp chiếu phim, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer pub, hát với nhau; các địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện; các cơ sở kinh doanh thể thao (gym, fitness, billiards, yoga…), các trung tâm thể dục, thể thao và các khu luyện thể thao công cộng; bến xe, làm thuê tại các hộ kinh doanh vận tải hành khách công cộng.

Kinh phí dự toán hỗ trợ hơn 27 tỉ đồng, được trích từ quỹ phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM.

Có thể thấy, tác động của dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu lao động tự do ở TP.HCM lâm vào tình cảnh thất nghiệp, sống cầm cự qua ngày.

Tình trạng chung hiện nay là những phục vụ làm việc tại các: Tụ điểm bar, vũ trường, karaoke, rạp chiếu phim, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới… phải “thắt lưng buộc bụng” gắng gượng sống qua ngày chờ nơi làm việc mở cửa để trở lại công việc thường ngày như trước đây.

Cơ sở làm đẹp phải đóng cửa vì bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Suốt 2 tháng nay, cuộc sống của gia đình anh N.V.L., lái xe công nghệ ở quận Tân Phú (TP.HCM), gần như đảo lộn vì dịch Covid-19. Hơn 4 năm trước, anh cùng vợ rời quê Kiên Giang lên TP.HCM làm thuê. Anh L. hằng ngày chạy Grab, vợ làm nhân viên ở một cơ sở làm đẹp. Hai vợ chồng chịu khó “cày cuốc” cũng đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nuôi 2 đứa con ở thành phố. Giờ thì cả 4 người đều ở nhà, quanh quẩn trong căn nhà trọ diện tích chưa đến 18 m2.

Theo anh L., đợt dịch bệnh đầu năm đã khiến các trường học đóng cửa, vợ tôi ở nhà trông 2 đứa. Anh L. chạy xe từ 10 – 12 tiếng mỗi ngày, thu nhập chưa đến 250.000 đồng/ngày, nuôi cả nhà. Cố gắng chi tiêu thắt lựng buộc bụng, hi vọng sau dịch thì mọi thứ trở về với quỹ đạo bình thường.

“Tuy nhiên đợt dịch thứ 2 này tái phát đã khiến gia đình anh trở tay không kịp, nửa tháng nay do ảnh hưởng của dịch nên lái xe công nghệ nhiều ngày không kiếm nổi một đồng. Dịch bệnh mà kéo dài nữa, gia đình tôi chưa biết sống sao”, anh L. bộc bạch.

Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, có không ít lao động tự do mất việc đã nhanh chóng trở về quê, nhưng nhiều người vẫn cố gắng bám trụ ở mảnh đất TP.HCM với hy vọng “kiếm được đồng nào hay đồng ấy”. Thế nhưng, dịch bệnh khó lường đã khiến họ lâm vào thế “mắc kẹt” ở thành phố.

Trước thông tin lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM mới đây đã có đề xuất hỗ trợ những người lao động không có giao kết hợp đồng lao động với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người, anh L. cho biết: “Là lao động tự do không có hợp đồng lao động như tôi thì từ trước đến nay chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Biết rằng với mức hỗ trợ không nhiều nhưng ‘một miếng khi đói bằng một gói khi no’, tôi và người nhà rất vui mừng khi nghe thông tin này. Việc đầu tiên khi nhận được số tiền hỗ trợ này là chúng em sẽ trả tiền phòng cho chủ nhà và mua ít gạo để sống qua ngày chờ đến khi đi làm lại”.

Minh Khôi (T/h)