Việt Nam là đất nước sản xuất muối tiềm năng, nhưng mỗi năm vẫn phải nhập khẩu từ 400.000 – 600.000 tấn muối để đáp ứng nhu cầu trong nước (theo ước tính nhu cầu tiêu dùng muối cả nước mỗi năm khoảng 1,5-1,6 triệu tấn, đến 2030 vào khoảng 2 triệu tấn/năm). Các vùng sản xuất muối trên toàn quốc đều hình thành từ lâu và mang tính tự phát, phân tán nhiều nơi. Tính đến nay, cả nước có 72 cơ sở sản xuất và chế biến muối gồm các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp, tuy nhiên các đơn vị này đều có quy mô nhỏ, thiết bị, công nghệ, lạc hậu…
Muối, những viên kim cương mặn
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, năm 2021, diện tích sản xuất muối cả nước là 11.393ha, giảm dần trong những năm gần đây do thu nhập từ sản xuất muối thấp (sản lượng muối năm 2021 đạt hơn 914.000 tấn). Người dân đã dần chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản hoặc chuyển sang làm nghề khác nên có một số diện tích sản xuất muối bị bỏ hoang.
Nghề muối là ᴄái nghề ᴠất ᴠả ᴠà trông ᴄhờ ᴠào thiên nhiên không kém gì trồng lúa. Năm nào nắng đều đều thì ѕản lượng khá, nếu mưa là mất ᴠụ. Muối nội địa giá trị thấp, tồn kho nhiều. Nhiều diêm dân (người làm muối) đã bỏ nghề, chuyển sang công việc khác, doanh nghiệp ngành muối chật vật tìm hướng đi để tồn tại. Việc sản xuất muối chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, quy mô phân tán theo hộ diêm dân (chiếm 69% diện tích), nên năng suất, chất lượng muối thấp.
Phương pháp sản xuất muối gồm: phơi cát truyền thống với trên 1.000 ha ở 5 tỉnh phía Bắc; phơi nước tập chủ yếu ở 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận với trên 3.500 ha; phơi nước phân tán với trên 6.780 ha, chiếm 60 % diện tích sản xuất muối cả nước. Tuy nhiên, chất lượng và số lượng muối tại các đồng muối công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp hóa chất, nên vẫn phải nhập khẩu muối công nghiệp. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết muối còn nhiều những hạn chế, bất cập. Các doanh nghiệp thu mua chế biến muối vẫn còn nhỏ lẻ, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật vẫn chưa đáp ứng để sản xuất chế biến muối công nghiệp.
Do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các ngành công nghiệp, chế biến thủy sản hoạt động khó khăn nên nhu cầu tiêu thụ muối chậm. Chất lượng và tiêu thụ sản phẩm đang đặt ngành muối của tỉnh Ninh Thuận trước yêu cầu phải đổi mới sản xuất và cần có chiến lược phát triển bền vững. Do vậy, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất muối gắn với đổi mới công nghệ, đầu tư mới và cải tạo đồng muối để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trên đơn vị diện tích đang là vấn đề cấp thiết đòi hỏi cần có sự phối hợp triển khai đồng bộ từ các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho hay Ninh Thuận là một trong 3 địa phương có sản xuất muối công nghiệp lớn, nhưng hầu hết các sản phẩm muối đều được các thương lái tại địa phương thu mua, trừ các doanh nghiệp lớn như BIM, Đầm Vua họ liên kết với các doanh nghiệp trong nước để tiêu thụ sản phẩm.
Hiện tại, giá muối diêm dân nền đất giao động từ 350 – 600 đồng/kg, muối trải bạt giá 500 – 800 đồng/kg; muối công nghiệp từ 700 – 1.200 đồng/kg. Ninh Thuận mong muốn có nhà máy hóa chất được đặt tại tỉnh để giúp tiêu thụ muối sản xuất quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hướng đi nào cho tương lai
Để phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1325/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng Đề án nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị ngành hàng muối Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025. Đề án được thực hiện trên địa bàn của 7 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu.
Vấn đề cấp bách hiện nay là tái cơ cấu ngành muối, điều này không chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn cần phải xuất khẩu, khẳng định thương hiệu muối Việt Nam, không những góp phần ổn định sinh kế cho diêm dân mà còn tránh được số tiền lớn phải bỏ ra nhập khẩu mỗi năm.
Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối; hình thành các vùng trọng điểm sản xuất muối kết tinh trên nền trải bạt tại các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, tăng năng suất sản xuất muối tối thiểu 30%; áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chế biến muối; đa dạng hoá sản phẩm muối chế biến đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm muối ít nhất 30%. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm muối và chế biến khác từ muối phục vụ nhu cầu xuất khẩu, du lịch, y tế.
Thời gian tới ngành cần củng cố, phát triển và thành lập mới hợp tác xã diêm nghiệp; phát triển chế biến, đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm muối. Đồng thời, xây dựng khu sản xuất muối công nghệ cao với các sản phẩm muối tinh, làm đẹp, sản phẩm muối tâm linh, muối sức khỏe kết hợp du lịch trải nghiệm. Ngành muối cần phát triển liên kết chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm muối. Tăng cường xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm muối cho sản phẩm muối của các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia liên kết phát triển.
Quang Trung