Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 – 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp”. Tuy nhiên với thực trạng tuyển sinh đại học dễ dãi như hiện nay, mục tiêu trên liệu có đạt?
5 – 6 điểm/môn vẫn vào đại học.
Năm 2024 đến thời điểm này báo chí đưa tin đã có hơn 100 trường đại học công bố xét điểm học bạ để tuyển sinh, nhiều trường lấy điểm trung bình chỉ 5,5 – 6 điểm một môn. Dễ thế, “tội gì không vào đại học để có cái bằng” hoặc “làm thầy còn hơn làm thợ” đó là suy nghĩ của nhiều bạn trẻ và phụ huynh.
Bất chấp năng lực học tập thế nào, khá nhiều người trẻ đổ xô vào đại học. Tuy nhiên, sau 4 năm học tốn kém thời gian và tiền bạc, nhiều người học xong khi tham gia thị trường lao động lâm vào tình cảnh “thầy chẳng ra thầy, thợ cũng không phải thợ”. Có bằng cử nhân nhưng khi xin việc lại phải giấu bằng để làm công nhân hoặc xe ôm công nghệ. Thậm chí cử nhân tốt nghiệp đại học nhưng chỉ làm được những công việc của lao động phổ thông trong doanh nghiệp.
Nhưng làm công nhân lúc này lại xuất hiện tình huống, nếu có bằng cao đẳng nghề và kỹ năng đáp ứng thì mức lương 8 – 15 hoặc 20 triệu đồng là bình thường, mức lương này cách xa với mức lương của lao động không có bằng nghề và không có kỹ năng thích ứng với yêu cầu của doanh nghiệp. Và để tìm kiếm mức lương tốt hơn, không ít cử nhân lại phải đầu tư tiền của và thời gian lần nữa để đi học lấy bằng nghề.
Thực trạng trên đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Gây lãng phí tiền bạc và thời gian của nhiều gia đình, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và cơ cấu của thị trường lao động.
Nguyên nhân của tình trạng trên do cả phía nhà trường và người học. Trường đại học thì tuyển sinh ồ ạt quá dễ dãi, bất cứ ai có điểm số đủ yêu cầu (rất thấp) đều trúng tuyển. Về phía người học, biết rõ bản thân năng lực học tập chỉ có vậy nhưng vẫn cố vào đại học, miễn có cái bằng.
Bên cạnh đó, nhiều trường đại học chỉ chú trọng vào việc giảng dạy lý thuyết mà không quan tâm đến việc đào tạo kỹ năng thực hành cho sinh viên. Điều này khiến sinh viên sau khi ra trường không có khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tế dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường không có khả năng làm việc.
Chỉ tiêu phân luồng học sinh THPT liệu có đạt?
Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 – 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp” . Bên cạnh các nguyên nhân như tâm lý đề cao khoa bảng bằng cấp của người Việt, công tác tư vấn hướng nghiệp còn hạn chế thì việc nhiều trường đại học chất lượng đào tạo hạn chế, tuyển sinh dễ dãi đã ảnh hưởng không tốt đến chủ trương phân luồng.
Theo Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, năm 2023 trong số 1 triệu thí sinh tốt nghiệp THPT có hơn 600 nghìn em đăng ký xét tuyển vào đại học và chỉ riêng xét tuyển đợt 1, tỷ lệ trúng tuyển đại học đã đạt xấp xỉ 93%.
Tỷ lệ đỗ đại học quá cao này khiến xã hội băn khoăn: “trượt đại học bây giờ còn khó hơn đỗ đại học”. Sau đợt xét tuyển lần 1 nhiều trường vẫn tiếp tục công bố tuyển sinh bổ sung đợt 2. Hàng chục Đại học đã đăng tuyển thêm hơn 10.000 sinh viên nên chắc chắn tỷ lệ trúng tuyển đại học sẽ tiếp tục tăng.
Năm 2024 theo thông tin trên báo chí, đến thời điểm này đã có 190 trường đại học thông báo xét tuyển bằng học bạ THPT với tổng điểm trung bình 3 môn nhiều trường chỉ từ 15 điểm.
Tuyển sinh đại học với học sinh lực học thậm chí không bằng điểm đầu vào của sinh viên cao đẳng các ngành kỹ thuật, công nghệ nhưng lại thu hút rất nhiều người học. Vì thế xã hội vẫn đang trong vòng luẩn quẩn “thừa thầy nhưng thầy không ra thầy”; thiếu thợ do “thợ” chỉ muốn làm thầy.