Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu là điểm nghẽn trong kêu gọi đầu tư và nâng cao năng suất lao động.
Dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sáng 14/1, lãnh đạo Chính phủ điểm các đầu việc năm 2023 cho ngành, nhấn mạnh yêu cầu đào tạo lao động chất lượng cao.
Ông cho biết, các đối tác nước ngoài khi bàn hợp tác đều đều băn khoăn hai vấn đề là hạ tầng kỹ thuật và lao động, nếu không đáp ứng được thì họ dễ chọn nước khác. Thực tế, có những tập đoàn muốn vào Việt Nam sớm nhưng do vướng hai điều kiện trên nên phải gần 20 năm sau mới đầu tư.
Thủ tướng kể, trong chuyến công du Hà Lan cuối năm ngoái, khi tới thăm Trung tâm công nghệ cao Brainport, ông đã rất bất ngờ khi chỉ với diện tích 500 ha nhưng họ tạo ra giá trị rất lớn, nguyên nhân là tập trung được nguồn lao động chất lượng cao đến từ các nước.
Từ thực tế đó, ông Chính yêu cầu các cơ quan làm tốt việc phân luồng học sinh vào trường nghề và tăng cường kỹ năng số cho người lao động. Khi nhu cầu trình độ lao động ngày càng cao mà nguồn nhân lực đáp ứng lại có hạn, nếu không đào tạo tốt thì các dự án quan trọng sẽ phải phụ thuộc vào người nước ngoài, lao động Việt sẽ bị thua thiệt.
Theo Thủ tướng, xu hướng già hóa dân số tại Việt Nam đã rất rõ nên chính sách về lao động cần phải có đột phá để tận dụng thời kỳ dân số vàng. Hệ thống an sinh xã hội cũng phải bao trùm, bền vững, trong đó có xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động vì đây là nhu cầu quan trọng nhất, cũng là khó nhất với người lao động hiện nay. “Các bộ ngành cần nghiên cứu chính sách thuê mua nhà ở để tạo điều kiện cho người lao động”, ông chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra một số điểm yếu ngành Lao động Thương binh Xã hội cần khắc phục, như việc kết nối dữ liệu an sinh, quản lý hồ sơ của người lao động; xây dựng các kế hoạch có tính chất dài hơi, gồm giải pháp cho việc mất cân bằng giới tính, già hóa dân số, phát triển thị trường lao động, an sinh xã hội bao trùm…
Theo Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hai năm qua, nhà nước đã dành hơn 104.000 tỷ đồng hỗ trợ hơn 68,4 triệu lượt người dân, hơn 1,4 triệu lượt doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Thời gian tới, ngành tập trung vào sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, hoàn thiện chính sách hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp… nhằm mở rộng người tham gia.
Theo thống kê, lực lượng lao động sau thời kỳ đổi mới đã tăng gấp đôi, từ 27 triệu năm 1986 lên 52,1 triệu ở quý 4 năm 2022. Dân số Việt Nam đang ở thời kỳ vàng nhưng chất lượng lao động “chưa vàng” khi tỷ lệ qua đào tạo chỉ trên 26%, trong khi là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ ba khu vực và duy trì ổn định trong nhiều năm.
Theo Vnexpress.net