Trong 2 ngày 21 – 22/11/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo cấp cao các nước G20 đã tham dự phiên thảo luận trực tuyến với chủ đề “Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm” và “Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có sức chống chịu”.
Hội nghị nhằm phối hợp chính sách toàn cầu ứng phó dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững, cân bằng và bao trùm. Các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh dịch Covid-19 đã khiến các nỗ lực giải quyết tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý suy thoái môi trường, phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp thiết.
Tham dự Hội nghị thượng đỉnh có lãnh đạo cấp cao của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nga, Thủ tướng Đức…) và khách mời (Thủ tướng Việt Nam và một số lãnh đạo các nước), cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)…
Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm
Ngày 21/11/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo cấp cao các nước đã tham dự phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề “Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm”.
Tại phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo khẳng định lại các cam kết đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 đặc biệt về Covid-19 ngày 26/3/2020, triển khai mọi biện pháp và nguồn lực cần thiết để bảo vệ mạng sống và sinh kế của người dân, phục hồi tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
Nhất trí bảo đảm vắc xin và thuốc đặc trị Covid-19 được tiếp cận bình đẳng và với chi phí phù hợp, đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh các ngân hàng phát triển đa phương đã tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước ứng phó dịch Covid-19. Đồng thời, cam kết tiếp tục triển khai Sáng kiến hoãn, giảm nợ cho các nước đang phát triển (DSSI) trong năm 2021.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò của hệ thống thương mại đa phương trong thúc đẩy thương mại toàn cầu và phục hồi kinh tế, khẳng định ủng hộ chính trị thúc đẩy các cải cách cần thiết của WTO; tăng cường khả năng chống chịu của các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Để vượt qua đại dịch và phục hồi bền vững, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần chủ động thích ứng trong giai đoạn “bình thường mới”, triển khai đồng bộ và hài hoà phục hồi kinh tế đi đôi với bảo đảm phòng chống dịch. Về hợp tác y tế, Thủ tướng nhấn mạnh cần có cách tiếp cận bình đẳng và chi phí phù hợp với vắc-xin và thuốc đặc trị Covid-19, theo đó đề nghị các nước G20 xây dựng thoả thuận sản xuất vắc-xin với các đối tác trên toàn cầu thông qua chuyển giao công nghệ cùng với bảo hộ sở hữu trí tuệ, qua đó đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối vắc-xin ở quy mô lớn. Về kinh tế, Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư qua biên giới, duy trì các chuỗi cung ứng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, trang thiết bị y tế…; ủng hộ hội nhập, tham gia thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm với WTO là trung tâm; đề nghị G20 tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong hình thành các khung khổ, thoả thuận, quy tắc toàn cầu trong quản trị nền kinh tế số.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã cùng các nước ASEAN và đối tác đề cao tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”, thực hiện mạnh mẽ các biện pháp ứng phó dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, duy trì đà hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025
Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu
Trong phiên thảo luận thứ hai ngày 22/11/2020 với chủ đề “Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có sức chống chịu”, các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh dịch COVID-19 đã khiến các nỗ lực giải quyết tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý suy thoái môi trường, phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp thiết.
Các nước tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Hiệp định, trong đó các nước phát triển huy động 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các nước đang phát triển triển khai Hiệp định.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã kéo lùi thành quả phát triển của thế giới hàng thập kỷ, đẩy hàng chục triệu người rơi vào nghèo đói.
Để vượt qua thách thức, các quốc gia cần đoàn kết, xây dựng lòng tin, thực tâm hợp tác và chia sẻ trách nhiệm chung hướng tới phát triển bền vững, bao trùm và không để một quốc gia hay người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng kêu gọi G20 cùng với sự hợp tác của Liên Hợp Quốc, WB, IMF, WTO… cần tích cực kiến tạo những nền tảng phát triển mới, như chuyển đổi nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh… để vượt qua thách thức và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia. Đồng thời, cũng đề nghị các nước G20 hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp cận thị trường và các nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời đẩy mạnh hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nhất là chống suy giảm chất lượng đất, bảo tồn san hô, giảm rác thải nhựa và quản lý bền vững nguồn nước…
Mặt khác, các nhà lãnh đạo cũng khẳng định ủng hộ xây dựng “nền kinh tế carbon tuần hoàn”, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, ổn định, an toàn, bền vững với chi phí hợp lý; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm giảm suy thoái đất, bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh lương thực và quản lý bền vững nguồn nước.
Các nhà lãnh đạo đặc biệt chú trọng vai trò quan trọng của G20 trong thúc đẩy thực hiện đúng thời hạn Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; tăng cường hơn nữa trao quyền cho phụ nữ và thanh niên, bao gồm việc nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy phát triển tài chính bao trùm, thu hẹp khoảng cách số.
Thủ tướng nhấn mạnh hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững và bao trùm. Điều này chỉ có được khi quan hệ quốc tế được duy trì thông qua hệ thống đa phương dựa trên luật lệ, các quốc gia cùng tôn trọng, hiểu biết, đối thoại, hợp tác và tin cậy lẫn nhau. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để G20, Liên hợp quốc và các thể chế đa phương phát huy vai trò trong xử lý các vấn đề toàn cầu trong bối cảnh mới.
Kể từ năm 2010 trở lại đây, Việt Nam đã 5 lần được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G20, một diễn đàn đa phương quan trọng trong quản trị kinh tế toàn cầu. Việc Thủ tướng Chính phủ tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến đã khẳng định đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 vào các vấn đề chung của toàn cầu.
Đây là lần thứ hai trong năm 2020, các nhà lãnh đạo G20 họp trực tuyến nhằm phối hợp chính sách toàn cầu ứng phó dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững, cân bằng và bao trùm
Thúy Anh (T/h)