02/11/2021 3:38:31

Thu phí ô tô vào nội đô, người dân có chịu được phí cao?

Hà Nội dự kiến thu phí ô tô vào nội đô từ năm 2024, mức cao nhất 100.000 đồng mỗi xe. Tuy nhiên, đã có nhiều phản ứng trái chiều khi mức phí này được đánh giá là khá cao.

Theo đề án, Hà Nội dự kiến thu phí ô tô vào nội đô từ năm 2024, mức cao nhất 100.000 đồng mỗi xe. Khung phí này được tính toán làm căn cứ để xây dựng dự án đầu tư công nghệ thu phí và thành phố sẽ căn cứ vào thực tế để điều chỉnh mức thu phí chính xác ở từng giai đoạn.

Theo đơn vị tư vấn, sẽ lập 87 trạm thu phí xe ô tô vào nội đô Hà Nội. Hoạt động thu phí từ 5h đến 21h hằng ngày. Dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 – Cầu Thanh Trì – Pháp Vân – Mai Dịch – Phạm Văn Đồng – trục Tây Thăng Long – Võ Chí Công – Cầu Nhật Tân – Đường Hoàng Sa – Đường Trường Sa – Đường Lý Sơn – Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch; các tuyến Vành đai 1-2-3 chưa hoàn chỉnh. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp nhất là vào giờ cao điểm và các dịp lễ, Tết tập trung đông người. Do đó, giải pháp thu phí là hết sức cần thiết.

Để lập 87 trạm thu phí trên, đơn vị tư vấn xác định được 68 vị trí và thực hiện thu phí; phân làm ba giai đoạn. Người dân nếu không muốn nộp phí, có thể đi đường tránh hoặc dùng phương tiện vận tải công cộng.

Theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội), mức giá dự kiến thu đối với các xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ (là đối tượng chính của thu phí) tại các trạm thu phí từ 25.000đ – 60.000đ/lượt; xe ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại được đề xuất mức thu từ 15.000đ – 40.000đ/lượt.

Thời gian thu là từ 5h-21h hàng ngày, có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm (giờ cao điểm sáng từ 6h00-9h00, chiều từ 16h00-19h30). Theo đề xuất, việc thu phí ô tô vào nội đô sẽ được thực hiện từ năm 2025.

Một điểm đáng chú ý, xe ô tô khách thương mại dù có tác dụng vận chuyển tập trung nhiều người dân cùng lúc, nhưng vẫn sẽ bị áp dụng thu phí, nhưng theo hướng thấp hơn so với xe con cá nhân. Ngoài ra, xe ô tô của người dân, cơ quan, tổ chức trong khu vực thu phí có chính sách miễn giảm.

Đối tượng miễn phí gồm xe ưu tiên theo quy định hiện hành (xe cảnh sát, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe quân đội,…); xe công vụ; xe buýt công cộng. Mặc dù được miễn phí nhưng các loại xe này vẫn phải đăng ký trong hệ thống, được lắp thiết bị trên xe và cài đặt chế độ miễn thu phí để đảm bảo phân biệt với các loại xe ô tô cùng chủng loại những vẫn phải chịu phí.

Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho hay, các đô thị lớn nếu hạ tầng không đủ dẫn đến quá tải thì thu phí là hợp lý, tránh mất cân đối giữa những người có phương tiện cá nhân với người không có. Tuy nhiên, việc thu phải thực hiện trong bối cảnh phù hợp.

“Ví dụ khi thu phí thì phải phát triển thêm hệ thống giao thông công cộng để người dân có lựa chọn tốt hơn. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, doanh nghiệp, người dân đang chịu chi phí rất lớn thì phải cân nhắc. Bên cạnh đó, quỹ đất giao thông đô thị của Việt Nam hiện nay đang thấp, đặc biệt là giao thông tĩnh nên một mặt phải đầu tư để mở rộng thêm và mặt khác cũng phải đầu tư hạ tầng”, ông Cường nói.

Về vấn đề Hà Nội đặt lộ trình đến 2025 triển khai thu phí, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, lộ trình này có phù hợp hay không phụ thuộc vào vấn đề phát triển hệ thống hạ tầng công cộng của Hà Nội. Hiện phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu người dân nên Hà Nội mới chỉ ra kế hoạch đến 2025.

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho rằng, chủ trương thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân đã được đưa ra cách đây 4-5 năm. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà đề án này chưa thể thực hiện được.

TS Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, hạ tầng giao thông của Hà Nội vẫn đang yếu kém, “đường không thông, cầu không thoáng”, mặt đường nhỏ hẹp, quỹ đất giao thông mới chỉ có 7% trong khi yêu cầu thực tế đặt ra phải trên 20%. Bên cạnh đó, cốt lõi của Hà Nội là giao thông công cộng chưa phát triển, không đáp ứng được yêu cầu với thành phố khoảng 10 triệu dân.

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện chưa có tuyến đường sắt đô thị, tuyến Metro nào có thể đưa vào sử dụng được ngay. Trong khi xe buýt vẫn chưa đáp ứng đủ số lượng khi hạn chế phương tiện cá nhân. Từ những lý do này nên người dân buộc phải dùng phương tiện cá nhân để đi lại, làm ăn và sinh sống. Trước mắt, xe máy, ôtô vẫn là phương tiện chính và nó vẫn tồn tại.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng ý tưởng thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô đã được Hà Nội, TP.HCM tính đến từ cách đây 6-7 năm. Điểm chung của hai thành phố là siêu đô thị lớn nhất cả nước và cũng là nơi tập trung nhiều ôtô cá nhân nhất tại Việt Nam.

Về mức phí 100.000 đồng/lượt cho ôtô con đi qua trạm thu phí vào giờ cao điểm, ông Thanh cho rằng hợp lý. Mức này đủ cao để có thể tác động đến thói quen đi lại của người dân, đặc biệt người sử dụng ôtô.

“Người sử dụng ôtô là nhóm thu nhập trung bình, cao thậm chí rất cao. Mức phí 100.000 là hợp lý để tác động đến quyết định có cần lưu thông vào nội đô giờ cao điểm hay không. Với nhóm thu nhập trung bình, họ phải tính đến đổi phương tiện hoặc từ bỏ chuyến đi”, ông Thanh phân tích.

Ông Thanh đồng tình với Sở GTVT khi mức phí điều chỉnh linh hoạt cho từng loại phương tiện, khung giờ cao – thấp điểm và miễn giảm vào ngày nghỉ, ngày lễ. Việc này giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân, điều chỉnh tích cực thói quen đi lại.

Một điều nữa nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị TP chú trọng là sự minh bạch trong câu chuyện thu phí và quản lý, sử dụng số tiền thu được.

Mình Tâm