10/12/2021 8:19:00

Thợ vỉa hè – một nét đặc trưng của Hà Nội

Thợ vỉa hè, một công việc mưu sinh đầy dung dị của không ít cư dân thủ đô giữa phố xá tấp nập. Họ lặng lẽ bán sức lao động của mình ngay trên hè phố, công việc của họ tạo nên một nét đặc trưng cho văn hóa vỉa hè của Hà Nội.

Vì tình yêu với nghề

Hàn đồ nhựa, sửa xe… là những công việc thường nhật của chú Phạm Hồng Thái trên góc phố Phủ Doãn, Hà Nội. Năm nay tuy đã ngoài 60, dù đã trải qua rất nhiều nghề nhưng cuối cùng chú Thái vẫn lựa chọn quay về với nghề hàn đồ nhựa. Gắn bó với thứ nghề bình dị này đã hơn 30 năm, chưa bao giờ chú cảm thấy buồn chán hay nản lòng. Chú chia sẻ: “Làm ở đây thì thoải mái, từ trước tới nay chỉ làm nghề vỉa hè thì mới cảm thấy tự do với chủ động được. Miễn sao mình cứ ngồi gọn gàng, không bày bừa ra đường là được. Chủ yếu là chú cũng thích nghề này, vẫn yêu cái nghề làm đồ nhựa này lắm”.

Chú Thái đang tái chế những món đồ nhựa cũ

Những món đồ nhựa được làm tỉ mỉ, trau chuốt, sắp xếp gọn gàng cẩn thận khiến cho chú được mọi người dân xung quanh đặt cho một cái tên thân mật “Thái Hàn”. Không như nhiều người vẫn nghĩ đây là một thứ nghề vất vả và khó khăn, chú Thái lại coi công việc của mình là nghề làm đẹp cho đời. Chú tâm sự: “Muốn làm được nghề này đầu tiên là phải yêu nó. Ngày xưa bố chú cũng làm sửa xe, nhưng không cho bác làm theo vì muốn chú tập trung học. Mà sau chú thích quá nên cứ học lỏm theo cụ, mỗi hôm học một ít, thế mà giờ nó thành nghề kiếm cơm cho cả gia đình.”

Nghề sửa chữa vặt nở rộ từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi ấy đây là một thứ nghề rất được trọng vọng, bởi tính chất tiện lợi, nhanh chóng và phù hợp với khả năng chi trả. Tuy vậy thời gian trôi qua, cuộc sống ngày càng phát triển hiện đại, khiến cho tính chất nghề cũng có nhiều thay đổi. “Đồ nghề thì vẫn như vậy thôi, quan trọng nhất vẫn là tay nghề của mình. Tay nghề của mình phải giỏi thì mới đáp ứng được. Nhưng ngày xưa mới là nhiều việc, đồ làm chú phải tự chế, tự sáng tạo chứ không được thông dụng với có sẵn như bây giờ. Giờ chú chủ yếu hàn thôi, chứ không phải chế ra những cái sản phẩm tinh túy như ngày xưa nữa.”

Nói về những trở ngại, chú Thái cho biết, nhiều lúc gặp trời mưa to thì việc sửa chữa cũng gặp cản trở. Tích cóp từng nghìn đồng từ 8 giờ sáng tới 6 giờ chiều, có những ngày vắng khách hoặc ốm phải ở nhà, ấy vậy mà chú Thái vẫn nuôi dậy được 2 người con khôn lớn và ăn học đàng hoàng.

Dù gặp nhiều khó khăn, tính chất công việc cũng không ổn định, nhưng người đàn ông ấy vẫn luôn yêu nghề. “Chú chỉ mong trong tương lai cứ được ngồi đây làm mãi mãi để phục vụ bà con. Chú từng này tuổi rồi, nhưng cái tâm và tay nghề của chú thì chắc chắn không bao giờ thay đổi”.

Làm bạn với nắng mưa

Những đồng tiền lẻ tưởng chừng như dễ kiếm, nhưng đằng sau đó lại là cả một câu chuyện với nhiều khó khăn. Cô Tống Thị Mai cũng đã gần 60 tuổi, vậy mà đều đặn mỗi ngày đều tới ngã tư hàng Bông để sửa khóa.

Cô Mai bên những đồ nghề gắn bó mưu sinh nơi vỉa hè

Kế nghiệp từ gia đình người chồng quá cố, cô Mai đã có thâm niên hơn 20 năm làm nghề sửa khóa. Cô tâm sự rằng mình từng làm công việc văn phòng trước đây, lúc đó cuộc sống đủ đầy hơn, đồng tiền kiếm được cũng không vất vả như bây giờ. “Cô làm cái nghề này chủ yếu vì nó tiện, mà thoải mái nữa. Lúc chồng co mất thì còn có mỗi mình mình với con, làm trong văn phòng lấy đâu ra thời gian chăm nó. Giờ con nó lớn hơn rồi thì đến lượt cô già đi, người ta cũng đâu có nhận vào làm nữa đâu.”

Nói là tiệm khóa nhưng quán của cô chỉ vỏn vẹn một chiếc máy cắt chìa, vài chục bộ khóa, chai dầu nhớt và một chiếc ghế đôn gỗ nhỏ. Những thứ đồ vật bình dị ấy đã đồng hành cùng cô Mai suốt 20 năm trời để nuôi dậy con trai ăn học. “Đồ của cô thì cũng có gì đâu, bố chồng cô để lại cho chồng cô, rồi ông ấy mất nên mình kế nghiệp thôi. Thương chồng thương bố nên cũng lấy dùng luôn, chứ không dám thay bộ mới hay vứt đi gì hết. Nhìn thì cũ gỉ thế thôi chứ dùng bền lắm, bộ máy này hơn cả tuổi tôi đấy.” – cô Mai cười.

Xung quanh tiệm khóa của cô Mai cũng có rất nhiều cửa hàng vỉa hè như cắt tóc, bơm xe, trà đá,… nhưng chỉ có duy nhất cô là phụ nữ. Nhiều người có thể nghĩ, cái nghề bán sức lao động tại nơi vỉa hè này sẽ không dành cho phụ nữ hay người cao tuổi, ấy vậy mà cô Mai lại coi đây là một phần trong cuộc sống của mình. “Cô làm tất cả các mùa trong năm, mà mùa hè thì nắng lắm, nắng cháy cả da thịt ấy. Mọi người toàn bảo cô ngồi đây là phá hủy nhan sắc. Ai chả muốn được ngồi trong nhà cho trắng trẻo, mà cái nghề nó như là định mệnh của mình rồi, giờ mà bỏ thì cũng nhớ nghề lắm. Nên giờ có bảo bỏ nghề cô cũng không chịu đâu.”

Hoàng Huy