Chiều 14/10, tại đơn vị đăng cai – trường CĐ kỹ thuật công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu đã diễn ra Lễ bế mạc Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ 7- 2022.
Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ 7 năm 2022 quy tụ 381 thiết bị của 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thuộc 57 tỉnh, thành phố tham dự. Đây là những thiết bị đào tạo tự làm tốt nhất, được kết tinh từ tài năng, trí tuệ và sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhà giáo trong phong trào cải tiến, sáng chế tự làm thiết bị đào tạo với tinh thần say mê, nhiệt huyết vì sự phát triển của GDNN Việt Nam.
Hội thi góp phần thúc đẩy phong trào tự nghiên cứu, sáng tạo của giáo viên trong hệ thống GDNN cả nước (các trung tâm GDNN, các trường trung cấp, cao đẳng và cơ sở có đăng ký hoạt động GDNN). Với tổng số thiết bị dự thi là 381 thiết bị, tăng gần 10% so với kỳ thi trước.
Trước khi đến với ngày hội thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ 7 năm 2022, tại cấp cơ sở từ cấp trường đến cấp tỉnh đã có hàng nghìn thiết bị đào tạo tự làm tham gia. Hội thi là nơi các nhà giáo GDNN cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những kiến thức, công nghệ mới trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để cải tiến, sản xuất thiết bị đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp.
Các cơ sở GDNN đã phát huy khả năng sẵn có, thực hiện nhiệm vụ vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu để sản xuất thiết bị, làm phong phú thêm nguồn trang thiết bị đào tạo trong nhà trường.
Đánh giá về sự chuyển biến này, ông Đỗ Năng Khánh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng BTC Hội thi khẳng định: “Hội thi lần này có sự chuyển biến tích cực về chất lượng, phong phú về nhóm nghề đào tạo, đa dạng về thể loại thiết bị, từ đồ dùng, mô hình dạy học đơn giản, mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng công nghệ kỹ thuật vi xử lý, lập trình phức tạp, công nghệ AI, công nghệ IoT. Điều đó đã thể hiện tài năng sáng tạo và việc quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu của các cơ sở GDNN và của các cơ quan quản lý. Sự đa dạng của thiết bị tự làm tại Hội thi năm nay cho thấy, thiết bị đào tạo tự làm đã thực sự trở thành cầu nối giữa thực tiễn khoa học và đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các cơ sở đào tạo”.
Qua kiểm nghiệm thực tế trong quá trình đào tạo tại các cơ sở GDNN về tính sư phạm, các thiết bị đem đến Hội thi toàn quốc lần thứ 7 thực sự trở thành những phương tiện hữu ích, giúp các thầy cô giáo đạt hiệu quả thiết thực trong giảng dạy. Việc tổ chức dạy trên các mô hình thu nhỏ, thiết bị dàn trải của các tác giả, nhóm tác giả dự thi là sự kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học và khả năng sử dụng phương tiện dạy học, làm tăng tính trực quan, giúp người học nhanh chóng tiếp thu được kiến thức và hình thành kỹ năng nghề. Sự khác biệt của các thiết bị này còn tạo nên hứng thú cho người dạy, người học, trực quan hóa trong quá trình giảng dạy.
Một số thiết bị tiêu biểu, ứng dụng công nghệ đã thể hiện sự đổi mới, sáng tạo, thích ứng nhanh với CMCN 4.0 để ứng dụng công nghệ vào các thiết bị dạy học. Nhờ đó, các thiết bị dự thi đều có tính ưu việt, thông minh, tiết kiệm hơn hẳn so với thiết bị truyền thống hiện có tại nhà trường.
Có thể kể đến: Mô hình Máy ép nhựa mini, nhóm tác giả Nguyễn Thanh Thảo và các tác giả của trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bà Rịa – Vũng Tầu; Mô hình điều khiển phun xăng điện tử của tác giả Trần Thành Toàn và các tác giả, trường cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp; Mô hình dây truyền sản xuất sử dụng cánh tay robot, tác giả Đỗ Việt Dũng và tác giả trường CĐ Công nghệ cao Đồng An.
Mô hình Đào tạo internet vạn vật (IoT) của nhóm tác giả Bùi Văn Công, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc, TP Hà Nội; Mô hình Bàn gá thực hành hàn đa năng của nhóm tác giả Trần Xuân Dũng, Trường trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Miền tây Nghệ An.
Điểm nổi bật là hầu hết các thiết bị dự thi đều sử dụng các vật tư dễ tìm, kết hợp với sự sáng tạo của các thầy cô giáo trong việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo. Điều này có tính khả thi cao nhằm nhân rộng kết quả tự làm thiết bị, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng của thiết bị; tăng hiệu quả sử dụng cũng như hiệu quả kinh tế trong đầu tư trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài việc nâng cao tính sư phạm, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, các tác giả, nhóm tác giả dự thi đã quan tâm đến tính thẩm mỹ và kinh tế của thiết bị, do vậy nhiều thiết bị dự thi có kết cấu, hình thức đẹp, giá thành rẻ hơn so với giá của những thiết bị có sẵn bán ngoài thị trường như: Mô hình thực hành khu vui chơi, nghỉ dưỡng biển đảo NTC của nhóm tác giả Hồ Lê Khoa Anh Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang; Mô hình mô phỏng hệ thống cứu sinh – cứu hỏa tàu thủy của nhóm tác giả Mai Ngọc Phong, Trường Ccao đẳng Bách Nghệ Hải Phòng.
Đáng chú ý, nhiều thiết bị đã thể hiện xu hướng “tích hợp” các thiết bị, các mô hình và xu hướng kết hợp sử dụng cho nhiều nghề trên một “thiết bị” hay “mô hình”, đây là xu thế phát triển thiết bị đào tạo trên thế giới. Xu hướng này đã làm tăng hiệu quả sử dụng của thiết bị, thông qua việc có thể áp dụng cho nhiều bài giảng khác nhau, nhiều mô đun khác nhau, nhiều nghề trên qmột ”mô hình” hay một ”thiết bị”, các thầy giáo, cô giáo đã sáng tạo không chỉ trong việc sản xuất thiết bị, mà còn sáng tạo cả trong việc vận dụng các phương pháp giảng dạy trên các phương tiện dạy học có tính linh hoạt cao.
Điển hình như thiết bị: Mô hình dây chuyền chế biến khô thủy sản, của nhóm tác giả Phan Thị Lài, Trường trung cấp Hồng Ngự; Mô hình thực hành PLC – Mạng truyền thông công nghiệp, của nhóm tác giả Bùi Thị Thủy, Trường Cao đẳng Cơ Giới Ninh Bình; Mô hình thực tập hệ thống chiếu sáng, tín hiệu trên ô tô có hỗ trợ chấm điểm số tự động của nhóm tác giả Nguyễn Chí Công, Trường trung cấp nghề cơ khí I Hà Nội.
Tại Hội thi, các tác giả, nhóm tác giả đã thể hiện tính chuyên nghiệp trong thiết kế và sản xuất thiết bị thông qua các ý tưởng thiết kế và sự chi tiết, cẩn trọng trong tài liệu thuyết minh và hướng dẫn sử dụng thiết bị.
Chính vì vậy, có nhiều thiết bị tham dự Hội thi được đánh giá đạt tiêu chuẩn của một “sản phẩm” theo đúng nghĩa sản phẩm thương mại có thể sản xuất đại trà và bán ra thị trường, như thiết bị: Mô hình hướng dẫn thực hành phù điêu chân dung (cụ Nguyễn Sinh Sắc) của tác giả Châu Trâm Anh Trường trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương; Mô hình lắp ráp điều khiển hệ thống lạnh công nghiệp của nhóm tác giả Trần Xuân An, Trường Cao đẳng Công thương TP.HCM.
Kết quả Hội thi có 150 thiết bị đạt giải cá nhân, bao gồm: 30 thiết bị đạt giải Nhất; 45 thiết bị đạt giải Nhì; 75 thiết bị đạt giải Ba.
Về giải toàn đoàn, Ban Tổ chức đã lựa chọn 06 đoàn đạt giải tập thể, gồm: 1 Giải Nhất, 2 Giải Nhì và 3 Giải Ba. Cụ thể:
1 giải Nhất: Đoàn TP Hồ Chí Minh.
2 giải Nhì: Đoàn TP Hà Nội; đoàn tỉnh Vĩnh Phúc.
3 giải Ba: Đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; đoàn TP Hải Phòng; đoàn tỉnh Tiền Giang.
Tại lễ bế mạc, các tập thể, cá nhân đạt thành tích trên đã được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
Cùng đó, có 2 tập thể và 4 cá nhân thành viên Ban giám khảo đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự thành công của Hội thi thiếtl bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ 7- 2022 cũng được tặng Bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH.
Cụ thể 2 tập thể:
1- Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
2- Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu.
4 cá nhân bao gồm:
- TS Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.
- Thạc sĩ Nhữ Ngọc Minh – Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị Giáo dục – Dạy nghề Việt Nam.
- Phan Thị Hồng Phúc – Trưởng khoa Chăn nuôi thú y, Đại học Nông lâm Thái Nguyên.
- Ngô Đức Vĩnh – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin thư viện, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Thu Thủy