08/11/2022 7:20:00

Thị trường lao động Việt Nam trước thách thức lãi suất cao kéo dài

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid- 19, thị trường lao động Việt Nam ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong những tháng vừa qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với tình hình lạm phát tăng cao, lãi suất được đẩy lên để kiềm chế lạm phát khiến nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề, thị trường lao động nước ta đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.

Kinh tế tăng trưởng tốt kéo theo sự hồi phục của thị trường lao động

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý III/2022, kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt, thể hiện qua diễn biến tích cực của các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tính tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đóng góp tích cực vào mức tăng GDP 9 tháng năm 2022 – đạt 8,83% so với 9 tháng đầu năm 2021 và là mức tăng 9 tháng đầu năm cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022.

Bên cạnh đó, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp trong quý cũng tăng 12,12% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,25 điểm phần trăm so với mức tăng của quý trước. Giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 96,50 tỷ USD, giảm 0,30 tỷ USD, tương đương 0,50% so với quý trước và tăng 12,61 tỷ USD, tương đương 17,20% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại 9 tháng đầu năm xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Song song với đó, thị trường lao động ghi nhận một số dấu hiệu tích cực thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 51,87 triệu người trong quý III, tăng 244,80 nghìn người (tương ứng mức tăng 0,50%) so với quý trước và tăng 2.801,50 nghìn người (tương đương tăng 5,70%) so với cùng kỳ năm 2021.

Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III/2022 ước tính là 50,80 triệu người, tăng 255,20 nghìn người so với quý trước và tăng 3.547,10 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số người có việc làm trong độ tuổi lao động là 45,31 triệu người, tăng 319,70 nghìn người (tương ứng mức tăng 0,70%) so với quý trước và 3.921,20 nghìn người (tương ứng tăng 9,50%) so với cùng kỳ năm trước.

Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III/2022 ước tính là 50,80 triệu người, tăng 255,20 nghìn người so với quý trước và tăng 3.547,10 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số người có việc làm trong độ tuổi lao động là 45,31 triệu người, tăng 319,70 nghìn người (tương ứng mức tăng 0,70%) so với quý trước và 3.921,20 nghìn người (tương ứng tăng 9,50%) so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng lao động có việc làm trong độ tuổi lao động quý này vẫn cao hơn tốc độ tăng của lao động có việc làm từ 15 tuổi trở lên (tương ứng 0,70% và 0,50%), tiếp tục cho thấy tình trạng lao động ngoài độ tuổi lao động phải tiếp tục làm việc để trang trải cuộc sống có xu hướng được cải thiện.

Không chỉ dừng lại ở việc hồi phục, thị trường lao động Việt Nam còn cho thấy sự phát triển so với giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thông qua chỉ số về thu nhập của người lao động. Trong quý III/2022 thu nhập bình quân tháng của người lao động ghi nhận ở mức 6,7 triệu đồng, cao hơn mức 6,6 triệu đồng của quý trước cũng như mức 5,9 triệu đồng trong quý III/2021 (cùng kỳ năm chưa xảy ra dịch Covid-19).

Nhìn chung, các chỉ số đánh giá thị trường lao động Việt Nam đều cho thấy sự tăng trưởng so với quý trước cũng như cùng kỳ năm 2021, thậm chí còn thể hiện được sự phát triển thông qua chỉ số về thu nhập. Sự thành công này nhờ đóng góp rất lớn từ những chính sách hồi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch của Nhà nước.

Từ lạm phát, lãi suất tăng cao kéo dài…

Tính đến đầu tháng 11/2022, lạm phát tăng cao là vấn đề nhức nhối tại những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU)…

Để giải quyết vấn đề này, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới điển hình như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt bằng cách tăng lãi suất cơ bản. Đặc biệt, FED với 6 lần tăng lãi suất liên tiếp từ đầu năm đến nay, đẩy lãi suất cơ bản hiện tại lên mức 4,00%, cao nhất kể từ 12/2007. Hơn thế nữa, lãi suất nhiều khả năng sẽ giữ ở mức cao trong thời gian dài tới.

Những động thái trên sẽ có thể đẩy các nền kinh tế vào một đợt suy thoái mới. Trước bối cảnh như vậy, Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở rất lớn, với tổng sản lượng xuất – nhập khẩu tương đương khoảng 200% GDP cũng sẽ đối mặt với một số rủi ro nhất định khi dòng lưu chuyển hàng hóa và tài chính trên thế giới thay đổi.

Thứ nhất, khi các quốc gia đối mặt với việc giá cả leo thang, nhu cầu tiêu dùng của các nước đối với hàng hóa, đặc biệt là hàng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ giảm đi. Điều này sẽ làm giảm đơn hàng với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Thứ hai, khi lạm phát tăng cao ở các nước, chi phí nhập khẩu các nguyên, vật liệu từ nước ngoài sẽ bị đội lên, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, nhiều cơ sở buộc phải thu hẹp quy mô, đóng cửa nhà máy.

Thứ ba, dòng tiền FDI vào Việt Nam có thể giảm đi, hoặc diễn biến xấu hơn khi các nhà đầu tư FDI hiện thời rút và chuyển vốn từ Việt Nam sang các quốc gia khác.

Tới thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam

Những tác động của kinh tế trên toàn cầu đến nền kinh tế Việt Nam sẽ kéo theo sự biến động trong thị trường lao động. Đặc biệt, sự ảnh hưởng sẽ không đồng đều và theo cùng hướng, có thể gây mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ theo địa bàn, theo nhóm ngành nghề và theo trình độ kỹ năng nghề.

Một là, khi đồng USD tăng giá trị và tạo lợi thế xuất khẩu cho Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu ít phải nhập khẩu nguyên liệu sẽ là người hưởng lợi. Doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn thu để tăng lương, giữ chân người lao động, để giải quyết vấn đề giá nguyên liệu đầu vào đang tăng mạnh như hiện nay, từ đó giảm áp lực chi phí, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là yếu tố tích cực để người lao động có lương cao hơn và nhiều cơ hội việc làm hơn. Lao động trong các lĩnh vực như chế biến thủy, hải sản, lương thực, thực phẩm…sẽ có thể hưởng lợi trên phương diện này.

Những tác động của kinh tế trên toàn cầu đến nền kinh tế Việt Nam sẽ kéo theo sự biến động trong thị trường lao động. Đặc biệt, sự ảnh hưởng sẽ không đồng đều và theo cùng hướng, có thể gây mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ theo địa bàn, theo nhóm ngành nghề và theo trình độ kỹ năng nghề.

Hai là, mặc dù đồng nội tệ rẻ tương đối so với đồng USD tạo lợi thế cho xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lại đứng trước nguy cơ phải thu hẹp hoạt động sản xuất do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn đang phải đối mặt với vấn đề lạm phát cao như Mỹ, Anh và EU,… Đồng thời, đối với các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên, phụ liệu sẽ phải chịu mức chi phí tăng cao. Điều này kéo theo việc cắt giảm giờ làm, sa thải nhân công gia tăng và cơ hội việc làm mới cũng sẽ ít đi, điển hình là lao động trong các lĩnh vực bao gồm chế biến gỗ, da giày, may mặc… khi máy móc trang thiết bị, nguyên liệu phải nhập khẩu từ các thị trường phát triển.

Ba là, trong bối cảnh sống chung với dịch, lạm phát cơ bản trong phạm vi mục tiêu điều hành của Chính phủ, người lao động, đặc biệt là lao động chưa qua đào tạo chưa trở lại thị trường lao động ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ dần quay trở lại tìm kiếm cơ hội việc làm ngày càng nhiều hơn; nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp FDI, có thể sẽ hạn chế việc mở rộng quy mô kinh doanh sản xuất. Người lao động chưa có việc làm, nhìn chung, có thể sẽ khó khăn hơn trong tìm kiếm việc làm.

Việt Nam cần làm gì?

Với những thành công trong việc hồi phục và phát triển thị trường lao động trong những tháng đầu năm nay, cũng như đứng trước nguy cơ chịu tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế trên toàn cầu, Việt Nam rất cần những động thái chính sách quyết liệt, cụ thể để duy trì đà tăng trưởng và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường lao động.

Các nhà quản lý cần cần tập trung vào việc rà soát đánh giá nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để có giải pháp thực hiện kết nối ngành, vùng, phân bổ lại nguồn nhân lực hợp lý, tránh mất cân đối cung – cầu lao động, thừa/thiếu lao động cục bộ theo ngành và theo địa phương.

Thêm vào đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ban ngành và địa phương tích cực triển khai các chính sách thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả; tập trung thực hiện các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh lãi suất cao kéo dài, thị trường lao động chắc chắn sẽ chịu nhiều áp lực. Nếu nhận diện và xử lý sớm các rủi ro, Việt Nam có thể sẽ giảm thiểu các tác động tiêu cực tới thị trường lao động nói riêng và nền kinh tế nói chung và duy trì được đà tăng trưởng như kỳ vọng.

Trong bối cảnh lãi suất cao kéo dài, thị trường lao động chắc chắn sẽ chịu nhiều áp lực. Nếu nhận diện và xử lý sớm các rủi ro, Việt Nam có thể sẽ giảm thiểu các tác động tiêu cực tới thị trường lao động nói riêng và nền kinh tế nói chung và duy trì được đà tăng trưởng như kỳ vọng.

Theo nhandan.vn