20/04/2022 2:37:13

Thị trường lao động sớm phục hồi như thời điểm trước dịch

Thị trường lao động đang khởi sắc, nhưng so với cùng kỳ 2021 và so với thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát, thì tỷ lệ thất nghiệp, số người thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn ở mức rất cao.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho rằng, thị trường lao động sẽ sớm phục hồi như thời điểm trước đại dịch.

Ông Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống k

Chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 giúp thị trường lao động quý I/2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc, nhưng bức tranh về lao động, việc làm có sáng sủa hơn so với trước khi xảy ra đại dịch không, thưa ông?

So với quý IV/2021, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 đã giảm mạnh, từ 24,7 triệu người, xuống còn 16,9 triệu người (giảm 7,8 triệu người). Ngược lại, số người gia nhập lực lượng lao động tăng thêm 500.000 người; lao động có việc làm tăng gần 1 triệu người. Thu nhập bình quân tháng của người lao động đã dần được cải thiện, đạt 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110.000  đồng so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu trên đã cho thấy, thị trường lao động đã có nhiều khởi sắc và đang từng bước phục hồi. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững so với thời kỳ trước khi Covid-19 diễn ra (trước năm 2020). Đơn cử, lực lượng lao động tăng, nhưng vẫn thấp hơn 403.300 người so với cùng kỳ năm 2019, hay như tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn thấp hơn khoảng 3,25 điểm phần trăm năm 2019. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao, cao hơn mức bình thường cũ là 1,59 điểm phần trăm và 0,15 điểm phần trăm…

Năm nay, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh gần như đã được mở cửa hoàn toàn, nhưng thưa ông, vì sao tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước?

So với 3 tháng đầu năm 2021, năm nay đúng là có nhiều thuận lợi cho nền kinh tế nói chung và cho thị trường lao động nói riêng, khi gần như mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được mở cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, quý I/2022 cũng chứng kiến sự lan rộng chưa từng có của đại dịch Covid-19. Nếu như năm ngoái, ngay ở thời kỳ đỉnh dịch (từ tháng 4 đến hết tháng 9), cả nước chỉ có một số tâm dịch, thì năm nay cả nước là tâm dịch, mỗi ngày ghi nhận hàng chục ngàn, thậm chí lên đến hàng trăm ngàn ca nhiễm Covid-19.

Đó mới chỉ là số ca nhiễm qua báo cáo, còn số ca trong cộng đồng thực chất cao hơn rất nhiều. Ngay cả Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận số ca nhiễm trong toàn ngành chiếm 48% tổng số công chức, viên chức và người lao động, từ đó, suy rộng ra, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác có tỷ lệ nhiễm bệnh không thấp hơn. Theo quy định,  F0 phải cách ly và điều trị đến khi khỏi bệnh, F1 phải cách ly 5 ngày, đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của cả xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp.

Ngoài ra, thế giới chứng kiến xung đột Nga – Ukraine và đặc biệt các lệnh trừng phạt cũng như trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ, phương Tây và Nga, đã tác động nhất định đến hoạt động xuất – nhập khẩu, đầu tư của Việt Nam. Về tổng thể nền kinh tế vẫn chịu nhiều ảnh hưởng gián tiếp, tiềm ẩn rủi ro về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát do giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến đà phục hồi của doanh nghiệp, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã ban hành. Tất cả những yếu tố trên khiến tỷ lệ thất nghiệp và đặc biệt là thiếu việc làm cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Thưa ông, liệu có mâu thuẫn, trong khi thất nghiệp và thiếu việc làm cao, nhưng nhiều doanh nghiệp lại thiếu lao động?

Phải khẳng định rằng, bức tranh về thất nghiệp trong 3 tháng đầu năm nay đã sáng sủa hơn. Cụ thể, số người thất nghiệp chỉ vào khoảng 1,1 triệu người, giảm 489.500 người so với quý trước và chỉ tăng nhẹ (16.700 người) so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp là 2,46%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Nền kinh tế luôn tồn tại một tỷ lệ thất nghiệp nhất định tùy theo đặc điểm thị trường, ngay ở các nước phát triển, số người thất nghiệp vẫn rất nhiều và tỷ lệ còn cao hơn cả Việt Nam.  Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp ở Bỉ là 5-6%; Thụy Sỹ 4-5%; Đức 3-4%; Pháp thậm chí lên đến 8%; còn Mỹ là 4%. Ở các nước trong khu vực ASEAN, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam tương đương với Philippines và thấp hơn cả Singapore, Indonesia, Malaysia (3-4%).

Thị trường lao động đang khởi sắc, theo ông, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam liệu có trở lại mức trước đại dịch?

Số ca nhiễm Covid-19 mới, số ca tăng nặng và tử vong đang giảm rất mạnh, số ca khỏi bệnh gia tăng, là cơ sở để tin rằng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm mạnh trong những tháng cuối năm. Chính phủ đang nỗ lực triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội; các bộ, ngành, địa phương cũng đang chạy đua trong việc hoàn thành tiêm vắc-xin và chỉ đạo, điều hành linh hoạt, tăng tốc để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Như vậy, yếu tố khách quan là dịch bệnh đang giảm mạnh, còn chủ quan là nỗ lực của cả hệ thống chính trị quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng, sớm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, thì tỷ lệ thất nghiệp giảm về mức trước đại dịch chắc sẽ sớm đạt được, nhất là gói tài khóa, tiền tệ trị giá 350.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 43/2022/QH15 đang được triển khai mạnh mẽ.

Nhiều khả năng lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% từ ngày 1/7/2022, song lương cơ sở áp dụng cho khu vực nhà nước vẫn không tăng trong 3 năm qua. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, từ 2021 đến 2025 sẽ áp dụng thống nhất chế độ tiền lương mới của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị. Khi đó, tiền lương thấp nhất của các đối tượng này sẽ bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp từ đầu năm 2020, mọi nguồn lực đều phải tập trung cho phòng, chống dịch, nên Nghị quyết 122/2020/QH14 đã quyết định chưa tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng, mà vẫn áp dụng 1,49 triệu đồng.

Tuy nhiên, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 34/2021/QH15 nhằm điều chỉnh các chính sách tiền lương phù hợp với tình hình thực tế. Như vậy, đối với nhóm đối tượng là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ thực hiện lùi cải cách tiền lương đến khi có văn bản hướng dẫn chính thức. Theo chỉ đạo thì việc lùi cải cách tiền lương sẽ không kéo dài quá lâu, tránh gây ảnh hưởng đến cuộc sống người lao động khu vực nhà nước.

Theo baodautu.vn